Tình trạng "nghiện" vay nợ và bẫy tăng trưởng thấp của nền kinh tế toàn cầu

Tình trạng "nghiện" vay nợ và bẫy tăng trưởng thấp của nền kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 50 năm qua, có bốn làn sóng nợ đã ập xuống nền kinh tế toàn cầu và ba trong số đó đã kết thúc trong khủng hoảng.

Châu Mỹ Latinh đã trải qua một thập kỷ mất mát vào những năm 1980, châu Á bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái mạnh vào những năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây chấn động các nền kinh tế toàn cầu.

Và cuối cùng là làn sóng nợ thứ tư bắt đầu từ năm 2010 nhưng kết cục vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy lịch sử đã lặp lại.

Nợ công đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch khi các chính phủ tăng cường các gói kích thích để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua khó khăn. Vấn đề về nợ sau đó đã giảm bớt khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhưng hiện tại nợ công đã gia tăng trở lại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tin rằng nợ công toàn cầu đang trên đà tăng từ khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2005 lên gần bằng quy mô nền kinh tế toàn cầu vào cuối thập kỷ này.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng nợ - bao gồm cả các khoản vay của chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp - hiện đang ở mức 307.000 tỷ USD, tăng thêm 10.000 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tỷ lệ nợ giảm sau đại dịch khi lệnh phong tỏa kết thúc đã chấm dứt, với 4/5 mức tăng gần đây là do các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Anh thúc đẩy.

Đồng thời, tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, điều đó có nghĩa là các quốc gia không thể dựa vào việc mở rộng miếng bánh kinh tế để giữ nợ theo hướng bền vững.

Nợ công toàn cầu tiếp tục tăng mạnh

Nợ công toàn cầu tiếp tục tăng mạnh

Báo cáo triển vọng toàn cầu mới nhất của IMF cảnh báo rằng nhiều quốc gia hiện đang trên đà tăng trưởng với tốc độ chỉ bằng một nửa so với trước đây, khiến thế giới đi theo hướng tăng trưởng thấp hơn vĩnh viễn, trong khi phải đối mặt với những cú sốc kinh tế và “cơ hội vượt qua vết sẹo từ đại dịch và chiến tranh đã giảm bớt".

Emre Tiftik, Giám đốc IIF tin rằng các quốc gia đã trở nên nghiện vay nợ.

“Hiện nay hầu hết các quốc gia đều có mô hình tăng trưởng hoàn toàn dựa vào việc vay nợ. Và bất cứ khi nào khoản vay chậm lại, chúng ta sẽ thấy tốc độ tăng trưởng kém hơn. Về trung và dài hạn điều đó gây ra những hậu quả tiêu cực lớn, nên chúng tôi rất lo lắng. Đặc biệt nếu tốc độ tích lũy nợ cực kỳ nhanh chóng”, ông cho biết.

Nợ không phải lúc nào cũng có thể giảm đi

Lãi suất cao hơn cũng khiến chi phí trả nợ tăng vọt khi một số quốc gia tiếp tục vay số tiền khổng lồ để thu hẹp khoảng cách giữa doanh thu thuế và chi tiêu công.

Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan cảnh báo tuần trước rằng, khoản vay trên toàn thế giới quá cao. “Tôi nhìn vào tình hình tài chính và chi tiêu tài chính, nó đang cao hơn bao giờ hết trong giai đoạn bình thường với mức nợ chính phủ cao nhất mà chúng ta từng có. Có cảm giác rằng các ngân hàng trung ương và chính phủ có thể quản lý tất cả những thứ này, nhưng tôi rất thận trọng”, ông cho biết.

Mohamed El-Erian, Cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz cho biết, việc tính toán nợ sẽ không tác động như nhau đến các quốc gia. “Trong khi gánh nặng nợ nần đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thì những tác động của nó lại khác nhau”, ông cho biết.

“Một số quốc gia có vị thế đặc biệt tốt để xử lý gánh nặng nợ nần nặng nề hơn, đặc biệt khi họ có tiềm năng tăng trưởng trung hạn vững chắc và được hưởng lợi từ những lợi thế về cơ cấu như thị trường tài chính sâu rộng và sự chấp nhận toàn cầu đối với đồng tiền của họ. Những nước khác đã ở hoặc rất gần điểm bùng phát, thiếu nguồn lực bên ngoài hoặc trong nước để đáp ứng khoản nợ ngày ngày càng tăng”, ông cho biết thêm.

Những nước đang ở thời điểm bùng phát bao gồm nhiều nền kinh tế đang phát triển bị loại khỏi thị trường nợ quốc tế.

Trong số 73 quốc gia được Ngân hàng Thế giới (WB) xác định là nằm trong số những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch, chỉ có 2 quốc gia có thể vay ở thị trường quốc tế trong năm nay.

“Chỉ có Mông Cổ và gần đây là Uzbekistan trong tháng này mới có thể huy động vốn từ thị trường nợ quốc tế. Những quốc gia còn lại không có khả năng tiếp cận… Nhiều quốc gia đang bị đè bẹp dưới sức nặng của các khoản nợ. Ở một số nước châu Phi, hơn 50% doanh thu của chính phủ sẽ được dùng để chi trả lãi vay”, ông Emre Tiftik cho biết.

Một số quốc gia đã vỡ nợ. Năm ngoái đã chứng kiến số vụ vỡ nợ quốc gia cao nhất kể từ năm 1983, nhưng năm 2023 có thể đang trên đà chứng kiến con số cao kỷ lục.

Theo IIF, lãi suất tăng đã dẫn đến việc không thể thanh toán khoản nợ trị giá kỷ lục 550 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay, tăng từ mức 330 tỷ USD vào năm 2019. Mặc dù con số này chiếm chưa đến 1% tổng số nợ tồn đọng nhưng xu hướng này rõ ràng khi ngày càng có nhiều quốc gia chìm trong nợ nần.

Một cuộc khủng hoảng thầm lặng

Ayhan Kose, Phó kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, ngay cả khi các quốc gia không vỡ nợ, nhiều quốc gia đã ở giữa một “cuộc khủng hoảng nợ thầm lặng”, trong đó việc vay nợ trong nhiều năm đã khiến các quốc gia vĩnh viễn đứng bên bờ vực vỡ nợ.

Nợ bằng đồng đô la cũng vẫn là một vấn đề đối với các quốc gia khi sự kết hợp giữa lãi suất tăng và lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đã đẩy giá trị của đồng đô la lên cao so với các loại tiền tệ của thị trường mới nổi.

Theo dữ liệu do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) công bố, hiện có 12.900 tỷ USD nợ bằng đô la bên ngoài Mỹ, và khoảng 50% trong số đó cần được tái cấp vốn trong năm 2024.

Nhưng ngay cả những nền kinh tế mạnh hơn cũng đang cảm thấy khó khăn. Khoản vay ở các nền kinh tế tiên tiến vẫn cao hơn mức tiền Covid. Các quốc gia như Anh và Mỹ vay bằng đồng nội tệ không phải đối mặt với những thách thức tài trợ giống như các thị trường mới nổi. Nhưng việc vay mượn có cái giá của nó. Và đối với các nền kinh tế tiên tiến, cái giá đó là sự tăng trưởng yếu hơn và ít tiền hơn để tài trợ cho các dịch vụ công vì nhiều tiền của người nộp thuế được dành để trả nợ.

Tăng trưởng suy yếu

“Điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách là tạo ra một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng. Điều này rất quan trọng vì tăng trưởng được thúc đẩy bởi khu vực tư nhân. Vì vậy, khu vực tư nhân muốn sự rõ ràng và không thích sự không chắc chắn. Đó là yếu tố lớn nhất khi đưa ra quyết định đầu tư, vì vậy môi trường thuận lợi là yếu tố then chốt”, ông Emre Tiftik cho biết.

Kinh tế toàn cầu rơi vào bẫy tăng trưởng thấp

Kinh tế toàn cầu rơi vào bẫy tăng trưởng thấp

“Chúng ta bắt đầu với một trong những cuộc suy thoái toàn cầu sâu sắc nhất vào năm 2020. Chúng ta đã có một sự phục hồi. Sau đó tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống. Tăng trưởng hàng năm yếu hơn so với năm trước ở cấp độ toàn cầu. Và trong thập niên 2010, mức tăng trưởng là khoảng 3%...Bây giờ là 2,5%. Anh và châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nhân khẩu học, những thách thức lớn về năng suất lao động, những thách thức lớn về việc tăng trưởng đầu tư bền vững”, ông Ayhan Kose cho biết.

Theo ông, nguy cơ hiện nay là thế giới rơi vào một thập kỷ mất mát do một “quả bom hẹn giờ” nợ nần gây ra.

“Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng chúng ta đã mất nửa đầu thập niên 2020. Câu hỏi lớn bây giờ là liệu chúng ta có tiếp tục như vậy trong nửa cuối thập niên này hay không”, ông cho biết.

Tin bài liên quan