Các công ty tài chính kỳ vọng kéo khách hàng quay lại khi dịch bệnh được kiểm soát

Các công ty tài chính kỳ vọng kéo khách hàng quay lại khi dịch bệnh được kiểm soát

Tín dụng tiêu dùng sẽ trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một năm trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tài chính tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2021 theo đà hồi phục của nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Nỗi lo nợ xấu

Khi đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu mua sắm gia tăng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ ngay số tiền tích lũy để mua món đồ mình thích, do đó, một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là giới trẻ tìm đến tín dụng tiêu dùng, giúp thị trường tài chính tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua.

Tuy nhiên, năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, thu nhập của người dân bị sụt giảm, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ, gây ra rủi ro nợ xấu gia tăng với mảng tín dụng tiêu dùng. Trước thách thức trên, các công ty tài chính đã đẩy mạnh tái cơ cấu nợ vay và khách hàng, nhằm kiểm soát rủi ro nợ xấu gia tăng.

Ông Hoàng Thế Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (EVN Finance) cho biết, dư nợ giải ngân cho vay tiêu dùng của Công ty trong năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng, so với kế hoạch không đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn, nên Công ty cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch giải ngân, nhất là trong quý II và III/2020, nhằm kiểm soát chặt rủi ro nợ xấu phát sinh. Mục tiêu đưa ra của Công ty trong giải ngân cho vay tiêu dùng năm 2021 ở mức 3.000 tỷ đồng, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và cầu tín dụng tiêu dùng trở lại.

Trong khi đó, theo báo cáo kết quả hoạt động của VPBank, lãi trước thuế cả năm 2020 của FE Credit (công ty con của VPBank) đạt 3.713 tỷ đồng, giảm 16,3% so với năm 2019. Trong năm vừa qua, doanh số giải ngân của FE Credit đạt 63.000 tỷ đồng, giảm khoảng 14%. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng tăng 8,9% lên mức 66.000 tỷ đồng. Trong đó, chiếm 37% là dư nợ tín dụng của các khách hàng mới.

Khi người dân có thói quen vay tiêu dùng qua các công ty tài chính uy tín trên thị trường, sẽ đẩy lùi được sự phát triển của tín dụng đen - tác nhân chính đẩy họ lún sâu vào nợ nần, dẫn đến những hệ lụy nan giải của xã hội.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 6% thời điểm cuối năm 2019 lên mức 6,6% cuối năm 2020, nhưng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tăng từ 15,9% lên 19,1%. Theo lãnh đạo FE Credit, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tiềm năng với gần 100 triệu dân và 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình, nhưng trước mắt có khó khăn do dịch bệnh.

Theo FE Credit, trong năm 2020, Công ty đã thực hiện miễn giảm lãi cho hơn 250.000 khách hàng hiện hữu, chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính, hoặc chấp nhận hoãn việc thanh toán trong 3 tháng, đồng thời xem xét miễn giảm phí chậm thanh toán đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tiếp diễn.

Còn theo công bố thông tin từ HDBank, trong năm 2020, HD Saison đạt lợi nhuận trước thuế 1.001 tỷ đồng, thu nhập hoạt động (TOI) đạt 4.476 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 26,41%.

HDBank cho biết, kết quả đạt được khả quan của HD Saison là nhờ vào việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ cho vay đạt 13,1%. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu của HD Saison ở mức 5,81% thấp hơn so với nhiều công ty tài chính khác. Tuy nhiên, mức lợi nhuận trên của HD Saison cũng chỉ ngang ngửa mức đạt được của năm 2019. Tính đến 31/12/2020, HD Saison có 19.513 điểm giao dịch tài chính trên 63 tỉnh, thành trong cả nước với hơn 8,3 triệu khách hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho rằng, tín dụng tiêu dùng năm 2020 không tăng mạnh, song nợ xấu ở lĩnh vực này có dấu hiệu tăng. Trong đó, phải kể đến là phân khúc vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Phó tổng giám đốc một công ty tài chính thừa nhận, nợ xấu năm qua của công ty ông tăng lên mức 8%. Tuy nhiên, theo lý giải của vị này, với cho vay tiêu dùng, nợ xấu ở mức trên chưa hẳn là cao, nhất là trong bối cảnh thị trường tác động của đại dịch.

Kỳ vọng trở lại trong năm 2021

Dù có phần trầm lắng hơn do tác động của đại dịch Covid-19, khiến nhu cầu vay và khả năng trả nợ của khách hàng sụt giảm, nhưng thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dương trong năm 2020.

Dự báo về thị trường cho vay tiêu dùng 2021, PGS-TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, năm 2021, với việc dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế dự kiến hơn 6%, tiêu dùng và cho vay tiêu dùng sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt trở lại.

Trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện nay, ngành công nghiệp và dịch vụ (bao gồm nhu cầu tiêu dùng) tương đương nhau. Năm 2020, trong đà tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế (2,91%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…).

Nói về vai trò của tài chính tiêu dùng, các nhà phân tích tài chính cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập sụt giảm, thì cho vay tiêu dùng là yếu tố quan trọng kích tăng tổng cầu trong nước. Hoạt động bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng trong toàn xã hội sẽ tăng lên. Nói cách khác, cho vay tiêu dùng góp phần tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, kích thích sản xuất, đầu tư.

Mặt khác, với việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và sự có mặt của vắc-xin, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6 - 7% trong năm nay, cũng tạo cơ hội cho thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại trong năm 2021.

Một vai trò nữa của tài chính tiêu dùng, theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, khi người dân có thói quen vay tiêu dùng qua các công ty tài chính uy tín trên thị trường, sẽ đẩy lùi được sự phát triển của tín dụng đen - tác nhân chính đẩy họ lún sâu vào nợ nần, dẫn đến những hệ lụy nan giải của xã hội. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn cho mình chiếc “cần câu” phù hợp bằng cách tìm hiểu thêm về các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng với các sản phẩm cho vay linh hoạt, thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng từ các công ty tài chính, như cho vay tiền mặt, vay mua xe máy, thiết bị điện tử gia dụng và thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội về tiềm năng tăng trưởng lớn trong 2021, thị trường cho vay tiêu dùng cũng đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng khi dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, xu hướng phát triển về công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trên thế giới cũng đang tác động mạnh mẽ và đòi hỏi việc chuyển đổi số tại Việt Nam cần phải diễn ra nhanh chóng.

Không chỉ sự thay đổi nhanh chóng về xu hướng tiêu dùng, thị trường tài chính tiêu dùng cũng gặp thách thức khi ngày càng nở rộ nhiều phương thức lừa đảo trên nền tảng internet. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người thu nhập thấp tìm đến các thông tin cho vay tiêu dùng được quảng cáo trên các mạng xã hội, ứng dụng cho vay tiêu dùng chưa được xác thực, từ đó rơi vào các bẫy lừa đảo chiếm đoạt tiền, hoặc trở thành con nợ của tín dụng đen, gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Điều này cũng gây ra không ít thách thức, ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu của các công ty tài chính, đồng thời kìm hãm sự phát triển minh bạch của thị trường cho vay tiêu dùng.

Tin bài liên quan