Tín hiệu thuận cho việc nới tiến độ dự án metro Nhổn - ga Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Những khó khăn, vướng mắc và thực tế đang triển khai khiến việc điều chỉnh Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (metro Nhổn - ga Hà Nội) là điều bất khả kháng.
Tín hiệu thuận cho việc nới tiến độ dự án metro Nhổn - ga Hà Nội

Lo ngại Gói thầu CP05

Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là bộ, ngành đầu tiên gửi văn bản tham gia ý kiến về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội của UBND TP. Hà Nội.

Trong Công văn số 12592/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT cơ bản đồng thuận với những điều chỉnh quan trọng do UBND TP. Hà Nội đề xuất tại Tờ trình số 330/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vào đầu tháng 10/2022.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT, với những khó khăn, vướng mắc và thực tế đang triển khai, việc xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án là cần thiết để tiếp tục triển khai, sớm đưa vào vận hành khai thác.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, do Dự án đã gia hạn 2 lần, nên UBND TP. Hà Nội cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố, có cam kết ràng buộc trách nhiệm của các bên tham gia, chế tài xử lý để có thể hoàn thành dự án theo tiến độ gia hạn (năm 2027), tránh trường hợp phải tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn tiến độ.

“UBND TP. Hà Nội cần rà soát, giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu thực hiện Gói thầu CP05 - Các công trình kiến trúc Depot (khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội thực hiện”, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị.

Trước đó, tại Tờ trình số 330/TTr-UBND, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh cả tiến độ hoàn thành lẫn quy mô tổng mức đầu tư.

Cụ thể, thời gian thực hiện Dự án được kéo dài thêm tới 5 năm, từ 2009 đến 2022 thành từ 2009 đến 2027, trong đó UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027; hoàn thành công tác bảo hành, quyết toán công trình vào năm 2009. Như vậy, đây đã lần nới đai tiến độ thứ tư kể từ khi tuyến đường sắt đô thị thí điểm này được phê duyệt vào năm 2009.

Cũng tại tờ trình trên, UBND TP. Hà Nội đưa ra tổng mức đầu tư mới của Dự án là 34.826 tỷ đồng, tăng 1.916 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Thành phố tăng 3.895,93 tỷ đồng và giảm vốn vay ODA 1.979,93 tỷ đồng), đồng thời xin gia hạn các hiệp định vay của Dự án đến hết ngày 31/12/2029.

Tính đủ vốn dự phòng

Trường hợp thủ tục điều chỉnh Dự án không thể hoàn thành trong năm 2022, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án được tiếp tục thi công, giải ngân và điều chỉnh các hợp đồng của Dự án để không làm gián đoạn quá trình thực hiện Dự án.

- Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Ngoài tiến độ thi công trên công trường, thì việc gia hạn hiệp định vay vốn với nhóm nhà tài trợ nước ngoài cho Dự án cũng đang là nút thắt cần được UBND TP. Hà Nội xử lý sớm.

Được biết, tất cả các hiệp định vay ODA cho Dự án đều có thời hạn đến năm 2025, nên trong trường hợp tiến độ hoàn thành công trình được gia hạn, thì thời gian vay vốn cũng phải kéo dài đến hết năm 2029 - thời điểm kết thúc bảo hành các hạng mục.

UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện mới có Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đồng ý gia hạn đến hết ngày 31/12/2029, trong khi 3 khoản vay từ Chính phủ Pháp, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng Phát triển châu Á vẫn chưa có ý kiến đồng ý chính thức của nhà tài trợ.

Tại Công văn số 12592/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội tham khảo ý kiến của nhà tài trợ về việc gia hạn thời gian thực hiện Dự án trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Liên quan tổng mức đầu tư điều chỉnh, Bộ GTVT cho biết, theo bảng tính thuế VAT trong hồ sơ tổng mức đầu tư điều chỉnh, giá trị còn lại chỉ tính là 8%, song theo khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội chỉ giảm 2% thuế suất thuế VAT trong năm 2022.

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội căn cứ vào tiến độ triển khai chi tiết, rà soát lại bảng tính thuế VAT, bảo đảm phù hợp (bao gồm các giá trị đã giải ngân trong năm 2022).

Bên cạnh đó, Hồ sơ sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh không có bảng tính dự phòng trượt giá đối với các hạng mục còn lại, lãi vay thời gian xây dựng, nên UBND TP. Hà Nội cần căn cứ vào tiến độ triển khai chi tiết (2009 - 2027) để tính toán chi tiết dự phòng trượt giá đối với các hạng mục còn lại, lãi vay thời gian xây dựng bảo đảm phù hợp quy định pháp luật xây dựng, đồng thời đảm bảo bố trí đủ vốn để hoàn thành công trình.

“Hồ sơ điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi không có đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh giá tác động về môi trường, xã hội của Dự án, vì vậy, đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiên cứu bổ sung, phân tích đánh giá nội dung nêu trên, bảo đảm phù hợp quy định”, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị.

Tin bài liên quan