Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital: Cần nới room ngoại tại ngân hàng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital trong phần thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư diễn ra ngày 5/6/2022 tại TP.HCM

Theo Tổng giám đốc VinaCapital, nếu nới được room cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam thì không chỉ là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như ngân hàng trong nước thu hút vốn ngoại, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam được giới hạn ở 30%.

Trong khi đó, tài chính - ngân hàng vẫn luôn là lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm, nhất là đối với các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Những năm qua, một số đầu mối đại diện các tổ chức đầu tư, ngành nghề cũng như cả nghiên cứu của cơ quan chức năng từng đặt ra hướng nới tỷ lệ sở hữu này, đặc biệt ở các ngân hàng cần thúc đẩy tái cơ cấu hoặc mua lại bắt buộc xem xét bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài… Song đến nay giới hạn trên vẫn chưa thể điều chỉnh.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, cơ quan quản lý đang xem xét vấn đề nới room với một số ngân hàng thương mại, và theo cam kết của EVFTA thì Việt Nam sẽ xem xét cho 2 tổ chức tín dụng châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, cam kết trên không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank).

Bên cạnh đó, việc các tổ chức tín dụng của EU tham gia nắm giữ vốn điều lệ tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục mua bán và sáp nhập cũng như các yêu cầu an toàn và cạnh tranh khác.

Hiện trong số 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ có 15 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%.

Ở một số ngân hàng khác đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại như: ACB, ABBank, VietinBank, Eximbank, MB, MSB, OCB, Techcombank, TPBank, Vietcombank.

Còn số liệu thống kê mới nhất được công bố, đến ngày 30/6/2021 có 19 tổ chức tín dụng (TCTD) có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TCTD.

Trong đó, ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có 3/4 ngân hàng và ngân hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng, có 11 TCTD có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15%, 5 TCTD có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%.

Các ngân hàng có phát sinh sở hữu của tổ chức nước ngoài trong giai đoạn 2018 - tháng 6/2021 gồm: BIDV (KEB Hana sở hữu 15%), MSB (8 tổ chức sở hữu 28,22%), VPBank (9 tổ chức sở hữu 13,33%), LienVietPostBank (1 tổ chức, sở hữu 2,1%), Saigon Bank (01 tổ chức, sở hữu 4,94%).

Thực tế hiện nay cho thấy, các TCTD đang có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt theo nhu cầu tăng vốn để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu tại các TCTD.

Một số NHTM cổ phần đã và đang làm tốt việc tăng vốn chủ sở hữu từ các cổ đông nước ngoài. Một số ngân hàng khác cũng đang tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán tìm cổ đông chiến lược.

Với những NHTM có cổ đông chiến lược nước ngoài đều có cải thiện đáng kể về chất lượng quản trị, tính minh bạch trong hoạt động, sức cạnh tranh…

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, việc các NHTM phải tiếp tục nhu cầu tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II và tới đây là Basel III, đặc biệt là trong bối cảnh Hệ số an toàn vốn CAR của Việt Nam còn thấp hơn so với khu vực, thì yêu cầu cần nâng tỷ lệ giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài càng đặt ra cấp thiết để tạo thêm nhiều cơ hội cho các NHTM có thể tìm kiếm các đối tác chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu tăng vốn trong thời gian tới.

Nhu cầu tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài là rất lớn, song việc tìm kiếm đối tác chiến lược không dễ, nhất là khi đã tìm ra rồi, các ngân hàng lại vướng quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Bởi theo Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam.

Ngoài ra, còn có các giới hạn cụ thể đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài; nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan.

Tin bài liên quan