Thị trường chứng khoán năm 2022 giảm điểm kéo dài, nhưng vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư mới

Thị trường chứng khoán năm 2022 giảm điểm kéo dài, nhưng vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư mới

“Tính sổ” một năm sóng gió

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với 9 tháng đi lùi, “bỏ đi làm lại” là cụm từ được nhiều nhà đầu tư sử dụng để mô tả kết quả đầu tư cả năm 2022. Họ đang tĩnh tâm, kiên nhẫn và trải nghiệm hơn với thị trường.

Sau đỉnh cao là vực sâu

Trước đó, năm 2021, nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán chiến thắng vang dội, từ người có kinh nghiệm đến người không có kinh nghiệm, hầu hết đều hồ hởi bởi lãi cao. Có những người khoe giá trị tài khoản được nhân lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 - 4 lần, dù chỉ số VN-Index tăng 35,7%, từ 1.103,87 điểm lên 1.498,28 điểm.

“Cần gì đi làm khi mà đầu tư chứng khoán kiếm được tiền hàng ngày, hàng tuần”, hay “tôi quyết định bỏ làm, để đầu tư chứng khoán toàn thời gian” là tâm sự của một bộ phận nhà đầu tư tham gia thị trường giai đoạn 2020 - 2021. Với họ, chứng khoán thì ra cũng dễ hiểu, dễ chơi, dễ thu lời (năm 2020, VN-Index tăng gần 15%, nhưng tính từ mức đáy cuối tháng 3 thì chỉ số tăng 66,6%).

Thấy bạn bè, đồng nghiệp suốt ngày bàn luận về cổ phiếu, khoe lãi từ cổ phiếu, nhiều người vốn hiểu lơ mơ về thị trường chứng khoán, coi đây là kênh đầu tư “5 năm, 5 thua” cũng mở tài khoản để giao dịch. Người người, nhà nhà chơi chứng khoán có lẽ là mô tả đúng nhất cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 - 2021.

Dòng tiền từ nhà đầu tư mới giúp thanh khoản thị trường tăng vọt, từ 5.000 - 7.000 tỷ đồng/phiên vọt lên 10.000 - 15.000 - 22.0000 tỷ đồng/phiên, đến quý IV/2021 có những phiên đạt 28.000 - 30.000 tỷ đồng, kỷ lục là hơn 52.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư kỳ cựu nhất cũng không nghĩ “thanh khoản tỷ đô” có thể đến sớm như thế với thị trường Việt Nam. Thanh khoản tốt, giao dịch sôi động và tình trạng “bán là mất, mua là được” thường xuyên diễn ra đã tạo nên bầu không khí hồ hởi, phấn khởi, lạc quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.

Nhu cầu đầu tư tăng kỷ lục, số lượng cổ phiếu niêm yết mới và phát hành thêm trong 2 năm qua cũng lập kỷ lục, trong đó, không ít cổ phiếu của doanh nghiệp kém chất lượng được bán với giá cao, mà với điều kiện thị trường bình thường trước đó thì khó có thể phát hành thành công. Theo đó, vàng thau lẫn lộn là một trong những đặc điểm của thị trường cổ phiếu năm 2021.

Thị trường đột ngột đảo chiều kể từ quý II/2022, khi các chính sách về tiền rẻ bắt đầu co lại do dịch Covid-19 được kiểm soát, cơ quan chức năng mạnh tay thanh kiểm tra và xử lý các hành vi thao túng, làm giá chứng khoán, lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn bị bắt tạm giam do vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cộng với các yếu tố tác động từ thị trường thế giới như lạm phát, căng thẳng địa chính trị, lãi suất và tỷ giá tăng… Hệ quả, thị trường chứng khoán lao dốc vì tâm lý nhà đầu tư dần chuyển sang lo ngại, rồi hoảng loạn, nhất là những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bị bán giải chấp.

Chỉ số VN-Index từ mức trên 1.500 điểm trong quý I/2022 có thời điểm xuống dưới 900 điểm trước khi kết thúc năm 2022 tại 1.007,09 điểm. So với cuối năm 2021, VN-Index giảm 32,8%, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 14 năm. Như vậy, chỉ số đã đánh mất thành quả của 2 năm thăng hoa.

Tiếc nuối và hy vọng

Trong tháng 12/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới 98.942 tài khoản chứng khoán, tăng nhẹ so với tháng 11. Lũy kế cả năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gần 2,6 triệu tài khoản, cao hơn tổng số lượng tài khoản mở mới của 6 năm từ 2016 đến 2021 cộng lại. Tính đến cuối năm 2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt hơn 6,8 triệu, tương đương 6,8% dân số.

Năm 2022, thị trường chứng khoán có 2 đợt lao dốc mạnh, một là từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5, hai là từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11, khiến tài khoản của nhiều nhà đầu tư “bốc hơi”.

“Men say chiến thắng năm 2021 khiến tôi full margin (vay mua tối đa), nên khi thị trường đột ngột “quay xe”, giá trị tài khoản sụt giảm nhanh chóng. Nếu không mất mát trong năm 2022 thì tôi thể sống nhàn hạ cho đến cuối đời”, một nhà đầu tư nữ tâm sự.

“Mình đã đi tìm việc để làm, giờ có việc làm là may, bao nhiêu vốn liếng đổ vào chứng khoán mất hết rồi…”, một nhà đầu tư khác cho biết.

Giai đoạn cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022, nhiều nhà đầu tư ôm cổ phiếu, nhất là với các mã bất động sản, không tránh khỏi tâm lý hoảng loạn khi có những thời điểm muốn bán cũng không được vì mất thanh khoản, bởi lượng mua nhỏ giọt so với lượng bán chất đống, còn giá thì liên tục giảm sàn. Đó cũng là khoảng thời gian diễn ra tình trạng bán giải chấp cổ phiếu ồ ạt từ phía công ty chứng khoán.

Ngoại trừ các mã bị giải chấp, cổ phiếu của những doanh nghiệp không có yếu tố cơ bản giảm nhanh và sốc hơn nhiều thị trường chung, mang lại bài học đắt giá cho các nhà đầu tư mới.

“Chừa, không dám mua bừa, mua không tính toán, phân tích kỹ nữa, vì thua lỗ quá rồi…”, nhà đầu tư Thanh Tùng nói.

Theo giám đốc môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội, hầu hết nhà đầu tư, gồm cả cá nhân, tổ chức, chuyên nghiệp hay không chuyên, trong năm 2022 đều cảm thấy bất an, không tưởng tượng được sẽ có các “sự cố” đối với thị trường. Trong đó, việc mở rộng thanh kiểm tra các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp là yếu tố tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư, gây ra tình trạng bán tháo trái phiếu và nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản.

Khối nhà đầu tư cá nhân, chiếm đến 80 - 90% giao dịch hàng ngày, bán mạnh nhất, cũng bởi đặc tính của các nhà đầu tư là thường mua bán theo đám đông.

“Tôi không thể chịu đựng được việc cứ mở mắt ra là tài khoản giảm và không rõ giảm đến lúc nào thì dừng”, “bán, bán ngay, không thể hiểu nổi cái thị trường này”, “cắt lỗ đã, thu tiền về, tính sau”…, đó là cảm xúc và hành động của hầu hết nhà đầu tư khi thị trường lao dốc. Ngay cả những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, tài khoản không hao hụt nhiều cũng phải tính đến phương án xử lý tài khoản trong đợt công ty chứng khoán kích hoạt bán giải chấp trên diện rộng tháng 11/2022.

Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài có động thái mua ròng rất mạnh, khi thấy giá cổ phiếu giảm sâu, đưa định giá về vùng hấp dẫn, P/E quanh mức 10 lần. Thống kê cho thấy, hơn 1 tháng cuối năm 2022, thị trường hồi phục, giao dịch sôi động hơn, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HOSE trong tháng 12 đạt gần 12.100 tỷ đồng, tăng gần 23% so với tháng 11. Trong nửa đầu tháng 12, thị trường còn ghi nhận phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh gần chạm ngưỡng tỷ USD. Sự hồi phục của thanh khoản có đóng góp đáng kể từ giao dịch của khối ngoại.

Cả năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 29.000 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, khối này mua ròng 32.000 tỷ đồng (gần 1,3 tỷ USD), con số kỷ lục trong lịch sử hơn 22 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư không nên bi quan thái quá, cũng như hưng phấn thái quá. Với một năm có nhiều yếu tố vĩ mô biến động, thị trường xuống sẽ xuất hiện tràn ngập tin xấu, nhà đầu tư hay bi quan thái quá. Còn khi thị trường ổn định hơn, chỉ cần chỉ số “break” (phá vỡ ngưỡng kháng cự) về mặt kỹ thuật là lại hưng phấn và ào ào mua vào. Tâm lý gỡ gạc vẫn hiện diện trong rất nhiều nhà đầu tư. Đó cũng là lý do khiến nhiều tài khoản liên tục bị “cưa chân bàn” (giảm dần) và khi thị trường hồi phục thì không còn nhiều tiền mặt để mua. Trong khi đó, những nhà đầu tư có chiến thuật phù hợp, hoặc thận trọng tăng tỷ trọng tiền mặt từ trước, ghi nhận lợi nhuận trong nhịp hồi phục cuối năm 2022.

“Tôi đã nghỉ, không còn đầu tư chứng khoán”, “tôi đang đi cày để trả nợ vì “cháy” tài khoản phái sinh”, “tôi lỗ vì bắt đáy quá sớm”, “trong tài khoản chỉ còn vài đồng, rút ra tiêu Tết là hết”, “mình vẫn ham đầu tư, nhưng vốn còn lại ít quá, biết bao giờ mới gỡ lại được”, “tôi kỳ vọng năm 2023, tài khoản sẽ phục hồi”, “nếu cổ phiếu vẫn ở mặt bằng giá như hiện nay, tôi sẽ dành tiền để mua tích lũy”… là chia sẻ của không ít nhà đầu tư cá nhân trước thềm xuân mới 2023.

Tin bài liên quan