Ước tính, khoảng 60% dân số có nhu cầu tài chính tiêu dùng

Ước tính, khoảng 60% dân số có nhu cầu tài chính tiêu dùng

Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cấu trúc tài chính lành mạnh cùng sự chủ động cho chiến lược tăng trưởng bền vững có thể là “điểm tựa” để các công ty tài chính vượt qua những thách thức hiện hữu.

Khó khăn dần qua

Năm 2022, các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng gia tăng. Tính đến hết năm 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cuối năm 2021, chiếm 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,87% dư nợ toàn nền kinh tế.

Về cơ bản, cho vay tiêu dùng là hình thức tài trợ cho mục đích chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình, đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống như nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt, học tập, du lịch, y tế… nên nhu cầu luôn gia tăng. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, với dân số gần 100 triệu người, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ ở mức thấp, cộng thêm chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đang được tập trung đẩy mạnh, tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam rất khả quan.

Số liệu được ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cung cấp, đến nay, tổng dư nợ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đạt hơn 933.000 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay của khối công ty tài chính chiếm khoảng 104.000 tỷ đồng. Nếu tính dân số khoảng 9,2 triệu người (thống kê năm 2021), bình quân một người dân tiếp cận khoảng 102 triệu đồng, xét về chi tiêu của đời sống xã hội thì con số này rất thiết thực. Bình quân mỗi năm, tăng trưởng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 36%. Năm 2022, tỷ trọng dư nợ tín dụng trên toàn địa bàn đạt 22%, trong đó tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng cả nước. Đây là nhu cầu lớn và thiết thực, nếu làm đúng sẽ có tác dụng tích cực, lan tỏa tới kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, nếu so với các nước phát triển có tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng lên tới 50 - 60%, thì dư địa thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng những năm trước thường ở mức 30 - 60% mỗi năm, có thể thấy, đà tăng đang chậm lại. Trong đó, một phần vì quy mô dư nợ hiện nay đã lớn hơn nhiều so với trước, một phần do nhu cầu vay tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 .

Lợi thế thuộc về công ty tài chính có vốn ngoại

Nhu cầu lớn chưa được đáp ứng nên số người dân chưa tiếp cận được đầy đủ với dịch vụ tài chính chính thức chiếm tỷ lệ cao.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tiêu dùng đóng góp khoảng 7% trong GDP của Việt Nam. Hiện tín dụng tiêu dùng cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng quốc gia, với khoảng 20% tổng dư nợ. Với vị trí quan trọng như vậy, tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng là động lực tăng trưởng quốc gia.

“Các tổ chức tín dụng, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng là thành phần chính trong cho vay tiêu dùng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tài chính tiêu dùng được đánh giá là thị trường hấp dẫn tại Việt Nam với dư địa lớn gần 100 triệu dân. Tỷ lệ dân số trẻ lớn và đang tiến vào nhóm nước thu nhập trung bình cao nên nhu cầu mua sắm và tiêu dùng không ngừng tăng lên. Ước tính, khoảng 60% dân số có nhu cầu tài chính tiêu dùng, trong khi con số tiếp cận hiện nay mới đạt 15 - 20%. Những năm qua, dư nợ tổ chức tín dụng đều tăng 20% mỗi năm và hiện ở mức 20% tổng dư nợ nền kinh tế, trong khi con số đó trên thế giới là 40%.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nếu như năm 2015, chỉ có một số công ty tài chính hoạt động trong mảng tín dụng tiêu dùng thì đến cuối năm 2022, Việt Nam đã có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ khoảng 22.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo FE Credit cho rằng, tài chính tiêu dùng là phân khúc đại chúng, chiếm khoảng 60% dân số tại Việt Nam. Đây cũng là phân khúc đóng vai trò chủ chốt vào sự chuyển đổi số. Họ muốn được tiếp cận những dịch vụ tài chính nhanh nhất, dễ nhất bằng những công nghệ tiên tiến và linh hoạt.

Nhìn vào các công ty tài chính nổi bật trên thị trường hiện nay, dễ dàng nhận thấy, hầu hết đều là sở hữu hoặc có sự tham gia của các cổ đông nước ngoài. Nhu cầu lớn chưa được đáp ứng nên số người dân chưa tiếp cận được đầy đủ với dịch vụ tài chính chính thức chiếm tỷ lệ cao. Đây là mảnh đất cho các loại tín dụng không chính thức. Thị phần còn lớn và người dân sẽ rộng đường tiếp cận tài chính tiêu dùng hơn khi các công ty tín dụng tiêu dùng được nâng cấp cả về năng lực tài chính và quản trị điều hành khi có sự xuất hiện của các tập đoàn nước ngoài thông qua các thương vụ M&A.

Giữa năm 2022, Moody's đánh giá cao triển vọng của FE Credit trong thời gian tới và kỳ vọng chất lượng tài sản cũng như lợi nhuận sẽ hồi phục, quay lại thời điểm trước đại dịch vào năm 2023. Ngoài ra, sự gia nhập của Công ty tài chính tiêu dùng SMBC được kỳ vọng giúp FE Credit giảm thiểu rủi ro tín dụng từ các khoản cho vay và duy trì hồ sơ tín dụng ổn định trong 12 - 18 tháng tới. Đây có thể là cơ sở giúp Công ty duy trì kết cấu tài chính tốt để vượt qua giai đoạn thách thức hiện tại.

Lãnh đạo FE Credit cũng cho rằng, những khó khăn của nền kinh tế chưa hoàn toàn đi qua, thị trường vẫn bị đặt dưới những ẩn số. Tuy vậy, cấu trúc tài chính lành mạnh cùng sự chủ động cho chiến lược tăng trưởng bền vững có thể là “điểm tựa” để các công ty tài chính vượt qua những thách thức hiện hữu, đem đến những lợi ích ổn định trong dài hạn.

Năm 2023 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với thị trường tài chính tiêu dùng nói chung và FE Credit nói riêng, tốc độ tăng trưởng cho vay chậm lại và Công ty sẽ tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, ngân hàng mẹ VPBank vẫn kỳ vọng, hoạt động của công ty con FE Credit sẽ dần ổn định và có lãi vào quý III, quý IV/2023.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, tăng trưởng cho vay của FE Credit trong giai đoạn 2023 - 2024 có thể đạt lần lượt 5,1% và 8,2%; biên lãi ròng hợp nhất ở mức 7,4% và 7,3%, giảm từ mức 7,5% trong năm 2022; lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng trước khi quay trở lại có lãi (khoảng 1.300 tỷ đồng) vào năm 2024.

Tin bài liên quan