Các nhà ga ngầm tuyến metro số 1 tạo tiền đề cho TP.HCM hiện thực hóa giấc mơ xây thành phố dưới lòng đất. Ảnh: Lê Toàn

Các nhà ga ngầm tuyến metro số 1 tạo tiền đề cho TP.HCM hiện thực hóa giấc mơ xây thành phố dưới lòng đất. Ảnh: Lê Toàn

TP.HCM lại bàn xây thành phố ngầm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc hình thành các không gian ngầm khu vực trung tâm thành phố, khơi thông lợi thế đôi bờ sông Sài Gòn… sẽ góp phần vẽ nên bức tranh TP.HCM mới, hiện đại sau năm 2023.

Cơ hội từ metro ngầm

Thực tế, mô hình không gian ngầm khu vực trung tâm thành phố đã được TP.HCM đề cập tới từ 15 năm trước với các công trình như bãi xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, nhà hát Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư kết hợp trung tâm thương mại..., nhưng tới nay vẫn chỉ là ý tưởng mà chưa được quy hoạch cụ thể.

Tuy nhiên, việc xuất hiện không gian ngầm tại 3 nhà ga metro số 1 một lần nữa tạo kỳ vọng ý tưởng sẽ trở thành hiện thực, khi tuyến đường sắt trên cao này đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào khai thác từ cuối quý IV/2023.

Hiện tại, TP.HCM đang ưu tiên xây dựng không gian ngầm quanh khu vực nhà ga Bến Thành của tuyến metro số 1. Tại đây, trung tâm thương mại ngầm Bến Thành diện tích khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500 m2… sẽ được hình thành để phục vụ nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân.

Bên cạnh đó, Quy chế quản lý kiến trúc vừa được UBND TP.HCM ban hành cũng nêu rõ, sẽ chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống dưới lòng đất, tạo ra một tuyến phố ngầm đầu tiên ở trung tâm Thành phố cũng như cả nước.

Ảnh tác giả

Ý tưởng “ngầm hóa” của TP.HCM chưa trở thành hiện thực không hẳn xuất phát từ việc thiếu nguồn tài chính, mà do thiếu quy hoạch phù hợp.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

Theo quy hoạch, tuyến ngầm có kết cấu 2 tầng, trong đó tầng 1 bố trí bãi đậu xe công cộng và lối ra vào, tầng 2 xây dựng bãi đậu xe công cộng và đường ngầm Tôn Đức Thắng với 2 làn xe mỗi hướng. Các lối ra vào bãi xe ngầm cũng bố trí 2 làn xe riêng biệt và không kết nối trực tiếp xuống đường ngầm Tôn Đức Thắng. Bãi đậu xe ngầm có sức chứa 300 xe hơi, có thể tận dụng một phần cho xe 2 bánh.

Bên cạnh đó, tại khu vực Công trường Mê Linh sẽ xây dựng một vườn trũng ngầm ở giữa, xung quanh là các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng... Vườn trũng kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm ở dưới đường Tôn Đức Thắng, đồng thời bảo đảm kết nối với các tòa nhà xung quanh trong tương lai.

Theo kiến trúc sư Hoàng Ngọc Lan, giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, tạo thêm không gian ngầm dưới đường Tôn Đức Thắng sẽ giải quyết được một loạt vấn đề về giao thông tại khu trung tâm hiện nay. Thứ nhất, tạo sự an toàn cho người đi bộ tại các không gian công cộng như đường Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng. Thứ hai, tăng diện tích không gian công cộng chính hướng ra bờ sông Sài Gòn trong bối cảnh khu trung tâm lịch sử của Thành phố hiện nay thiếu quảng trường. Thứ ba, tăng hiệu quả sử dụng đất nhờ khai thác không gian ngầm, bổ sung thêm các chức năng cần thiết cho khu trung tâm như bãi xe, các cửa hàng thương mại ngầm..., mà vẫn bảo đảm được không gian thông thoáng cho khu trung tâm.

Còn kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty NgoViet Architects & Planners cho hay, không chỉ khu vực nhà ga Bến Thành, mà nhiều khu vực không gần tuyến metro số 1 vẫn có thể phát triển không gian ngầm, việc kết nối không gian ngầm hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách bộ hành, tận dụng những khu vực gần metro để làm không gian ngầm là phù hợp và cần thiết.

Theo ông Sơn, toàn bộ tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ cần được tổ chức khai thác không gian ngầm. Khi đó, hành khách từ nhà ga metro khu vực trước UBND TP.HCM có thể đi theo không gian ngầm đường Nguyễn Huệ ra bờ sông Sài Gòn và đi thẳng qua Thủ Thiêm.

“TP.HCM khá giống Thượng Hải với một dòng sông chia thành hai bờ Đông - Tây. Hiện tại, 5 tuyến đường hầm dưới lòng sông Hoàng Phố đã kết nối trực tiếp với 2 khu trung tâm ven sông Phố Đông và Phố Tây Thượng Hải. Trong khi đó, trung tâm Thủ Thiêm chưa được quy hoạch đường hầm hay đường giao thông nào kết nối trực tiếp với bên kia bờ, mà phải đi đường vòng khá xa, nên vẫn chưa tận dụng được lợi thế vị trí để tăng giá trị thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm”, ông Sơn nói.

Còn nhiều việc phải làm

Tại báo cáo mới đây về công tác quy hoạch trên địa bàn Thành phố kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành năm 2017, UBND TP.HCM có nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch không gian ngầm.

Theo UBND TP.HCM, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1570/2002 và Quyết định 24/2010 có trước thời điểm Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian ngầm đô thị có hiệu lực, nên TP.HCM chưa nghiên cứu nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho toàn thành phố.

Hiện TP.HCM mới chuẩn bị nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho 2 đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu trung tâm hiện hữu mở rộng và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thể hiện ở nội dung thuyết minh và bản đồ “xác định các khu vực xây dựng công trình ngầm”.

UBND TP.HCM nhìn nhận, nội dung quy hoạch không gian ngầm hiện nay chỉ ở mức sơ bộ, còn nhiều vấn đề cần bổ sung như công tác dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị; quy định phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm; cơ chế xác định các khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm; quy định kết nối không gian ngầm với không gian trên cao, trên mặt đất…

Ngoài ra, công tác khảo sát, thu nhập dữ liệu không gian xây dựng ngầm cũng chưa được triển khai. Việc xây dựng dữ liệu công trình ngầm của Thành phố gặp nhiều khó khăn do dữ liệu được nhiều ngành quản lý; hiện trạng hạ tầng ngầm được xây dựng qua nhiều thời kỳ, thiếu tài liệu lưu trữ; việc khảo sát, điều tra hiện trạng mạng lưới công trình ngầm trên địa bàn cần chi phí lớn, trong khi nguồn ngân sách Thành phố có hạn…

UBND TP.HCM cũng cho rằng, việc lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm là lĩnh vực mới tại Việt Nam, hiện chưa có địa phương nào triển khai thực hiện. Mặt khác, Thành phố cũng chưa có cơ quan đầu mối quản lý không gian ngầm, các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn quy hoạch còn thiếu, nguồn lực cho việc điều tra, khảo sát, lập bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm và lập quy hoạch... rất hạn chế.

Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ý tưởng “ngầm hóa” của TP.HCM chưa trở thành hiện thực không hẳn xuất phát từ việc thiếu nguồn tài chính, mà do thiếu quy hoạch phù hợp, bởi quy hoạch không gian ngầm không đơn thuần là thiết kế đô thị, mà chỉ là một thành phần nhỏ trong quy hoạch chung. Thành phố đã làm khá tốt khâu thiết kế đô thị, nhưng đây là bước sau, trong khi bước đầu tiên cần thực hiện là xây dựng các giải pháp, chính sách quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng.

Do đó, Thành phố nên sớm có quy hoạch không gian ngầm với chính sách ưu đãi đi kèm quy định các cao ốc mới trong khu trung tâm phải kết nối với không gian ngầm đô thị. Thậm chí, các dự án đã phê duyệt nhưng chưa khởi công cũng nên rà soát lại và yêu cầu phải có cửa chờ sẵn sàng kết nối vào không gian ngầm của Thành phố.

“Ngoài ra, việc tích hợp giao thông ngầm với đường đi bộ trên mặt đất, trên cao cũng cần phải được đưa vào quy hoạch, nhất là khi Thành phố đã có chủ trương hạn chế giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm”, ông Sơn gợi ý.

Tin bài liên quan