Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Thương mại điện tử có thể bổ trợ cho bán lẻ truyền thống

(ĐTCK) Dù thương mại điện tử phát triển bùng nổ trong những năm vừa qua, nhưng điều đó không đe dọa đến lĩnh vực bán lẻ truyền thống, mà có tính bỗ trợ cho nhau.

Trong năm 2018, thị trường mặt bằng bán lẻ TP.HCM đón chào một vài dự án mới, nâng tổng diện tích mặt bằng cho thuê thương mại lên 1 triệu m2. Tuy nhiên, tổng diện tích vẫn còn khá thấp so với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á như Singapore (hơn 9 triệu m2), Bangkok (7,46 triệu m2), Jakarta (3,1 triệu m2).

Tổng số lượng dự án trung tâm thương mại mới tại TP.HCM với mô hình chuẩn chỉnh được khai trương trong năm 2018 là 4 dự án, cung cấp 200.000 m2 cho thị trường. Cả 4 dự án này đều tọa lạc tại khu vực ngoài trung tâm thành phố, bao gồm: Trung tâm thương mại Vạn Hạnh, quận 10; Vincom Center thuộc tòa nhà Landmark 81, quận Bình Thạnh; Estella Place, quận 2; và Giga Mall, quận Thủ Đức.

Bà Trần Thị Chinh, Trưởng bộ phận Tư vấn và Giao dịch - Dịch vụ bán lẻ, CBRE Vietnam

Xu hướng phát triển các trung tâm thương mại ngoài khu vực trung tâm trong năm 2018 là các chủ đầu tư cho thuê tất cả phần diện tích thương mại hoặc phần lớn tổng diện tích cho một khách thuê lớn như Lotte Mart, Saigon Co.opmart, Auchan… Đây cũng sẽ là xu hướng phát triển dự án bất động sản bán lẻ hoặc khu diện tích thương mại trong năm 2019, ngoại trừ các dự án của Vincom và của các chủ đầu tư nước ngoài.

Theo Euromonitor và CBRE Research, doanh thu bán lẻ Việt Nam được xếp hạng cao nhất, vị trí số 1 trên toàn Đông Nam Á năm 2017, chiếm gần 6%. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam năm 2018 tăng 11,7% so với năm 2017, đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng. Những con số này cho thấy sự tăng trưởng cao và ổn định của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý trên thị trường bán lẻ Việt Nam là sự bùng nổ của thương mại điện tử. Theo Statista - một trong những cơ sở dữ liệu thành công nhất trên thế giới, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 2.269 triệu USD năm 2018, trong đó phân khúc lớn nhất là điện tử và truyền thông, chiếm hơn 26%. Tiếp theo là thời trang với gần 560 triệu USD, chiếm 24% tổng doanh thu.

Trong gần 50 triệu người dùng, 91% người dùng chọn thanh toán bằng COD (Cash on Delivery - Thanh toán khi nhận hàng). Điều này dẫn đến sự thay đổi lớn trong các mô hình thương mại điện tử.

Các nền tảng thương mại điện tử đa ngành hàng đã chuyển từ mô hình là nhà phân phối kinh doanh bán lẻ trực tuyến sang mô hình Emarketplace - chợ trực tuyến. Mô hình Emarketplace cho phép các nhà bán lẻ cá nhân hoặc các hộ bán lẻ thiết lập cơ sở kinh doanh trực tuyến với chi phí thấp, đồng thời nâng cao độ nhận diện thương hiệu trong thị trường mua sắm kỹ thuật số.

Điều này có nghĩa là từng ngày, các thương gia hoặc cá nhân Việt Nam có cơ hội kinh doanh trực tuyến với chi phí đầu tư thấp và khả năng cao một ngày nào đó, họ sẽ mở cửa hàng bán lẻ truyền thống.

Như vậy, thương mại điện tử không đe dọa đến các mô hình bán lẻ truyền thống, ngược lại, còn có thể giúp tạo cơ hội kinh doanh trực tuyến mà sau này có thể chuyển thành kinh doanh bán lẻ truyền thống.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan