Tiền ảo vỡ trận, chứng khoán đang ở đỉnh, vàng sắp lấp lánh trở lại

0:00 / 0:00
0:00
Rất nhiều dấu hiệu cho thấy, dòng tiền đang rời bỏ các kênh đầu tư rủi ro, hướng đến các hầm trú ẩn an toàn, trong đó có vàng.
Rào cản khiến thị trường vàng tại Việt Nam chưa thật sự sôi động một phần do mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Ảnh: Đ.T. Đồ họa: Đan Nguyễn

Rào cản khiến thị trường vàng tại Việt Nam chưa thật sự sôi động một phần do mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Ảnh: Đ.T. Đồ họa: Đan Nguyễn

“Cá mập” bắt đầu mua vàng trở lại

Đầu tuần này, giá vàng tiếp tục đi lên cùng với các dự báo hết sức lạc quan của giới chuyên gia. Kết quả khảo sát của sàn Kitco News về giá vàng tuần sau với 15 chuyên gia phố Wall cho thấy, có 11 người dự báo vàng sẽ tăng giá.

Giá vàng đã đạt đỉnh lịch sử hơn 2.000 USD/oz (trong nước trên 62 triệu đồng/lượng) vào ngày 8/8/2020 và liên tục đi xuống, nhiều lần xuyên thủng mốc 1.700 USD/oz vào đầu năm nay. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2021 tới nay, vàng bắt đầu tăng trở lại, giữa tuần này đã đứng ở mốc 1.898 USD/oz và rất gần mốc 1.900 USD/oz.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng thế giới có xu hướng tăng trở lại, nguyên nhân lớn nhất là lạm phát tại Mỹ có nguy cơ gia tăng, tác động tới lạm phát toàn cầu.

Số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/5 cho thấy, Chỉ số Giá tiêu dùng tại Mỹ tháng 4/2021 đã tăng 0,8% (mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2009), đưa mức lạm phát trong vòng 12 tháng liên tiếp của Mỹ lên mức 4,2% - mức cao nhất kể từ hồi năm 2008 (cao nhất trong vòng 13 năm qua). Trong khi đó, Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục triển khai các gói kích thích kinh tế trị giá hàng ngàn tỷ USD.

Tuy nhiên, ngoài lạm phát, có thêm rất nhiều yếu tố đang hỗ trợ vàng tăng giá.

Thứ nhất, USD vẫn đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hạ nhiệt.

Thứ hai, nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi thị trường tiền ảo do thông tin xấu liên tục ập đến. Chính phủ các quốc gia liên tiếp có động thái truy quét và quản lý chặt hoạt động khai thác, đầu tư tiền ảo, đồng thời thúc đẩy quá trình phát hành tiền điện tử của của ngân hàng trung ương khiến nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, giá trị nhiều đồng tiền ảo trên thị trường đã giảm 50 - 100% chỉ trong vòng một tháng. Khả năng dòng tiền tháo chạy từ tiền ảo đổ sang thị trường vàng là rất lớn.

Thứ ba, căng thẳng chính trị vẫn diễn ra trên thế giới, mới đây nhất là xung đột leo thang giữa Israel và Palestine, căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…

Thứ tư - chỉ báo rõ nét nhất - các “cá mập” đang quay trở lại với vàng. Sau thời gian liên tục bán ròng, từ đầu tháng 5/2021 tới nay, SPDR - quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới - đã mua vàng trở lại, nâng dự trữ vàng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua. Không những thế, theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ, ngân hàng trung ương các quốc gia cũng đang đẩy mạnh mua vào mấy tháng gần đây.

Sự đổ xô mua vào của các tay chơi lớn khiến nhiều chuyên gia cho rằng, vàng sẽ nhanh chóng cán mốc 1.900 USD/oz. Thậm chí, có tổ chức quốc tế còn dự báo vàng vượt đỉnh lịch sử 2.000 USD/oz hồi tháng 8/2020.

Nhà đầu tư Việt vẫn ở thế rủi ro

Thị trường vàng trong nước vẫn đang trầm lắng. Với giá vàng thế giới, đà đi lên thời gian tới có thể bị ảnh hưởng, nếu lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng hoặc thị trường tiền ảo đột ngột đảo chiều.

Rào cản khiến thị trường trong nước kém sôi động còn do mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, khiến nhà đầu tư khó có lời, trong khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản… cực kỳ sôi động.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem lại chính sách hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu. Bối cảnh hiện nay khác rất nhiều so với năm 2012 (thời điểm NHNN siết chặt quản lý thị trường vàng), nguy cơ vàng hóa với nền kinh tế đã giảm mạnh, việc tiếp tục cấm nhập khẩu nguyên liệu vàng vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp, vừa kích thích nhập lậu, vừa khiến nhà đầu tư thiệt thòi.

Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam dù thừa nhận thị trường vàng sẽ được hưởng lợi khi thị trường tiền mã hóa sập sàn, thị trường chứng khoán đang ở đỉnh, song cũng khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng. Theo ông Khánh, nhà đầu tư nên chọn thời điểm giá điều chỉnh để mua vào, nhằm hạn chế rủi ro.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những tháng còn lại của năm 2021, lựa chọn kênh đầu tư sẽ khó khăn, ngay cả với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Lý do là thị trường bất động sản và chứng khoán đều đã trải qua thời gian tăng giá khá dài và đang ở đỉnh, tiền ảo “vỡ trận”, trong khi vàng vẫn còn gặp nhiều rào cản lớn. Lựa chọn kênh đầu tư nào phải căn cứ vào sự am hiểu cũng như khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Quý I/2021, Ấn Độ đã nhập khẩu 321 tấn vàng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Hungary vừa có đợt mua vàng lớn nhất thập kỷ (94,5 tấn) trong tháng 3/2021, tăng gấp 3 lần lượng vàng dự trữ. Ba Lan mua vào gần 95 tấn vàng và có thể còn chưa kết thúc.

Trong khi đó, Trung Quốc (nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới) đã cho phép các ngân hàng trong nước nhập khẩu một lượng lớn vàng thỏi (khoảng 150 tấn). Còn Nga, sau khi tạm dừng mua vàng 1 năm trước, đã bắt đầu mua vàng trở lại.

Tin bài liên quan