Tín dụng tiêu dùng luôn hấp dẫn vốn ngoại

Tín dụng tiêu dùng luôn hấp dẫn vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng tiêu dùng luôn có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài khi có nhiều công ty tài chính trong nước đã, đang và sẽ bán tiếp cổ phần cho đối tác ngoại, thu về hàng nghìn tỷ đồng.

Thêm MSB bán vốn công ty tài chính

Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB - sàn HOSE) dự kiến ghi nhận 2.000 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ thoái vốn FCCOM năm 2022.

Theo MSB, Ngân hàng sẽ bán toàn bộ cổ phần tại Công ty Tài chính FCCOM để tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ, đồng thời tiếp tục tăng trưởng tín dụng, song hành cùng kiểm soát chặt rủi ro nợ xấu.

Tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu tư ngày 5/11, để chia sẻ kết quả kinh doanh 9 tháng và kế hoạch dài hạn, MSB đã đưa ra kế hoạch bán toàn bộ 100% vốn Công ty Tài chính FCCOM.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, Ngân hàng đang tiếp xúc với 2 - 3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11/2021.

"Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, Ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau và ghi nhận lợi nhuận", ông Linh nói.

Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.

Lãnh đạo MSB cho biết, Ngân hàng định hướng thoái vốn các công ty con và tập trung vào lĩnh vực chính, phát triển mảng bán lẻ, nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa, nhỏ (SME).

Đề cập đến hoạt động kinh doanh, ông Linh cho biết, đến hết tháng 10, lợi nhuận trước thuế 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. Các chỉ số ROAA và ROAE lần lượt là 2,14% và 20,83%.

Tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) được đạt 3,72%, cao hơn mức 3,35% của năm 2020 và 2,51% của 2019. Dự kiến, Ngân hàng sẽ cán mốc trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2021.

Không chỉ MSB, mới đây, Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) nhận chuyển nhượng 49% vốn tại FE Credit từ tay VPBank.

Thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỷ USD. Như vậy, VPBank có thể thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ này.

SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, hoạt động trên 40 quốc gia toàn cầu.

Việc bán gần một nửa vốn điều lệ tại FE Credit sẽ mang lại cho VPBank một lượng tài chính lớn để đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, dưới con mắt của các chuyên gia tài chính, điều đáng giá nhất ở đây không phải là lượng vốn lớn thu về mà chính là sự xuất hiện của SMBCCF – ông lớn tài chính tiêu dùng dẫn đầu Nhật Bản và châu Á - tại Việt Nam.

Ông Jun Ohta, Tổng giám đốc Tập đoàn SMBC cũng khẳng định, Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm. Thương vụ này không chỉ giới hạn ở kỳ vọng tăng trưởng của FE Credit, mà còn là minh chứng cho niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Trong khi đó, lãnh đạo VPBank kỳ vọng kinh nghiệm của SMBCCF tại Nhật Bản cũng như tại các nước đang phát triển trong khu vực châu Á sẽ là những đóng góp quý báu cho trong việc hoạt động hiệu quả, tăng trưởng bền vững, chinh phục những tầm cao mới trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Một thương vụ M&A khác là SHB cũng bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho đối tác là Krungsri của Thái Lan. Krungsri là thành viên thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản nắm giữ 76,88% vốn.

Trước đó, tại Công ty TNHH HD Saison bán 49% vốn điều lệ thuộc về Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản); Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) giữ 49% cổ phần Mcredit (MB).

Công ty tài chính Lotte Finance mua lại 100% cổ phần của Công ty tài chính TNHH Một thành viên Kỹ Thương (Techcom Finance)...

Sức ép thúc đẩy số hoá

Tài chính tiêu dùng được đánh giá là thị trường hấp dẫn tại Việt Nam, có dư địa còn rất lớn với gần 100 triệu dân. Tỷ lệ dân số trẻ lớn và đang tiến vào nhóm nước thu nhập trung bình cao nên nhu cầu mua sắm và tiêu dùng không ngừng tăng lên.

Ước tính khoảng 60% dân số có nhu cầu tài chính tiêu dùng trong khi con số tiếp cận hiện nay mới 15 - 20%. Trong những năm qua, dư nợ tổ chức tín dụng đều tăng cao 20% mỗi năm và hiện ở mức 20% tổng dư nợ nền kinh tế, trong khi con số đó trên thế giới là 40%.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nếu như năm 2015, chỉ có một số công ty tài chính hoạt động trong mảng tín dụng tiêu dùng, thì đến cuối năm 2020, Việt Nam đã có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động với tổng số vốn điều lệ khoảng 22.000 tỷ đồng.

Tổng giám đốc FE Credit - ông Kalidas Ghose cho rằng, tài chính tiêu dùng là phân khúc đại chúng, chiếm khoảng 60% dân số tại Việt Nam. Đây cũng là phân khúc đóng vai trò chủ chốt vào sự chuyển đổi số. Họ muốn được tiếp cận những dịch vụ tài chính nhanh nhất, dễ nhất bằng những công nghệ tiên tiến và linh hoạt.

Nhìn vào các công ty tài chính nổi bật trên thị trường hiện nay, dễ dàng nhận thấy hầu hết đều là sở hữu hoặc có sự tham gia của các cổ đông nước ngoài.

Nhu cầu lớn chưa được đáp ứng nên số người dân chưa tiếp cận được đầy đủ với dịch vụ tài chính chính thức chiếm tỷ lệ cao. Đây là mảnh đất cho các loại tín dụng không chính thức.

Thị phần còn lớn và người dân sẽ rộng đường tiếp cận tài chính tiêu dùng hơn khi các công ty tín dụng tiêu dùng được nâng cấp cả về năng lực tài chính và quản trị điều hành khi có sự xuất hiện của các ông lớn nước ngoài thông qua các vụ M&A.

Thực tế, tại FE Credit, từ nhiều năm qua được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Công ty này đóng góp khoảng 40 - 50% vào lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng mẹ.

Bước sang năm 2020 - 2021, dù tỷ lệ đóng góp giảm xuống còn 28% và bán 49% vốn điều lệ cho SMBC trong 2021, song FE Credit vẫn được lãnh đạo VPBank nhận định đây là mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng trong thời gian tới.

Hay như HD Saison cũng là một phần quan trọng nằm trong hệ sinh thái của HDBank trong suốt nhiều năm qua. Theo ước tính, HD Saison sẽ đóng góp từ 15 - 20% vào lợi nhuận hợp nhất trong trung hạn.

Tuy nhiên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBC) vừa công bố tỷ lệ nợ xấu nhóm các công ty tài chính tiêu dùng tăng vọt từ 6% lên mức 10% trong 9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng từ đợt đại dịch Covid-19.

Đây là điều đã lường trước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và liên quan đến những đặc thù của thị trường này, với các khoản vay tín chấp nhỏ và đa số đang giao dịch trực tiếp có rủi ro cao.

Do dịch bệnh nên việc giao tiếp với khách hàng bị đứt gãy ảnh hưởng doanh thu cũng như việc thu phí dịch vụ, thu nợ và xử lý nợ xấu. Ở chiều ngược lại, nhiều công ty tài chính hạn chế tăng trưởng tín dụng, thậm chí tăng trưởng âm, nhằm kiểm soát nợ xấu.

Tình huống này gây ra khó khăn trước mắt cho các công ty tài chính, nhưng cũng là sức ép thúc đẩy số hoá để đảm bảo việc thông suốt cho vay và quản lý trong các điều kiện biến động, cũng như mở thêm kênh thuận lợi hơn cho người có nhu cầu tiếp cận dịch vụ.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, với sự số hoá mạnh mẽ, các công ty tài chính đang cung cấp nhiều sản phẩm mới cho thị trường. Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các giao dịch điện tử có khả năng số hóa 100%.

Tin bài liên quan