GS.TSKH Nguyễn Mại.

GS.TSKH Nguyễn Mại.

Tổng quan 62 năm kinh tế Việt Nam

(ĐTCK-online) Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Một ngày sau, trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã nêu lên những vấn đề cấp bách về kinh tế: “Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành”.

Những mục tiêu khiêm tốn đó đã không thực hiện được, vì Nhà nước công nông đầu tiên ở châu Á chỉ kịp tiến hành cuộc Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội, lập Chính phủ đã phải tập trung toàn lực lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, kết thúc bằng thắng lợi “vang dội địa cầu” của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 5 năm 1954.


Kinh tế Việt Nam trước và những năm đầu đổi mới                                  

Kinh tế Việt Nam trong thời chiến chủ yếu là kinh tế tự cung, tự cấp trong từng địa phương, nhằm mục đích bảo đảm duy trì cuộc sống hàng ngày của người dân và động viên nhân dân đóng góp để bảo đảm nuôi quân, đánh giặc. Một số vùng đô thị tạm bị Pháp chiếm đóng thì nền kinh tế được ổn định hơn, nhưng cũng không có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Việc giao lưu kinh tế giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do đã được tiến hành trong một giới hạn nhất định, bổ sung hàng công nghiệp cho vùng tự do và cung ứng lương thực, thực phẩm cho vùng tạm chiếm. Sau chiến dịch biên giới năm 1950, nước ta bắt đầu giao lưu, buôn bán với Trung Quốc, mở ra một thời kỳ mới – thông thương với thế giới.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève về Việt Nam đã được ký kết. Đất nước chia làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời: miền Bắc và miền Nam .

Miền Bắc tiến hành kế hoạch 3 năm (1955 - 1957), khôi phục nền kinh tế đã bị chiến tranh tàn phá, tiếp đó là kế hoạh 3 năm (1958 – 1960) cải tạo và phát triển kinh tế. Chỉ trong một thời gian ngắn, nền kinh tế đã phát triển rõ rệt, số lượng xí nghiệp quốc doanh tăng từ 41 năm 1954 lên 281 năm 1958 và 1.012 năm 1960 với hơn 125 nghìn công nhân. Giá trị sản lượng công nghiệp năm 1960 bằng 25 lần năm 1955. Nông nghiệp chẳng những đã được khôi phục, mà sản lượng quy thóc năm 1956 đã vượt qua mức kỷ lục năm 1939 (hơn 4 triệu tấn), tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo. Trong thời kỳ này, Đảng ta cũng đã thừa nhận một số sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, vội vã trong cải tạo tiểu thương…

Tháng 9 năm 1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã đề ra đường lối, phương châm và các giải pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng Quan hệ sản xuất, Cách mạng Khoa học kỹ thuật, Cách mạng Văn hóa tư tưởng, trong đó Cách mạng Khoa học kỹ thuật là then chốt; trên cơ sở đó đề ra kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965.

Kế hoạch 5 năm chỉ được thực hiện trong hòa bình hơn ba năm rưỡi, tháng 8 năm 1964, Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhiều nhà máy, cơ quan, trường học, viện nghiên cứu được sơ tán về nông thôn, gây ra vô vàn khó khăn cho tình hình kinh tế - xã hội.

Mười năm tiếp theo cho đến 1975, miền Bắc có nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho miền Nam để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đồng thời xây dựng kinh tế trong điều kiện chiến tranh phá hoại của Mỹ. Do vậy, nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp, ngoại trừ năm 1974 và 1975. Thu nhập quốc dân (triệu đồng) năm 1961 là 3.722, năm 1965 là 4.822, năm 1970 là 4.716, năm 1973 là 5.312. Sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã cao hơn, năm 1974 là 6.177 và 1975 là 6.464. Trong 15 năm đó, dân số miền Bắc từ 16,1 triệu tăng lên 24,6 triệu người (Kinh tế Việt Nam 1955- 2000, Nxb Thống kê, 2000 ).

Trong 30 năm (1955 – 1975), kinh tế miền Nam phát triển trong quỹ đạo của kinh tế thị trường gắn với viện trợ của Mỹ, để duy trì chiến tranh và đội quân xâm lược. Theo TS. Nguyễn Văn Hảo, thời kỳ 1955 - 1960 là “thời kỳ mà Nam Việt Nam đã đạt được những thành quả tốt đẹp nhất” (Diễn biến kinh tế Việt Nam 1955 - 1970, Tuần san Phòng thương mại và công nghiệp Sài gòn, số 737, tr. 5 ). Tốc độ tăng trưởng khá cao, 1956: 17,2%, 1957: 19,8%, 1858: 18,8%, 1959: 19,4% và 1960: 7,8%. Từ khi Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào miền Nam, bắt đầu bằng đưa các cố vấn và viện trợ quân sự cho Chính quyền Sài gòn, tiếp đó trực tiếp đưa quân tham chiến, thì tình hình kinh tế - xã hội miền Nam trở nên không ổn định, các cuộc đảo chính đã nổ ra liên tục, chiến tranh ngày càng khốc liệt không chỉ ở nông thôn, mà cả ở đô thị nên “Mức phát triển kinh tế chỉ đạt được trung bình 2,2%/năm. Ngân sách bắt đầu thiếu hụt… giá cả gia tăng” (Xem: Nguyễn Văn Hảo, bài báo đã dẫn ).

Từ khi giành được độc lập (1945) cho đến khi đất nước được thống nhất (1975) là ba thập niên dân tộc Việt Nam phải tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, mặc dù miền Bắc đã có gần 10 năm (1955 – 1964) phát triển kinh tế trong hòa bình và miền Nam có được 6 năm đạt mức tăng trưởng khá cao; nhưng trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, nền kinh tế cả hai miền từ giữa những năm sáu mươi của thế kỷ trước đến năm 1975 bị giảm sút tốc độ phát triển, diễn ra khủng hoảng kinh tế - xã hội trong một thời gian dài.

Đất nước thống nhất là sự kiện trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mở ra trang sử mới trong quá trình phát triển, tạo điều kiện thuận lợi nhờ sự bổ sung lẫn nhau giữa hai miền về vị thế địa - chính trị, tài nguyên khoáng sản, nguồn nhân lực, tính năng động của thị trường, sự đa dạng của các địa phương.

Mặc dù vậy, thời kỳ 1975 – 1990, nền kinh tế phát triển không theo đúng ý đồ cuả các nhà lãnh đạo đất nước và lòng mong đợi của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 1976 - 1980 là 2,8%, 1981 - 1985 là 7,3% và 1986 - 1990 là 3,3% (Số liệu thống kê 1976 –1 990, Nxb Thống kê). Trong khi dân số từ 49,16 triệu người năm 1976 tăng lên 66,01 triệu người năm 1990, thì do kinh tế tăng trưởng chậm, nên “cả nước làm không đủ ăn”, thu nhập quốc dân trong nước không đủ cung ứng cho tiêu dùng. Tình trạng đó đã dẫn đến bội chi ngân sách ngày càng tăng, buộc nhà nước phải phát hành thêm tiền mặt, đẩy giá cả lên cao, vòng xoáy lạm phát ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chỉ số giá bán lẻ hàng hóa tiêu dùng nếu lấy năm 1980 là 1 thì năm 1985 là 17,3 lần, năm 1986 là 95,1 lần, năm 1987 là 434,8 lần và năm 1989 là 2.239,8 lần.

Nhà nước đã tiến hành nhiều chính sách kinh tế, như cải tạo XHCN công thương nghiệp và hợp tác hóa ở miền Nam, cải cách giá – lương - tiền, khoán sản phẩm đến hộ gia đình trong nông nghiệp và áp dụng kế hoạch ba phần trong công nghiệp…, nhưng kết quả bị hạn chế, bởi vì vấn đề cốt lõi của kinh tế chưa được giải quyết, đó là lợi ích của từng cá nhân gắn với cơ chế kinh tế bảo đảm lợi ích đó. Trong khi nền kinh tế đất nước còn được điều chỉnh theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, dựa trên nền tảng chủ yếu là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể; mọi hoạt động sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng đều do một trung tâm điều khiển bằng mệnh lệnh, thì tất yếu nền kinh tế sẽ kém hiệu quả và khủng hoảng kinh tế - xã hội là tình thế khó tránh được.

Đứng trước thực trạng đó, một số địa phương đã “phá rào” trong việc áp dụng chính sách, phương thức khác với cơ chế, chính sách chung; điển hình là chủ trương “ bù giá vào lương” của Long An và mua nông sản, thực phẩm của nông dân “theo một giá” ở An Giang. Vào thời kỳ này, 70% thu nhập của công chức là tem phiếu, 30% là tiền lương; năm 1979, Long An đã quy tem phiếu theo giá thị trường và tính vào lương, bán hàng hóa theo giá thị trường, kết quả thật khả quan: công chức phấn khởi, thị trường sôi động và chỉ số giá cả giảm rõ rệt. Năm 1980, An Giang nhận được từ Trung ương các mặt hàng tiêu dùng, như vải, săm lốp xe đạp, xà phòng, sữa…, tương đương 100 nghìn tấn thóc. Các mặt hàng đó phải bán cho nông dân và mua thóc của nông dân theo giá do trung ương quy định; trong khi giá thị trường cao gấp mười lần. An Giang đã chủ trương mua bán theo giá thị trường và kết quả thật bất ngờ, đã mua được 160 nghìn tấn thóc, vượt mức 60 nghìn tấn.

Với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội lần thứ VI của Đảng tháng 12 năm 1996 đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; trên cơ sở đó kiên quyết xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Từ 1987 đến 1990 là giai đoạn khởi động của nền kinh tế từ cơ chế cũ sang cơ chế mới trong điều kiện lạm phát phi mã, cung cầu hàng hóa thị trường mất cân đối nghiêm trọng. Tuy đã có đường lối mới nhưng các cấp chính quyền cần có thời gian để tiếp cận nó, nên hoạt động kinh tế - xã hội ở vào  giai đoạn sơ khai của quá trình chuyển đổi cơ chế. Mặc dù vậy, luồng gió đổi mới đã tạo ra không khí phấn khởi khắp cả nước, sáng kiến từ những người dân, người thợ, công chức và chính quyền địa phương nở rộ, phá bỏ hàng loạt những lực cản của phát triển do nhà nước chưa có đủ thời gian để xây dựng luật pháp thích ứng với cơ chế mới.

Tháng 12 năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua; đây là đạo luật được dư luận thế giới lúc đó đánh giá là thông thoáng nhất trong khu vực, đặt nền tảng pháp lý cho một lĩnh vực hoạt động mới mẻ của kinh tế đối ngoại của nước ta, tuy vậy tác động của nó đến tình hình kinh tế - xã hội chỉ bắt đầu từ năm 1991 về sau.

Cũng cần lưu ý rằng, trước tình hình lạm phát phi mã đến mức chỉ số tăng giá bán lẻ tháng 2 năm 1989 là 9,2%, trong đó lương thực và thực phẩm là 11,4% và hàng tiêu dùng là 7,2%, Nhà nước đã thực hiện “chính sách lãi suất dương”; tháng 3 năm 1989 áp dụng lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 13%/tháng, nên đã thu hút được một lượng tiền mặt đáng kể, không phải in thêm tiền, kiềm chế và giảm dần tốc độ tăng giá để đầu năm 1990 ổn định giá cả thị trường, góp phần khắc phục sớm hơn dự kiến tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Đổi mới, hội nhập và tăng trưởng

Đổi mới mạnh mẽ

Chính công cuộc đổi mới cơ chế kinh tế trong nước và hội nhập với thế giới đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp nhà nước vươn ra thị trường các nước sử dụng đồng đô la như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc. Điển hình là Seaprodex đã thông qua mối quan hệ buôn bán quốc tế về thủy sản, bằng phương thức trả chậm, nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho nhu cầu trong nước. Việc chuyển từ đồng rúp sang đồng đô la trong buôn bán quốc tế là một biến đổi quan trọng trong hội nhập quốc tế của nước ta. Nếu trước năm 1990 trong các biểu thống kê thường dùng đơn vị tiền tệ rúp/đôla, bởi khu vực đồng rúp chiếm tỷ trọng 80 - 90% kim ngạch ngoại thương, thì từ năm 1991 về sau dùng đơn vị đô la.

Cuộc khủng hoảng hệ thống XHCN thế giới có tác động tiêu cực đến lòng tin và tâm lý của nhân dân, nhưng đã thúc đẩy tính độc lập, sáng tạo trong việc tìm con đường tiến lên của dân tộc trong một thế giới đầy cơ hội, nhưng cũng có không ít thách thức. Các đại hội Đảng từ lần thứ VII đến lần thứ X đã kế thừa và phát triển chủ trương đổi mới toàn diện của Đại hội lần thứ VI. Hệ thống pháp luật đã được xây dựng theo lộ trình hình thành đồng bộ cơ chế thị trường, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Mọi công dân, các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp dần được tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để có thể thực hiện những ý tưởng, sáng kiến nhằm làm giàu cho mình và góp phần vào sự phồn thịnh của đất nước.

Từ năm 1991 đến nay, đường lối đổi mới đã có tác động trực tiếp đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta vào loại cao trong khu vực, nhưng diễn biến theo đường cong; từ năm 1991 đến năm 1997 tăng dần đều; so với năm trước, năm 1991 tăng 5,81%, các năm tiếp theo cho đến năm 1997 con số tương ứng là: 8,7%, 8,08%, 8,83%, 9,54%, 9,34% và 8,15%. Từ năm 1998 đến năm 2001, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút: 5,76%, 4,77%, 6,79% và 6,99%. Năm 2002 đến 2006 nền kinh tế đã được hồi phục, biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng cao: 7,08%, 7,34%, 7,79%, 8,44% và 8,17%. Tổng sản phẩm quốc nội (tính theo giá năm 1994) năm 1991 là 139.634 tỷ đồng, năm 1995 là 195.567 tỷ đồng, năm 2000 là 273.666 tỷ đồng và năm 2006 là 425.135 tỷ đồng, gấp ba lần năm 1991 (Niên giám thống kê 2006, tr.69). GDP/người từ 181 USD năm 1991 đã tăng lên 722 USD năm 2006, đời sống của nhân dân đã được cải thiện, số hộ đói nghèo giảm rõ rệt.

Sự chuyển đổi tư duy kinh tế đã làm thay đổi thái độ của mọi người đối với các thành phần kinh tế; mặc dù về luật pháp tuy đã được sửa đổi, nhưng vẫn còn có sự đối xử không bình đẳng với kinh tế tư nhân, nhất là về tín dụng phát triển và ưu đãi trong một vài lĩnh vực, nhưng dư luận xã hội hầu như đã coi trọng sự làm giàu, ngưỡng mộ những người biết tranh thủ cơ hội phất lên một cách chân chính. Từ năm 2000, kinh tế tư nhân đã được cởi trói nhờ có Luật Doanh nghiệp với tư tưởng chỉ đạo “Mọi công dân có quyền kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề mà luật pháp không cấm”. Từ năm 2005 với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới, Việt Nam là nước đã thực sự thống nhất mặt bằng pháp lý đối với mọi loại hình doanh nghiệp và các phương thức đầu tư.

Cùng với việc tiếp tục phát triển, đổi mới quản lý và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xu thế nổi trội trong kinh tế nước ta từ năm 1991 đến nay là kinh tế tư nhân và kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến cuối năm 2006, nước ta đã tiếp nhận 8.266 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 78,2 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện gần 37,3 tỷ USD, tạo ra nhiều ngành nghề mới như công nghệ điện tử, tin học, ô tô, xe máy, khai thác dầu khí, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán; gắn với phương thức kinh doanh và quản trị hiện đại, các dịch vụ tiện ích cho khách hàng. Năm 2005, các doanh nghiệp FDI đã chiếm tỷ trọng 43,7% giá trị sản lượng công nghiệp, 57,8% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tạo việc làm cho 1,22 triệu người, trong đó có nhiều lao động có trình độ kỹ thuật cao và sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng; đặc biệt là từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2000 có hiệu lực thì tốc độ phát triển của khu vực này gia tăng mạnh mẽ. Từ năm 2001 đến năm 2005 đã có 148.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 306.000 tỷ đồng, tăng 2,6 lần về số doanh nghiệp và 7,7 lần về vốn đăng ký so với 10 năm 1991-2000. Mặc dù quy mô của các doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, nhưng đã thể hiện tính năng động, linh hoạt, nhanh chóng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, đổi mới công nghệ và phương thức kinh doanh, nên đã diễn ra quá trình tích tụ nhanh chóng, một số doanh nghiệp đã có quy mô vừa và đang trên đà phát triển. Kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế có khả năng tạo ra việc làm nhiều nhất cho xã hội.

Kinh nghiệm quốc tế đã khẳng định rằng, đối với các nước đang phát triển thì kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài tạo nên động lực mạnh mẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của quá trình công nghiệp hóa đất nước.

 

Hội nhập sâu rộng

Công cuộc đổi mới có quan hệ hữu cơ với hội nhập kinh tế quốc tế, cái này thúc đẩy và tạo điều kiện cho cái kia, cần được tiến hành nhịp nhàng theo sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ. Năm 1990, nước ta đã nối lại quan hệ với Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tháng 7 năm 1995 đã diễn ra 3 sự kiện lớn: Việt Nam gia nhập ASEAN, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định khung về quan hệ hợp tác. Có lẽ trong lịch sử nước ta chưa có lúc nào 3 sự kiện đối ngoại trọng đại như vậy diễn ra trong cùng một tháng, điều đó minh chứng công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đã đơm hoa kết trái.

Trên cơ sở đó, Việt Nam cùng các nước ASEAN thực hiện Khu vực mậu dịch tự do - AFTA và đang tiến tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Việt Nam ký với Hoa Kỳ Hiệp định thương mại song phương (BTA) đã gia tăng mạnh mẽ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, từ 732,8 triệu USD năm 2000 tăng lên 7.828,7 triệu USD năm 2005, gấp 11 lần. Việt Nam đã đề ra Chương trình hành động trong quan hệ với EU có sự tham gia xây dựng của cơ quan đại diện EU tại Hà Nội, được EU đánh giá cao trong quan hệ hợp tác song phương. Đầu năm 2007, nước ta là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ đa phương của quá trình hội nhập quốc tế.

Diễn biến tình hình kinh tế của những tháng đầu năm nay có thể tin chắc rằng, khi kết thúc năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 8-8,5% như dự kiến của Chính phủ, GDP/người tiếp cận mức 800 USD, giới hạn trên của các nước có thu nhập thấp và bắt đầu gia nhập các nước có thu nhập trung bình thấp của thế giới, tạo tiền đề để hướng đến mục tiêu của năm 2010: GDP đạt 94-98 tỷ USD và GDP/người là 1.050-1.100 USD.

Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã nảy sinh những vấn đề của sự phát triển. Đó là tính bền vững và hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư và tăng trưởng, là sự bất bình đẳng xã hội do khoảng cách giàu - nghèo gia tăng, là các tệ nạn xã hội đến mức báo động, là tình trạng tham nhũng, quan liêu, cửa quyền trong một bộ phận công chức nhà nước… mà hiện đang được Đảng và Nhà nước chỉ đạo xử lý bằng nhiều giải pháp.

 

Tìm kiếm mô hình phát triển

Chiến lược giai đoạn 2011 - 2020 đang được soạn thảo hướng tới mục tiêu: năm 2020 Việt Nam về cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại như đã được đề ra tại Đại hội lần thứ X của Đảng. Vấn đề quan trọng nhất là phải tìm được mô hình phát triển trong giai đoạn mới, bởi vì trạng thái mới của quá trình toàn cầu hóa kinh tế quốc tế đã tạo ra cơ hội lớn cho các dân tộc, đồng thời thế giới phải đối phó với những vấn đề chung của loài người, như tình trạng nóng lên của trái đất, các dịch bệnh, nạn khủng bố quốc tế; còn nước ta đang tiến vào giai đoạn mới của quá trình phát triển.

Lịch sử của thế giới đã cho thấy rằng, đã có không ít quốc gia ở châu Mỹ La tinh và Trung Đông khi đã vượt qua cửa ải đầu tiên của quá trình phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp thì đã chững lại, do theo đuổi mô hình kinh tế dựa trên tích tụ các yếu tố sản xuất của lý thuyết cổ điển - tài nguyên, lao động và vốn.

Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 phải coi trọng kinh tế quy mô như động lực phát triển; bởi trong thế giới hiện đại, kẻ thắng - người thua trong cuộc chạy đua giữa các dân tộc hướng tới văn minh phụ thuộc phần lớn vào quy mô kinh tế mỗi ngành, mỗi sản phẩm có thể tạo nên sức cạnh tranh trên thị trường. Indermit Gill và Homi Kharas cho rằng: các nước khi đã có thu nhập trung bình phải thực hiện “đầu tiên, đa dạng hóa sẽ giảm dần và sẽ đi ngược lại, các nước trở nên chuyên biệt hóa hơn về sản xuất và nhân công; thứ hai, đầu tư sẽ kém quan trọng trong khi sáng tạo tăng lên, ba là, hệ thống giáo dục sẽ chuyển từ việc trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để họ có thể sử dụng công nghệ mới sang chuẩn bị cho họ có thể tạo ra sản phẩm và quá trình mới” (xem: Lời mở đầu cuốn Đông Á phục hưng - ý tưởng phát triển kinh tế, Nxb Văn hóa thông tin. Năm 2007).

Mô hình trên đòi hỏi phải lựa chọn để tập trung xây dựng những ngành, sản phẩm có quy mô lớn, chiếm được thị phần quan trọng trên thị trường trong nước và thế giới; coi trọng ý tưởng mới và tính sáng tạo, tạo lập môi trường dân chủ, tự do để những ý tưởng mới và phát minh sáng chế có lợi nhanh chóng được thực hiện, nhằm tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển (R&D) theo cơ cấu đã thành công ở nhiều nước: 60% R&D do khu vực kinh doanh, 20% do Chính phủ và 20% do các viện nghiên cứu thực hiện; đổi mới cơ bản hệ thống giáo dục để đào tạo đủ cả lượng và chất nguồn nhân lực cho sự phát triển.

Nhìn lại tổng quan 62 năm kinh tế Việt Nam, nhất là 32 năm đất nước thống nhất, phát triển kinh tế trong thời bình để khẳng định những thành quả to lớn của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đồng thời để hướng tới mục tiêu cao hơn trên con đường đi tới của dân tộc với sự cần thiết phải tìm được mô hình phát triển thích ứng với thế giới hiện đại và cung bậc cao hơn của Việt Nam khi đã vượt qua cửa ải của nước có thu nhập thấp, gia nhập vào hàng ngũ nước có thu nhập trung bình thấp của thế giới.