Tiền nhiều không “đỡ” nổi thị trường, cổ phiếu FPT lập đỉnh mới

Tiền nhiều không “đỡ” nổi thị trường, cổ phiếu FPT lập đỉnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu sôi động đã giúp VN-Index bật hồi ngay khi thủng mốc 1.170 điểm, nhưng chưa đủ để giúp chỉ số này giữ được sắc xanh. Đáng chú ý, cổ phiếu FPT xác lập đỉnh lịch sử tại mốc 102.000 đồng/CP.

Nỗ lực kéo lên mốc 1.180 điểm bất thành, thị trường đã “quay xe” và trở lại trạng thái lình xình trong nửa cuối phiên sáng cuối tuần ngày 2/2. Trong đó, sự khởi sắc của nhóm bất động sản và chứng khoán đã giúp VN-Index may mắn giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục trạng thái phân hóa khiến VN-Index rung lắc, biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Sau thời điểm 14h, áp lực bán lan rộng hơn khiến nhiều mã đảo chiều giảm và chỉ số VN-Index dần lùi xa mốc tham chiếu. Tuy nhiên, ngay khi thị trường vừa chớm thủng mốc 1.170 điểm, lực cầu đã được kích hoạt giúp VN-Index bật hồi trở về sát vạch xuất phát.

Điểm tích cực của thị trường chính là thanh khoản tích cực với tổng giá trị vượt mức 20.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang đẩy mạnh mua vào với hy vọng chốt lãi kịp để đón Tết Nguyên đán hoặc khai lộc xuân mới.

Chốt phiên, sàn HOSE có 199 mã tăng và 267 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,47 điểm (-0,04%) xuống 1.172,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 914,67 triệu đơn vị, giá trị hơn 20.028 tỷ đồng, tăng 34,48% về khối lượng và 31,08% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thảo thuận đóng góp 123,92 triệu đơn vị, giá trị 2.475,68 tỷ đồng.

Nhóm VN30 khởi sắc hơn khi đã hồi phục sắc xanh với mức tăng nhẹ gần 1,5 điểm, dù số mã giảm điểm vẫn chiếm ưu thế với 16 mã giảm và 10 mã tăng. Trong đó, cổ phiếu GVR vẫn dẫn đầu với mức tăng 2,7%; tiếp theo đó MWG tăng 2,6%, HDB tăng 2,5%, FPT tăng 2,1%, tuy nhiên VCB lại có đóng góp hỗ trợ lớn nhất khi đảo chiều tăng nhẹ 0,6%, đóng góp 0,7 điểm cho chỉ số chung.

Ở chiều ngược lại, BCM giảm mạnh nhất khi để mất 2,3%, tiếp theo là các mã bank gồm TPB, VIB, VPB giảm quanh mức 2%.

Ở top sau, điểm nóng QNP ngừng tăng khi bị chốt lời mạnh, khiến cổ phiếu này có thời điểm nằm sàn. Đóng cửa, QNP giảm 6,38% xuống mức 41.850 đồng/CP, chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng trần liên tiếp.

Xét về nhóm ngành, dù VCB đã hồi phục nhưng sắc đỏ lan rộng khiến dòng bank vẫn không thoát khỏi sự điều chỉnh. Bên cạnh các mã trên, các cổ phiếu khác như SHB, CTG, BID, MBB đều chỉnh nhẹ trên dưới 1%. Trong đó, SHB vẫn sôi động nhất ngành với 37,98 triệu đơn vị khớp lệnh; các mã VPB, MBB, ACB, STB đều khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán vẫn khởi sắc, ngoại trừ duy nhất TVB giảm 1,27%. Trong đó, VIX đóng cửa tăng 1,7% lên mức 17.700 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh lớn thứ 2 thị trường, đạt hơn 39 triệu đơn vị; tiếp theo là SSI và VND cùng tăng nhẹ chưa tới 0,5% với thanh khoản tương ứng đạt 23,5 triệu đơn vị và 16,23 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản đuối sức sau nhịp tăng khá tốt trong phiên sáng. Trong đó, NVL vẫn có thanh khoản vượt trội với hơn 66,16 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa tăng 1,8% lên 17.000 đồng/CP; cổ phiếu PDR tăng 4,4% và khớp 32,63 triệu đơn vị, trong khi DIG chỉ còn tăng nhẹ chưa tới 1% và khớp 26,33 triệu đơn vị.

Các nhóm tăng mạnh nhất là công nghệ thông tin và bán lẻ, nhờ sự đóng góp của các mã đầu ngành là FPT tăng 2,1%, xác lập đỉnh lịch sử mới tại mốc 102.000 đồng/CP với thanh khoản đạt 2,74 triệu đơn vị và MWG tăng 2,6%.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng trong phiên chiều khiến thị trường trở nên rung lắc.

Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 230,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,8 triệu đơn vị, giá trị 1.389,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,81 triệu đơn vị, giá trị 37,75 tỷ đồng.

Cổ phiếu cảng biển DXP cũng hạ độ cao sau phiên tăng nóng sáng nay. Đóng cửa, DXP tăng 8,3% lên mức 14.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,78 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu bất động sản CEO cũng không nằm ngoài xu hướng ngành, đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ 0,9% lên mức 21.600 đồng/CP và khớp lệnh 8,72 triệu đơn vị.

Cổ phiếu sôi động nhất thị trường vẫn là SHS với 20,79 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa mã này lùi về mốc tham chiếu 18.300 đồng. Trong khi đó, mã chứng khoán khác là MBS đóng cửa tăng 2,7% lên 26.600 đồng/CP và khớp 4,71 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, mặc dù phần lớn thời gian trong phiên chiều biến động giằng co nhẹ, nhưng thị trường đã chiến thắng về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,36 điểm (+0,41%), lên 88,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,85 triệu đơn vị, giá trị 466,06 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,81 triệu đơn vị, giá trị 37,75 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đứng giá tham chiếu 18.600 đồng/CP với giao dịch vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 3 triệu đơn vị.

Tiếp theo là BCR và SBS khớp lệnh 2,45 triệu đơn vị và 2,13 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng tăng 1,7% lên 6.100 đồng/CP và tăng 1,4% lên 7.300 đồng/CP.

Điểm sáng là cổ phiếu QNS tiếp tục tăng tốc trong phiên chiều. Kết phiên, QNS tăng 2,4% lên mức 47.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,74 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều biến động nhẹ với 3 hợp đồng tăng và 1 hợp đồng giảm. Trong đó, VN30F2402 tăng 3,9 điểm, tương đương +0,3% lên 1.181,1 điểm, khớp lệnh 132.910 đơn vị, khối lượng mở gần 53.080 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này CHPG2324 dẫn đầu thanh khoản với hơn 6,52 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 1,6% xuống mức 610 đồng/cq. Tiếp theo là CVPB2309 khớp 4,23 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 12,5% xuống 210 đồng/cq.

Tin bài liên quan