'Tối hậu thư' cho nhà mạng để trừ bỏ sim rác, tin nhắn rác

0:00 / 0:00
0:00
Nếu không có giải pháp xử lý triệt để vấn đề sim rác, nhà mạng có thể bị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới và kỷ luật người đứng đầu.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ mạnh tay dẹp bỏ sim rác. Ảnh: Đức Thanh

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ mạnh tay dẹp bỏ sim rác. Ảnh: Đức Thanh

Cuộc gọi rác, sim rác vẫn quấy rầy khách hàng

Sau 1 năm Bộ Thông tin và Truyền thông mở chiến dịch “tổng động viên” cao điểm triệt phá sim rác, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành đối soát, chuẩn hóa thông tin của 125 triệu thuê bao đang hoạt động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, 17 triệu thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu và 10 triệu thuê bao thuộc tập đứng tên từ 10 sim trở lên trên 1 giấy tờ đã bị xử lý.

Để hạn chế tối đa tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp như: kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xử lý sim có thông tin không đúng quy định. Về phía doanh nghiệp, mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Theo Báo cáo của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị này đã phát hiện, đấu tranh và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, đề nghị xử lý hàng chục vụ việc sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác có nội dung vi phạm pháp luật, lừa đảo.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu mã độc (Tập đoàn BKAV) cho biết, thời gian qua, các nhà mạng tập trung vào xử lý sim rác, số lượng sim rác có giảm, nhưng chưa hết hẳn. Thực tế, khách hàng dễ dàng lên sàn thương mại điện tử để mua các sim kích hoạt sẵn, kể cả sim chính chủ cũng gây ra các tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Ngoài ra, việc kiểm soát bảo mật thông tin cá nhân của các doanh nghiệp chưa tốt, dẫn đến dễ dàng mua bán thông tin cá nhân, khiến đối tượng phát tán tin nhắn rác có cơ hội thực hiện hành vi này.

Đối với việc phát tán tin nhắn từ các trạm BTS giả, theo ông Đạt, lỗ hổng nằm ở hạ tầng 2G, các đối tượng có thể gửi được tin nhắn rác thông qua trạm BTS giả vì không cần yếu tố xác thực cả tin nhắn và trạm BTS.

Phó tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Hoàng Viết Tiến nêu tình trạng các đại lý bán sim “lách luật”, thuê người đứng tên thuê bao, sau đó bán ra thị trường cho người khác. Sim không chính chủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo, đe dọa...

“Thị trường viễn thông truyền thống có giai đoạn phát triển nóng, doanh nghiệp chạy đua với số lượng thuê bao di động để tăng thị phần. Các cơ quan nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống sim rác. Lỗ hổng quy định về sử dụng đăng ký thuê bao cần bổ sung hoặc thay đổi để chặt chẽ hơn”, ông Tiến kiến nghị.

Ở góc độ khác, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS bổ sung, cuộc gọi rác không chỉ được thực hiện qua sim điện thoại, mà còn được phát tán từ nhiều hình thức như tổng đài đăng ký với nhà mạng, ứng dụng OTT. Gần đây, phần mềm tự động trên máy tính (auto bot) cũng nở rộ, tự động gọi và phát nội dung ghi âm đến khách hàng.

Một số công cụ gọi tự động như PhoneBurner, cho phép máy thực hiện cuộc gọi từ danh sách đầu vào, bất kể ngày đêm, khiến người dùng rơi vào tình trạng nhận hết cuộc này đến cuộc khác. Một số còn lợi dụng công cụ này để “khủng bố” người khác, hoặc phục vụ cho mục đích lừa đảo. Các nhóm lừa đảo cũng đang chuyển sang dùng nền tảng OTT thay cho cuộc gọi từ sim số truyền thống.

“Các dịch vụ OTT cho phép mua bán tài khoản và tạo cuộc gọi không khác gì cuộc gọi thường, nhưng không chịu sự quản lý, giám sát của các nhà mạng tại Việt Nam. Hiện cũng chưa có quy định cụ thể, chế tài để xử lý những nhóm này”, ông Sơn cho hay.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu trước ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông phải hoàn thành xử lý toàn bộ sim có dấu hiệu tồn kênh.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng phải xử lý triệt để vấn đề sim rác, nếu không sẽ áp dụng mức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới và báo cáo kỷ luật người đứng đầu doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ yêu cầu trước ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông phải hoàn thành xử lý toàn bộ sim có dấu hiệu tồn kênh, bảo đảm tất cả sim được bán tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không nhập sẵn thông tin thuê bao trước khi kích hoạt và chỉ có thể được kích hoạt, phát triển mới bởi chính doanh nghiệp viễn thông, sau khi đã triển khai các giải pháp bảo đảm thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác theo quy định, đồng thời trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, làm rõ việc sử dụng các số thuê bao do tổ chức, cá nhân thuộc tập thuê bao có đăng ký từ 4 đến 9 sim trên một giấy tờ, bảo đảm thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác theo quy định. Các tổ chức, cá nhân xác thực việc đang sở hữu, sử dụng các số thuê bao đã đăng ký, chịu trách nhiệm trong trường hợp số thuê bao mình đứng tên sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Từ ngày 15/4/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim của doanh nghiệp mình được kích hoạt sẵn, mua bán, lưu thông. Trường hợp phát hiện sim thuê bao được bán, cung cấp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có sẵn thông tin thuê bao trước khi kích hoạt, đưa vào sử dụng; được kích hoạt, đưa vào sử dụng nhưng có thông tin chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Bộ sẽ tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm với mức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới. Đồng thời, có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của doanh nghiệp vi phạm.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, sim rác là một trong những vấn đề nóng cần phải giải quyết triệt để. Việc mua bán sim rác đang diễn ra phổ biến, gây nhiều hệ lụy không mong muốn, vì thế, cần kiểm tra và xử lý nghiêm các điểm bán sim rác của các nhà mạng, nếu phát hiện sai phạm, phải dừng kinh doanh ngay lập tức. Thậm chí, cần thiết thì phải cách chức người đứng đầu doanh nghiệp liên quan.

Dù vậy, động thái quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông là chưa đủ. Để xóa sim rác, tin nhắn rác, cần sự hợp tác của các cơ quan liên quan và nhà mạng.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an, đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của mình vào Cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước, góp phần xác định chính chủ. Bộ chỉ đạo các nhà mạng khóa hai chiều và thu hồi sim đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an, có các biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

“Chúng tôi đang kiến nghị xây dựng chính sách để các thuê bao đăng ký trực tuyến, là cơ hội để các nhà mạng tiếp tục phát triển thuê bao của mình, đảm bảo các thông tin chính xác”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.

Tin bài liên quan