Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam tại Hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam tại Hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức

Tổng giám đốc Samsung Việt Nam: “Các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới đều đang nghiêm túc dõi theo Việt Nam”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 15/5, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã chia sẻ thành công của hoạt động đầu tư vào Việt Nam và đóng góp 3 kiến nghị nhằm nâng cao sức hấp dẫn của thị trường Việt với dòng vốn ngoại.

Tại Việt Nam, Samsung đang sở hữu 6 nhà máy, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Luỹ kế đầu tư tới cuối năm 2022 là 20 tỷ USD.

50% điện thoại di động của Samsung bán trên toàn thế giới được sản xuất tại Việt Nam và lượng sản phẩm của Samsung chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam trở thành quốc gia chiếm vị trí quan trọng trên toàn cầu đối với sản phẩm thiết bị di động.

Tập đoàn này đang tạo ra 300.000 việc làm chất lượng cao cho người lao động, mà Bắc Ninh và Thái Nguyên là 2 cứ điểm sản xuất quy mô lớn.

“Giờ đây, các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn thế giới đều đang nghiêm túc dõi theo Việt Nam, một trọng điểm của ngành sản xuất điện thoại di động và việc tìm hiểu các chính sách với đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đã trở thành hoạt động hàng ngày”, ông Choi Joo Ho cho biết.

Tuy nhiên, tình hình thế giới và môi trường kinh doanh toàn cầu đang biến đổi nhanh chóng, đang đe doạ tới sự thành công trong hoạt động của các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam nói riêng. Trong đó, phải kể tới việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; xung đột Ukraine - Nga khiến lạm phát leo thang, đe doạ tới tăng trưởng kinh tế và trở thành mối đe doạ lớn nhất với kinh tế toàn cầu.

Mặt khác, quy luật và trật tự kinh tế thế giới có những biến đổi. OECD đã áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu với các doanh nghiệp đa quốc gia ở quy mô nhất định. Hơn 100 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này cũng khiến sức cạnh tranh của Việt Nam suy giảm, khi các chính sách ưu đãi thuế hiện nay mất đi hiệu quả thực tế.

Sự thay đổi cơ chế đánh thuế khiến cả Việt Nam và các doanh nghiệp FDI gặp phải các xáo trộn lớn.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam

Trong bối cảnh này, Samsung đề xuất 3 nội dung để tăng cường năng lực cạnh tranh, xa hơn nữa là vì sự phát triển của cả nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp FDI.

Thứ nhất, cần cải thiện môi trường đầu tư liên tục. Kể từ sau khi thực hiện các chính sách đổi mới năm 1986, Việt Nam đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, dẫn tới mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, đây là quá trình không thể ngừng lại, mà cần hoạt động liên tục, đặc biệt là cần theo dõi các biến động bên ngoài để triển khai cải cách phù hợp.

Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu kể trên là một ví dụ điển hình của những thay đổi môi trường bên ngoài quan trọng nhất gần đây và sự đối ứng của chính phủ Việt Nam là vấn đề cần thiết. Nhiều bên đã thống nhất các cơ chế liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu và nếu Việt Nam cũng tham gia thì có thể hạn chế những ảnh hưởng.

Nhiều công ty tư vấn toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam như Delloite, PwC… và các chuyên gia kinh tế đều đang khuyến nghị Việt Nam có thể thực hiện các cơ chế ưu đãi trên chi phí để đối ứng với thuế tối thiểu toàn cầu và nhấn mạnh yếu tố cần luật hoá trong năm nay.

“Samsung cũng đồng ý với quan điểm này và mong rằng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh có thể dự đoán được, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu và những thay đổi của môi trường đầu tư gần đây”, ông Choi Joo Ho cho biết.

Thứ hai, thực hiện cam kết và xây dựng lòng tin giữa chính phủ và doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đúng các cam kết sau khi Samsung đầu tư và Samsung cũng thực hiện đầy đủ các cam kết liên quan tới việc tạo công ăn việc làm, hiện thực hoá trung tâm R&D, không chỉ sản xuất mà còn đẩy mạnh nghiên cứu.

“Thứ ba, tôi xin đề xuất các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường thực hiện hoạt động trách nhiệm xã hội tại Việt Nam. Kể từ giây phút tiến hành hoạt động đầu tư, Việt Nam đã trở thành mảnh đất nuôi dưỡng các doanh nghiệp và doanh nghiệp cần bồi đắp liên tục mảnh đất này để phát triển bền vững”.

Samsung đang dành cho Việt Nam phần lớn trong quỹ trách nhiệm xã hội của Tập đoàn, có các chương trình bồi dưỡng nhân tài, đào tạo công nghệ, hỗ trợ học tập cho trẻ em…

Các doanh nghiệp FDI cần đồng hành và phát triển với người dân Việt Nam, từ đó phát triển mối quan hệ kinh doanh thành đối tác đồng hành, cùng vượt qua khó khăn.

Tin bài liên quan