Tình trạng dư thừa nguồn cung có nguy cơ đẩy giá dầu xuống thấp hơn trong năm nay

Tình trạng dư thừa nguồn cung có nguy cơ đẩy giá dầu xuống thấp hơn trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sản lượng dầu thô ngày càng tăng từ các quốc gia ngoài OPEC+ có thể vượt xa nhu cầu toàn cầu vẫn đang tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Nguồn cung đã trở lại vị trí dẫn dắt thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Phản ứng của OPEC+ là cam kết cắt giảm sản lượng sâu hơn, nhưng thị trường đang nghi ngờ liệu họ có được thực hiện đầy đủ để loại bỏ hoàn toàn tình trạng dư thừa hay không.

Sự kết hợp này đã đẩy giá dầu thô xuống mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2020, chấm dứt kỳ vọng về giá dầu cao hơn xuất phát từ sự phục hồi hậu đại dịch. Bức tranh thị trường dầu mỏ càng trở nên phức tạp hơn khi các nhà đầu cơ đẩy mạnh kiểm soát thị trường và thúc đẩy sự dao động giá đôi khi khác xa với các nguyên tắc cơ bản.

Có ít nhất hai lần trong năm 2023, các quỹ quản lý tài sản đã đổ xô mở các vị thế bán khống trước các cuộc họp của OPEC+ và phản ứng lại các thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+ bằng việc tiếp tục mở vị thế bán. Niềm tin ngày càng giảm sút vào khả năng cân bằng thị trường của OPEC+ càng trở nên phức tạp hơn do sự gia tăng của giao dịch thuật toán, hiện có thể chiếm gần 80% giao dịch dầu hàng ngày và ngày càng khiến giá cả biến động không phụ thuộc vào các nguyên tắc cơ bản. Làn sóng hợp nhất giữa các nhà sản xuất dầu cũng đang làm suy yếu mối liên kết của thị trường tương lai với thị trường vật chất.

Hiệu suất giá dầu Brent qua các năm

Hiệu suất giá dầu Brent qua các năm

Trevor Woods, giám đốc đầu tư của quỹ hàng hóa Northern Trace Capital LLC cho biết: “Năm nay là một năm đầy khó khăn. Giá dầu đang phụ thuộc rất nhiều vào OPEC+ để được hỗ trợ, và sự thất bại trong thỏa thuận trước đó của tổ chức này nhằm hạn chế nguồn cung có thể khiến giá sụt giảm”.

Việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện bổ sung 900.000 thùng/ngày của OPEC+ là điểm mấu chốt đối với các nhà phân tích và nhà giao dịch đang cố gắng định giá cân bằng cung và cầu toàn cầu. Các nhà giao dịch tự hỏi liệu OPEC+ có cung cấp đủ số lượng cắt giảm để kiềm chế tình trạng dư thừa sắp xảy ra hay không.

Parsley Ong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng và hóa chất châu Á tại JPMorgan Chase cho biết, OPEC+ phải đối mặt với một “hành động cân bằng. Vấn đề xoay quanh thực tế là các nhà sản xuất dầu của Mỹ về cơ bản rất nhạy cảm về giá. OPEC+ càng giữ giá dầu cao hơn bằng cách giảm sản lượng thì các nhà sản xuất dầu truyền thống và sản xuất đá phiến của Mỹ sẽ đáp ứng điều đó và thúc đẩy nguồn cung”.

Tại Mỹ, sản lượng dầu thô hàng tuần đạt kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày vào tháng 12, khi các công ty khoan từ lưu vực Permian tăng sản lượng dầu vượt xa những gì các nhà phân tích dự đoán. Và vào năm 2024, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu đá phiến dự kiến sẽ lập mức cao kỷ lục mới. Brazil và Guyana cũng chuẩn bị tăng nguồn cung đáng kể, góp phần tạo ra làn sóng dầu thô mới từ châu Mỹ.

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ

Về phía nhu cầu, báo cáo triển vọng thị trường mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu sẽ chậm lại do hoạt động kinh tế suy yếu. IEA dự báo nhu cầu sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Mặc dù chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng ước tính mới nhất của năm 2023 nhưng con số này vẫn cao so với tiêu chuẩn lịch sử. Tiêu dùng đang bình thường hóa sau sự gián đoạn chưa từng có do đại dịch gây ra và ở Mỹ, kỳ vọng ngày càng tăng về việc hạ cánh mềm của nền kinh tế đang góp phần thúc đẩy nhu cầu năng lượng.

Tuy nhiên, bức tranh toàn cầu không đồng đều với sự chuyển đổi nhanh chóng khỏi dầu mỏ ở một số lĩnh vực. Anthony Yuen, người đứng đầu chiến lược năng lượng tại Citigroup cho biết, tại nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu châu Á là Trung Quốc, việc điện khí hóa ô tô đang tạo ra những trở ngại cơ cấu cho việc tiêu thụ dầu, đè nặng lên tăng trưởng nhu cầu dầu.

“Điều này đang hạn chế độ nhạy cảm của dầu đối với các yếu tố kinh tế vĩ mô rộng hơn. Trước đây, các chỉ số kinh tế có thể trực tiếp chuyển thành nhu cầu nhiên liệu và vận tải mặt đất cao hơn, nhưng mối quan hệ này giờ đây dường như đang suy yếu khi tỷ lệ sử dụng xe điện tăng lên”, nhà phân tích Anthony Yuen cho biết.

Bên cạnh đó, những rủi ro địa chính trị cũng là yếu tố tác động tới giá dầu. Các cuộc căng thẳng quân sự ở Biển Đỏ vẫn là tâm điểm và xung đột Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra.

Và hơn hết, các nhà sản xuất toàn cầu vẫn có quyền hạn chế sản lượng để đáp ứng xu hướng nhu cầu, mặc dù điều đó phụ thuộc vào kỷ luật và ý định.

“OPEC+ quan tâm đến việc tối đa hóa doanh thu, vì vậy, họ có lợi khi xem xét sản xuất nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ vấn đề sẽ phụ thuộc vào việc sản xuất từ các nguồn cung bên ngoài OPEC sẽ diễn ra như thế nào trong năm mới”, nhà phân tích Anthony Yuen cho biết.

Tin bài liên quan