Tìm giải pháp cho "vùng lõm" của ngành logistics Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Dù tăng trưởng khả quan, nhưng ngành logistics Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều “vùng lõm”, cần phải “lấp đầy” bằng nhiều giải pháp.
Tìm giải pháp cho "vùng lõm" của ngành logistics Việt Nam

Đến nay, cả nước có 28 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng trung tâm logistics; còn lại 35 tỉnh, thành phố chưa triển khai xây dựng. Riêng vùng Tây Nguyên, chưa có tỉnh nào triển khai xây dựng trung tâm logistics.

Thực tế cho thấy, sự phát triển các trung tâm logistics không đồng đều giữa các vùng trên cả nước do nhiều nguyên nhân, như điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, ảnh hưởng của thiên tai, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố lịch sử truyền thống, sự năng động của lãnh đạo địa phương…

Đặc biệt, thực trạng phát triển không đồng đều giữa các trung tâm logistics tại các vùng trên cả nước là do khoảng cách ngày càng lớn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng.

Theo báo cáo từ Sở Công thương các tỉnh, đến hết năm 2021, trên địa bàn cả nước đã xây dựng và phát triển 79 trung tâm logistics, bao gồm 48 trung tâm logistics đã đi vào hoạt động; 31 trung tâm logistics đang trong quá trình triển khai xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022 và 2023.

Mặc dù chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, nhưng trong giai đoạn 2017 - 2021, ngành logistics Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng. Minh chứng là tốc độ tăng trưởng khả quan trong những năm qua. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt mốc 700 tỷ USD, tăng khoảng 60% so với năm 2017 và tăng hơn 20% so với năm 2020, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Theo Bộ Công thương, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ còn hạn chế, trong khi thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự hạn chế về quy mô doanh nghiệp, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, trong khi khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu xuất FOB và nhập CIF. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng logistics còn hạn chế, trong khi chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.

Bộ Công thương nhìn nhận, quy mô của các trung tâm logistics nhìn chung còn nhỏ (dưới 10 ha) và chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp hoặc một tỉnh/thành phố, chưa phát triển được quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế.

“Phần lớn các trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ, nên đã hạn chế việc thực hiện những chức năng cơ bản của một trung tâm logistics. Các trung tâm logistics Việt Nam còn thiếu nhiều dịch vụ đặc thù để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Lượng khách hàng có thể được phục vụ còn ít, quy mô và chất lượng dịch vụ hạn chế là những yếu tố dẫn đến các trung tâm logistics chưa thể đóng vai trò là điểm thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Tính liên kết giữa các trung tâm logistics chưa cao. Từng trung tâm được đầu tư chủ yếu phục vụ lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, chứ chưa phối hợp trong chính sách chung phục vụ lợi ích và chính sách kinh tế - xã hội của một tỉnh/thành phố, một vùng”, Bộ Công thương nêu thực trạng.

Vậy, giải pháp nào để cải thiện “bức tranh” logistics Việt Nam trong tương lai, đưa ngành này trở thành ngành “dịch vụ cơ sở hạ tầng” trong thời gian tới? Bộ Công thương cho rằng, cần có sự đột phá trong đổi mới đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin nói chung và trung tâm logistics nói riêng cho tương xứng, phù hợp với thực tế.

Trong đó, cần có chính sách thu hút, xây dựng các trung tâm logistics kết nối hiệu quả với các hệ thống cảng biển, đường giao thông trong nước và khu vực, tạo thành những tuyến, luồng vận tải vận chuyển hàng hóa thuận lợi, hiệu quả cao.

“Cần có những chính sách khuyến khích việc xã hội hóa trong đầu tư, nhưng trước mắt, cần phải ưu tiên bố trí nguồn ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư các hạng mục, công trình trọng điểm ở khu vực địa kinh tế có tiềm năng phát triển ngành logistics…”, Bộ Công thương cho hay.

Tin bài liên quan