Tiết giảm chi phí vận chuyển, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Tiết giảm chi phí vận chuyển, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

(ĐTCK) Ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, logistics đã phát triển mạnh do việc áp dụng công nghệ, giúp cho chi phí vận chuyển được tối ưu nhất có thể. Còn ở Việt Nam, việc áp dụng công nghệ vẫn là vấn đề khó. 

Sáng ngày 5/10, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Con đường phía trước”. Trong phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Tạo cơ hội cho logistics phát triển trong tương lai”, ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam cho biết, tại thị trường Trung Quốc, mảng giao hàng nhanh có cuộc chiến về giá xuống từ giai đoạn 2015 – 2022. Ở Việt Nam cũng có cuộc chiến về giá nhưng hiện tại đã xuống hơn nhiều.

Ông Mai Hoàng, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty GHN Logistics cũng thông tin, cuộc chiến về giá ở Trung Quốc và Việt Nam là khá tương đồng. Hiện tại, chi phí vận chuyển một đơn hàng tại Trung Quốc có những thời điểm đã kéo về chỉ còn 3 tệ/đơn, tương đương là 10.000 đồng. Còn tại Việt Nam, trong 10 năm qua chi phí vận chuyển đã giảm gần 50%, từ 40.000 đồng giảm còn khoảng 25.000 đồng. Đây không chỉ là sự cạnh tranh về giá của các nhà vận chuyển mà còn là yêu cầu của thị trường thương mại điện tử.

Giá trị một đơn hàng thương mại điện tử của Việt Nam trung bình ở mức 350.000 đồng, nên người mua không thể sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn 10% để trả cho chi phí vận chuyển, do đó cần tối ưu về chi phí để đưa giá trị vận chuyển về mức thấp nhất có thể. Thực tế, mức chi phí vận chuyển hiện nay là 25.000 đồng so với giá trị đơn hàng 350.000 đồng, tức vẫn cao hơn 5%, trong khi chi phí trong ngành logistics thì 5% là tối ưu nhất có thể, do đó, chi phí vận chuyển tại Việt Nam đòi hỏi ngày càng phải giảm.

"Để chi phí Việt Nam ngày càng giảm thì cần 3 yếu tố: công nghệ (phần mềm và phần cứng), con người và tăng năng suất", ông Mai Hoàng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Trường Bùi đưa ra 3 câu chuyện mà Việt Nam cần xem xét. Thứ nhất, công nghệ có thể giảm được 15 – 25% chi phí các nhà vận hành, nhưng với thị trường Việt Nam, doanh nghiệp tận dụng được công nghệ nào trong mảng nào thì cần sự tinh nhuệ vì quy mô nhỏ.

“Nên đầu tư mảng nào, mở rộng mảng nào... là câu chuyện liên quan đến chiến lược của doanh nghiệp”, ông Trường nhấn mạnh.

Thứ hai là doanh nghiệp phải biết tận dụng dữ liệu của khách hàng khi làn sóng ngày càng bùng nổ, nhằm tạo sự trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Thứ ba là câu chuyện làm thế nào để mang công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam mà vẫn phù hợp với quy mô thị trường để vận hành thành công.

Phiên thảo luận thứ 2 tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Con đường phía trước”.

Phiên thảo luận thứ 2 tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Con đường phía trước”.

Chia sẻ thêm về những diễn tiến và xu hướng logistics tại thị trường Malaysia và đúc kết kinh nghiệm cho thị trường Việt Nam, ông Sam Tan, Giám đốc Bộ phận giới thiệu sản phẩm mới – NPL, UB Malaysia đánh giá, xu hướng Malaysia hiện nay là có sự dịch chuyển tự động hoá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong những năm qua, doanh nghiệp của ông Sam Tan cũng có bài học cay đắng từ ứng dụng tự động hoá. UB Malaysia thấy trào lưu tự động hoá đã bắt đầu và phát triển mạnh mẽ trong 20 năm vừa qua. Nhưng khi triển khai công nghệ, không thể tận dụng những công nghệ hàng đầu thế giới mà tất cả cần có quá trình học tập, đánh giá tính phù hợp, khả thi, tập huấn và đánh giá mức độ thành công của việc áp dụng… tức là cần cả một hành trình.

“Khi triển khai áp dụng AI, trí tuệ nhân tạo, chúng ta cần xem xét con đường số hoá này như thế nào, hiểu bản chất số liệu, nhưng nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự nghiêm túc về vấn đề này nên hành trình tự động hoá gặp nhiều khó khăn”, ông Sam Tan nói.

Tin bài liên quan