Tổng thống Biden: Mỹ và châu Âu phải đẩy lùi "sự lạm dụng và ép buộc" kinh tế của Trung Quốc

Tổng thống Biden: Mỹ và châu Âu phải đẩy lùi "sự lạm dụng và ép buộc" kinh tế của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm thứ Sáu (19/2) rằng, Mỹ và các đối tác quốc tế của Mỹ phải yêu cầu Trung Quốc giải trình các hoạt động kinh tế của mình.

"Chúng ta phải đẩy lùi sự lạm dụng và ép buộc của chính phủ Trung Quốc khi làm suy yếu nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế", Tổng thống Biden nói trong một bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2021.

“Mọi người đều phải tuân theo các quy tắc như nhau”, ông nói.

Đây là sự xuất hiện lần đầu tiên của Tổng thống Biden trước quốc tế kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ và với quan điểm thể hiện rằng chính quyền của ông tìm cách duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Chính quyền Trump trước đó đã tìm cách định hình lại mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung và đặt trọng tâm chính vào việc thúc đẩy Bắc Kinh mua hàng hóa của Mỹ trong khi giải quyết các vấn đề bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Tuy nhiên, sau khi đạt được thoả thuận giai đoạn 1, cựu Tổng thống Trump đã hủy bỏ một vòng đàm phán thương mại bổ sung với Trung Quốc và đổ lỗi do ảnh hưởng của đại dịch.

Đặc điểm chính trị “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Trump cũng khiến một số nhà lãnh đạo châu Âu vốn là đồng minh của Mỹ xa lánh. Tổng thống Biden đã nói rõ rằng ông có ý định làm ấm quan hệ với các đối tác quốc tế của Mỹ.

“Tôi biết những năm qua đã làm căng thẳng và thử thách mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng tôi. Nhưng Mỹ quyết tâm tái thiết với châu Âu”, Tổng thống Biden nói khi bắt đầu bài phát biểu hôm thứ Sáu (19/2).

Trước khi đưa ra nhận xét của mình, Tổng thống Biden đã gặp các nhà lãnh đạo của G7 để thảo luận về cách ứng phó toàn cầu đối với đại dịch Covid.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp đó, G7 tuyên bố sẽ “làm việc cùng nhau và với các nước khác để biến năm 2021 trở thành một bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương”.

Tuyên bố của G7 cũng thông báo rằng các quốc gia thành viên sẽ cam kết tài trợ 7,5 tỷ USD cho COVAX. Nhà Trắng hôm thứ Năm (18/2) cũng cho biết Mỹ sẽ cam kết tài trợ 4 tỷ USD đến năm 2022 cho các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.

“Covid-19 cho thấy thế giới cần có những biện pháp phòng thủ mạnh mẽ hơn trước những rủi ro trong tương lai đối với an ninh y tế toàn cầu. Chúng tôi sẽ làm việc với WHO, G20 và các tổ chức khác, đặc biệt là thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Toàn cầu tại Rome để củng cố kiến ​​trúc y tế và an ninh y tế toàn cầu nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch, bao gồm việc thông qua tài chính y tế và các cơ chế phản ứng nhanh bằng cách tăng cường cách tiếp cận “Sức khoẻ là số 1” và Bảo hiểm Y tế Toàn cầu và khám phá giá trị tiềm năng của hiệp ước y tế toàn cầu”, ông Biden phát biểu tại cuộc họp của G7.

Bên cạnh đó, trong một nội dung chú ý của bài phát biểu của tổng thống Biden, ông cũng đề cập về hoạt động công khai minh bạch về kinh tế của Trung Quốc.

"Chúng ta và các công ty châu Âu được yêu cầu công khai cơ cấu quản trị công ty và tuân thủ các quy tắc để ngăn chặn tham nhũng và các hành vi độc quyền. Các công ty Trung Quốc nên được tuân theo cùng một tiêu chuẩn”, tổng thống Biden nói.

“Chúng ta phải ủng hộ các giá trị dân chủ giúp chúng ta có thể đạt được bất kỳ điều gì trong số này, đẩy lùi những kẻ muốn độc quyền và bình thường hóa sự đàn áp”, Tổng thống Biden nói.

Tin bài liên quan