Tiền huy động từ trái phiếu được sử dụng như thế nào?

Tiền huy động từ trái phiếu được sử dụng như thế nào?

(ĐTCK) Đó là một trong những loại thông tin mà ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, các trái chủ cần phải biết khi đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP).

Tiền huy động từ trái phiếu được sử dụng như thế nào? ảnh 1Từ đầu năm đến ngày 10/8, số TPCP huy động qua HNX là 102.064 tỷ đồng

Không riêng ông Dominic, mục đích sử dụng vốn huy động từ TPCP là điểm nhận được sự quan tâm chung của các thành viên trên thị trường trái phiếu, nhất là với những tổ chức đầu tư lớn, có khả năng mua và nắm giữ nhiều tỷ đồng công cụ đầu tư này.

Theo quy định hiện hành, TPCP là công cụ vay nợ của Chính phủ để thực hiện cho nhiều mục tiêu như bù đắp bội chi ngân sách, trả nợ và đầu tư công. Quốc hội không quy định tổng mức huy động TPCP hàng năm, nhưng ra một quy định khung về tỷ lệ nợ công trong từng giai đoạn, hiện tại, mức cho phép của Việt Nam là 60% GDP. Bước sang năm 2012, tổng mức nợ công của Việt Nam đã chạm ngưỡng 55% GDP và điều này khiến việc huy động thêm vốn bằng TPCP luôn được các cấp có thẩm quyền cân nhắc rất thận trọng, phù hợp với nhu cầu vốn thực sự của Ngân sách, đảm bảo khả năng trả nợ và cân đối cơ cấu nợ nói chung không vượt quá 60% GDP.

Bên cạnh lượng TPCP được huy động để bù đắp bội chi ngân sách (bằng công cụ tín phiếu), huy động để đầu tư cho các công  trình dự án của Chính phủ (những công trình có hiệu quả kinh tế, sẽ mang lại nguồn thu để trả nợ) thì riêng khoản tiền huy động bằng công cụ TPCP để đầu tư cho các công trình theo Nghị quyết của Quốc hội (là công trình mà sau này Ngân sách sẽ bỏ ra để trả nợ) là được Quốc hội quy định bằng một con số cụ thể. Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, Quốc hội chỉ “quyết” huy động từ nguồn vốn TPCP để đầu tư cho các công trình, dự án giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, định cư tái Thuỷ điện Sơn La là 225.000 tỷ đồng. Năm 2011 đã tiêu hết 45.000 tỷ đồng, số tiền còn lại 180.000 tỷ đồng buộc phải cân đối so với nhu cầu đầu tư công.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu đầu tư bằng nguồn vốn TPCP trong giai đoạn 2012 - 2015 của lĩnh vực giao thông là hơn 186.497 tỷ đồng, lĩnh vực thuỷ lợi là trên 106.582 tỷ đồng, lĩnh vực y tế là 45.697 tỷ đồng, xây dựng ký túc xá sinh viên 8.200 tỷ đồng, kiên cố trường lớp học 28.777,5 tỷ đồng, và tái định cư Thuỷ điện Sơn La là 6.075 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án trong Danh mục dự án đầu tư từ nguồn TPCP trong giai đoạn 2012 - 2015 là trên 381.828 tỷ đồng.

“Nhu cầu vốn thì nhiều, nhưng Quốc hội chỉ cho phép huy động tối đa 225.000 tỷ đồng TPCP để đầu tư cho các dự án giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, vì vậy không thể bố trí nguồn vốn vượt trần để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển nói và cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu việc bố trí vốn TPCP trong giai đoạn 2012 - 2015 phải thực hiện theo trật tự ưu tiên. Cụ thể, ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành công trình, dự án nằm trong Danh mục dự án đầu tư từ nguồn TPCP ban hành kèm theo Quyết định 171/2006/QĐ-TTg; bố trí vốn cho dự án hoàn thành trước ngày 31/12/2011; bố trí đủ vốn cho dự án hoàn thành trong năm 2012; bố trí đủ vốn để thi công một số công trình đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý để tránh lãng phí nếu dự án phải dừng tiến độ. Số tiền còn lại mới được bố trí cho các công trình, dự án cấp bách.

Kiên quyết khống chế lượng vốn huy động từ TPCP để đầu tư cho các dự án nằm trong Danh mục dự án đầu tư từ nguồn TPCP, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác phải nghiên cứu, đề xuất huy động các nguồn vốn khác để tiếp tục thi công các công trình sử dụng nguồn vốn TPCP bị buộc phải dừng lại, do không được bố trí vốn từ nguồn vốn này.

Để cân đối được nhu cầu vốn đầu tư với mức vay nợ của Chính phủ, theo chỉ đạo của Quốc hội, trong tương lai (dự kiến sau năm 2015) sẽ đẩy mạnh hình thức phát hành trái phiếu công trình với cả các dự án dự kiến được trả nợ từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, dự án thuộc Danh mục dự án đầu tư từ nguồn TPCP sẽ phải tích cực chuyển sang hình thức huy động vốn khác như đầu tư bằng hình thức BOT, BT, BOO… để giảm gánh nặng nợ cho ngân sách sau này.

Theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội, năm 2011, tổng lượng TPCP huy động qua hình thức đấu thầu tại Sở là 81.715 tỷ đồng. Sang năm 2012, lượng huy động được đẩy mạnh hơn nữa khi tính từ đầu năm đến ngày 10/8, số TPCP huy động đã là 102.064 tỷ đồng. Trong số tiền này, ngoài khoản được dùng để đầu tư cho các dự án trong Danh mục được đầu tư từ nguồn TPCP mà Quốc hội đã quyết, phần còn lại được phân bổ đầu tư, trả nợ… như thế nào; hiệu quả sử dụng vốn ra sao là những nội dung mà các trái chủ rất cần có thông tin để củng cố niềm tin với công cụ đầu tư trái phiếu.