Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu công ty chứng khoán khởi sắc

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu công ty chứng khoán khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường có thêm một tuần đi lên, điểm tích cực là thanh khoản có sự cải thiện đáng kể và theo đó đã giúp nhóm cổ phiếu nhạy cảm nhất là công ty chứng khoán khởi sắc.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 16,85 điểm (+1,71%), lên 1.064,64 điểm, giá trị giao dịch trên HOSE đạt 52.065.55 tỷ đồng tăng 18,5% so với tuần trước, khối lượng tăng 18,1%.

Kết thúc tháng 3/2023, chỉ số VN-Index tăng 40 điểm, tương ứng +3,9% so với tháng trước và trong quý I/2023 đã tăng 57,55 điểm, tương đương +5,7%.

Trở lại điểm nhấn chính trong tuần qua, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán là nhóm nổi bật nhất, khi có khá nhiều mã khởi sắc như BSI (+27,20%), FTS (+18,01%), AGR (+14,51%), CTS (+12,42%), BVS (+12,35%), MBS (+10,49%), SSI (+5,1%), ORS (+7,2%), HCM (+4,1%), VDS (+4,5%) …

Nhóm trụ cột ngân hàng cũng đã có không ít tăng tốt, như PGB (+15,63%), TCB (+7,18%), HDB (+6,65%), OCB (+5,06%), STB (4,59%), các mã VCB, MBB, VIB, CTG tăng từ 2% đến 2,7%.

Nhóm bất động sản với dự báo lãi suất sẽ trên đường giảm, cũng đã có những diễn biến tích cực, thanh khoản cải thiện tốt như ITC (+9,11%), NLG (+7,63%), DXG (+5,91%), DIG (+5,88%), VHM (+5,1%)...

Trái lại, nhóm cổ phiếu bán lẻ lại chịu áp lực bán mạnh trước kế hoạch kinh doanh tăng trưởng kém như DGW (-13,29%), FRT (-6,15%).

Trên sàn HOSE, nhóm một số các cổ phiếu công ty chứng khoán có tuần nổi bật với bốn cái tên BSI, FTS, AGR và CTS.

Trong đó, cổ phiếu BSI dẫn đầu với 5 phiên trong tuần thì đã có 3 phiên tăng kịch trần. Cổ phiếu xuất hiện liên tiếp những mẫu hình như Rising Window và White Marubozu cho thấy tâm lý rất tích cực của nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch trong các phiên cũng tăng mạnh.

Trong khi đó, cổ phiếu TGG tuần này có mức tăng vượt trội so với phần còn lại, với cả 5 phiên đều tăng kịch trần, thanh khoản được cải thiện đáng kể với khối lượng khớp lệnh phiên cao nhất gần 0,88 triệu đơn vị, phiên thấp nhất cũng có hơn 0,24 triệu đơn vị.

Ngoài ra là cổ phiếu CTD cũng có tuần giao dịch khá tích cực, với phiên ngày 30/3 đã tăng kịch trần.

Ở chiều ngược lại, bất ngờ ghi nhận cổ phiếu DGW với phiên thứ Năm bị bán mạnh và giảm sàn. Tính trong 20 phiên gần nhất, DGW cũng chỉ có được 4 phiên tăng, một phiên đứng tham chiếu, còn lại đều giảm.

Báo cáo triển vọng nhóm ngành bán lẻ mới được SSI và VDSC công bố đều cho thấy ít nhiều sự ảm đạm trong thời gian tới. Theo đó, VDSC cho rằng, các sản phẩm không thiết yếu ở phân khúc trung cấp, đặc biệt là các thiết bị công nghệ vốn được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch Covid-19, có thể bị suy giảm tiêu thụ nặng nề nhất năm 2023.​

SSI Research cũng đánh giá tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023.

Trên sàn HNX, cổ phiếu PVL tăng vọt với chuỗi 6 phiên gần nhất đều tăng mạnh, với 4 phiên tăng trần. Đáng chú ý, cổ phiếu này đã nhận án hủy niêm yết bắt buộc kể từ ngày 14/4 tới đây.

Nguyên nhân do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2022 của PVL.

Cổ phiếu PRC có tuần giảm mạnh, với điểm nhấn từ việc ngày 30/3 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt lên tới 350%.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, PDR bất ngờ có khoản lợi nhuận sau gần 51 tỷ đồng, nhờ khoản thu nhập khác tăng đột biến từ 570 triệu đồng cùng kỳ năm trước lên hơn 64 tỷ đồng do bán tài sản.

Trên UpCoM, cổ phiếu KTL có mức tăng vượt trội, dù thanh khoản chỉ khoảng vài nghìn đơn vị khớp lệnh trong phiên.

Cổ phiếu CFV trở lại, với cả 5 phiên tăng trần, nhưng cũng chỉ vài trăm cổ phiếu được sang tay trong các phiên. Trước đó, cổ phiếu này có chuỗi 10 phiên không tăng, trong đó có 7 phiên giảm sàn.

Tin bài liên quan