Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng: Cơ quan quản lý nên xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Việc xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm là để các TCTD có kế hoạch xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua ĐHCĐ vào tháng 4 hàng năm”.

Quan điểm trên vừa được ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Với tư cách là Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhìn lại hoạt động của các TCTD trong năm 2022, ông có nhận định gì?

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt có hiệu quả kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, NHNN, Thống đốc NHNN, các TCTD đã không ngừng nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, tăng vốn điều lệ. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, xây dựng các phương án phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh diễn biến phức tạp bởi thị trường quốc tế và trong nước.

Chính vì vậy năng lực tài chính của các ngân hàng được củng cố, chất lượng quản trị điều hành từng bước được nâng cao tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đến nay đã có 20 ngân hàng được công nhận áp dụng chuẩn Basel 2, trong đó có 16 ngân hàng đã công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel 2. Một số ngân hàng đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và có những bước chuẩn bị hướng tới chuẩn Basel 3.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng chuyển đổi số ở top đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức tối ưu, đặc biệt khi thị trường vốn có vấn đề các TCTD vẫn đảm bảo thanh khoản, giữ được niềm tin của người gửi tiền.

Một vấn đề nổi lên của hệ thống ngân hàng năm qua đó là nỗ lực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Đúng vậy, ngay từ đầu năm 2022, để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực gặp khó khăn, thiệt hại nặng do dịch phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch, các NHTM đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các đối tượng khách hàng doanh nghiệp khác nhau.

Cụ thể, giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ cho vay mới với mức giảm lãi suất từ 0,1 - 3,0%. Sau khi NHNN nới room tín dụng, nhiều ngân hàng đã thông báo cam kết giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022. Theo đó, đã có 16 Ngân hàng cam kết giảm lãi cho vay với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm.

Ngoài ra, thực hiện kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng và chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã cam kết đồng thuận lãi suất huy động VND không quá 9,5%/năm (đã bao gồm các khoản khuyến mại) và tiếp tục tiết giảm chi phí, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay, với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm tùy từng khả năng tài chính của các TCTD, cùng với đó đã liên tiếp giảm phí hoặc miễn phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Đặc biệt, các TCTD đã tập trung vốn cho vay các khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu… theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, triển khai nghiêm túc Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Nói về vai trò của Hiệp hội Ngân hàng trong một năm đầy biến động khó lường vừa qua, ông sẽ chia sẻ vấn đề gì?

Năm 2022, Hiệp hội Ngân hàng đã kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong hoạt động kinh doanh để góp ý, xây dựng, kiến nghị sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về giảm mặt bằng lãi suất, cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong các ngày 07/12/2022 và ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với các TCTD hội viên để cùng thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, đồng thuận thực hiện nghiêm túc cam kết và thông báo công khai việc điều chỉnh giảm mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm và lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng giảm mức lãi suất huy động đã từ 1 - 2,5 % so với trước, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm theo như cam kết.

Hiệp hội đã tích cực và có trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần đưa các quy định của cơ quan quản lý nhà nước sát hơn với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho các tổ chức hội viên trong quá trình thực hiện. Thường xuyên có tiếng nói khách quan với các cơ quan có thẩm quyền trong các bản án/quyết định chưa phù hợp với quy định pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hội viên.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư Pháp… tổ chức thành công các Hội thảo trao đổi về vướng mắc xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD và tìm ra các giải pháp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD.

Có thể nói trong năm qua, Hiệp hội Ngân hàng đã luôn đồng hành cùng các các Tổ chức hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên song cũng kêu gọi hội viên nói chung và các NHTM nói riêng tuân thủ theo qui định của pháp luật. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc có trách nhiệm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Thống đốc NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát…

Năm 2023 sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Agribank để đảm bảo đáp ứng hệ số CAR theo quy định
Năm 2023 sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Agribank để đảm bảo đáp ứng hệ số CAR theo quy định

Hướng đến năm 2023, là Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, ông có những kiến nghị gì cho các hội viên?

Tôi đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Agribank để đảm bảo đáp ứng hệ số CAR theo quy định, vì hiện nay với số vốn điều lệ của Agribank đã sát với ngưỡng cho phép nếu không tăng vốn điều lệ sẽ hạn chế cả hoạt động huy động vốn lẫn cho vay.

Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành sớm sửa đổi Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật giao dịch điện tử… nhằm tạo cơ chế pháp lý thống nhất, đồng bộ, giúp các TCTD cho vay an toàn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh phù hợp với thực tiễn để thị trường vốn hoạt động ổn định, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công, thực hiện hài hoà chính sách tiền tệ và tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn. Tránh để thị trường tiền tệ phải chịu áp lực về ngắn hạn cũng như vốn trung và dài hạn trong bối cảnh đến tháng 10/2023 phải đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho trung dài hạn về tỷ lệ 30%.

Ngoài ra, chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp NHNN sửa đổi các vướng mắc về chính sách hỗ trợ lãi suất quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN (liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn, mục đích sử dụng vốn, các tiêu chí đánh giá…). Xem xét sớm ban hành sửa đổi bổ sung Nghị định 101 về việc thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định thử nghiệm về sandbox nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số một cách toàn diện của ngành ngân hàng.

Đối với NHNN, xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm để các TCTD có kế hoạch xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua ĐHCĐ vào tháng 4 hàng năm. Xem xét điều chỉnh một số quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN.

Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử - eKYC, cho vay theo phương thức điện tử. Theo đó, việc phê duyệt tín dụng thông qua các hệ thống phần mềm, số hóa, dưới các hình thức giao dịch điện tử sau khi luật giao dịch điện tử được thông qua

Đặc biệt, khẩn trương sửa đổi bổ sung Luật các TCTD theo hướng tăng tính tự chủ cho các TCTD, phù hợp hơn với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động hiện nay của các TCTD. Đồng thời, bổ sung thêm 1 chương về nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo nói chung và tài sản đảm bảo nợ xấu nói riêng, sớm trình chính phủ trình quốc hội thông qua đúng thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực.

Tin bài liên quan