Tín dụng một loạt “ông lớn” ì ạch, chính sách tiền tệ khó đổi chiều

Tín dụng một loạt “ông lớn” ì ạch, chính sách tiền tệ khó đổi chiều

0:00 / 0:00
0:00
Giới chuyên gia khẳng định, chính sách tiền tệ thời gian tới tiếp tục ưu tiên nới lỏng, bởi thanh khoản hệ thống đang rất dư thừa, tín dụng tăng yếu, kinh tế phục hồi chậm.

Một loạt “ông lớn” hé lộ kết quả tín dụng kém khả quan

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, từ đầu năm đến nay, huy động vốn của Ngân hàng cao gấp 6 lần tốc độ tăng tín dụng, nhiều địa phương ghi nhận tín dụng tăng trưởng âm. Đơn cử, Hà Nội là địa bàn tập trung rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty lớn, song tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 8/2023 âm 2,2%. Riêng tín dụng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh 19,1%; cho vay bất động sản cũng giảm mạnh, cho vay với cá nhân mua bất động sản tại Hà Nội giảm tới 15%.

Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho hay, tính tới cuối tháng 8/2023, tín dụng của Ngân hàng mới tăng 5,72% dù chỉ tiêu cả năm lên tới 14%. Dư địa room tín dụng còn rất lớn, nhưng việc tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh cho vay hết sức khó khăn bởi cầu của doanh nghiệp rất yếu.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Agribank, tín dụng tại ngân hàng này đến ngày 31/8/2023 mới tăng 2,4% so với đầu năm.

Trên toàn hệ thống, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính tới giữa tháng 9/2023, tín dụng mới tăng 5,56%, bằng một nửa tốc độ tăng tín dụng cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo NHNN cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng tăng thấp xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng giảm; sức khỏe doanh nghiệp suy yếu, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; cầu tín dụng bất động sản của cá nhân giảm mạnh…

Chưa thể đổi chiều chính sách tiền tệ

Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm hơn 1% so với cuối năm 2022. Bên cạnh đó, NHNN thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay. Đến nay, các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN)

Cùng với việc lãi suất hạ nhiệt, tỷ giá liên tục có dấu hiệu nóng lên vài tháng qua buộc NHNN phải có hành động. Tuần qua, NHNN đã hút ròng 30.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu nhằm hạ nhiệt tỷ giá.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại, động thái trên của NHNN là một “điểm uốn” chính sách, báo hiệu thời kỳ tiền rẻ chấm dứt. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây là các dấu hiệu cảnh báo sớm về xu hướng thắt chặt tiền tệ bắt đầu quay lại.

Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, động thái hút tiền về (với khối lượng nhỏ và kỳ hạn có 28 ngày) của NHNN không hàm ý sự thay đổi định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay. Cùng với động thái hút tiền dư thừa trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), khả năng NHNN sẽ có thêm giải pháp để kích cầu tín dụng trên thị trường 1.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng ì ạch 9 tháng đầu năm nay, ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực đẩy thêm vốn ra nền kinh tế. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, những tháng cuối năm, ngân hàng này sẽ tiếp tục hạ lãi suất huy động, sau đó hạ tiếp lãi suất cho vay, áp dụng với cả khách hàng mới và khách hàng hiện hữu. Vietcombank ước tính, sẽ giảm 1.800 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023 thông qua việc giảm lãi vay cho khách hàng.

Tất nhiên, với diễn biến của tỷ giá, lãi suất điều hành thời gian tới sẽ khó giảm hơn, song dư địa giảm thêm lãi suất huy động và lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại vẫn còn. Việc hút tiền về sau một thời gian kênh tín phiếu tạm ngưng không ẩn chứa thông điệp nào bất thường, mà chỉ là động thái bình thường của NHNN trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, tỷ giá tăng cao.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, khối lượng 30.000 tỷ đồng chỉ chiếm một phần nhỏ so với quy mô thị trường liên ngân hàng (hơn 200.000 tỷ đồng/phiên) và chỉ nhằm hạ nhiệt tỷ giá. Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, kinh tế phục hồi yếu, tiền dư thừa, ưu tiên chủ đạo của chính sách tiền tệ hiện nay vẫn là nới lỏng.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Công ty VCBS nhận định, việc phát hành tín phiếu hút tiền của NHNN mới đây không gây ra những cú sốc hay thay đổi quá nhanh đối với thanh khoản, cũng như mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay và định hướng hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế mà ngược lại, sẽ tạo thêm dư địa tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua duy trì một bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp hợp lý trong thời gian tới.

NHNN cũng khẳng định, thời gian tới, ngoài đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn.

Tin bài liên quan