TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển: Doanh nghiệp mong được đối thoại

0:00 / 0:00
0:00
Ngay cả khi việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM là đúng thẩm quyền, thì vẫn còn lý do để doanh nghiệp muốn đối thoại.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đúng thẩm quyền có đủ làm doanh nghiệp an tâm?

Trong cuộc họp báo cung cấp thông tin về kết quả kinh tế, xã hội TP.HCM quý I/2022 và kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X diễn ra cuối tuần trước, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM khẳng định, việc thu phí hạ tầng cảng biển có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Cụ thể, cơ sở pháp lý là Luật Phí và Lệ phí (có hiệu lực từ năm 2017) có quy định về loại phí này. Thực tiễn là từ năm 2017, nhiều địa phương trong nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn… đã tổ chức thu phí cảng biển.

Ông Bằng cũng nhắc lại, khi lập đề án thu phí hạ tầng cảng biển, TP.HCM đã đánh giá rất kỹ, có hội đồng nghiên cứu các mặt thuận lợi và không thuận lợi; lấy ý kiến các hiệp hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và ý kiến nhân dân qua các cơ quan truyền thông…

Có thể, thông tin trên truyền thông về các đề nghị TP.HCM dừng thu phí hạ tầng cảng biển là nguồn cơn của những giải trình này.

Theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP.HCM, phí này được thu từ ngày 1/7/2021, nhưng đã lùi 2 lần (lần thứ nhất là đến ngày 1/10/2021, lần thứ hai là đến 1/4/2022) sau khi doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đồng loạt gửi kiến nghị dừng do tác động của dịch bệnh.

Lần này, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị dừng, nhưng TP.HCM quyết định thực hiện và đã triển khai thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4/2022.

Tuy nhiên, trong mọi đề xuất từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến quyết định thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM cũng như của TP. Hải Phòng, thẩm quyền chưa bao giờ được nhắc đến là lý do cho các đề nghị dừng, tạm dừng.

Các doanh nghiệp đều hiểu rõ, quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu tại TP.HCM thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân TP.HCM.

Nhưng, ngay cả khi các quyết định trên là đúng thẩm quyền, thì trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn sau hơn 2 năm đại dịch, khi các quy định tác động đến nhiều mặt, nhất là tác động đến chi phí logistics, từ đó tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ..., mọi quyết sách cần phải được cân nhắc, tính toán để đảm bảo hài hòa.

Doanh nghiệp mong được đối thoại

“Mặc dù nhận được văn bản của các hiệp hội, ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 29/9/2020, TP. Hải Phòng và TP.HCM vẫn tiếp tục thu phí không đúng đối tượng, không có văn bản trả lời đến các hiệp hội, không tổ chức đối thoại để làm rõ bất cập khi thu phí không đúng đối tượng với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa”.

Năm 2021, Bộ Tài chính đã có Công văn 2681/BTC-CST ngày 17/3/2021 và Công văn 6665/BTC-CST ngày 21/6/2021 gửi UBND TP.HCM, trong đó có nêu, việc quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác gây bất bình đẳng, có sự phân biệt đối xử. “Đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu, báo cáo Hội đồng Nhân dân TP.HCM điều chỉnh Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo đúng quy định”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Đây là một đoạn trong Công văn được các hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến đường thủy nội địa gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào cuối tuần trước. Một lần nữa, các hiệp hội lại cùng ký đề xuất không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.

Lý do vẫn là hàng hóa được vận tải bằng phương tiện đường thủy nội địa không sử dụng hạ tầng địa phương kết nối đến cảng biển và đề nghị vẫn là được đối thoại, được nhận phản hồi về các kiến nghị trên. Trong tháng 2, tháng 3/2022, các hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến đường thủy nội địa đã có văn bản đề nghị không thu phí và tổ chức đối thoại gửi Hội đồng Nhân dân, UBND TP.HCM.

Về việc thu phí này, không chỉ các doanh nghiệp liên quan đến đường thủy nội địa có ý kiến. Năm 2021, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam đã 2 lần gửi kiến nghị tương tự tới Bộ Giao thông - Vận tải, UBND TP.HCM, Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Năm 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics, UBND tỉnh Bắc Ninh đã nhắc đến kiến nghị này với TP. Hải Phòng và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Cuối năm 2021, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản gửi Hội đồng Nhân dân, UBND TP.HCM và TP. Hải Phòng về việc miễn, giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển cửa khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa.

Mới nhất, 3 ngày sau khi TP.HCM triển khai thu phí, Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về bất cập, tác động tiêu cực của phí này. Trong báo cáo, Ban IV đề nghị không thu phí với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội bộ và hàng hóa trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập - tái xuất.

Ban IV cũng kiến nghị dừng thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi và phát triển sau dịch bệnh. Đặc biệt, Ban IV kiến nghị, nếu có xem xét triển khai thu phí khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp đã cơ bản phục hồi, thì mức phí phải được tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí và Lệ phí, Luật Hải quan.

“Mức thu chênh lệch giữa việc mở tờ khai thông quan tại TP.HCM và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận là không phù hợp với pháp luật về hải quan, tạo sự phân biết đối xử, gây khó khăn cho doanh nghiệp các tỉnh lân cận”, Ban IV viết trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 7/4/2022.

Đây cũng là những nội dung đã từng được Ban IV kiến nghị cách đây hơn 1 năm, trước thời điểm TP.HCM bắt đầu thực hiện thu phí này.

Không chỉ doanh nghiệp thấy bất bình đẳng

Trong văn bản gửi UBND TP.HCM cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh Đồng Nai có liệt kê chi tiết bảng tính chứng minh sự không công bằng trong mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển của TP.HCM giữa doanh nghiệp mở tờ khai tại TP.HCM và doanh nghiệp mở tờ khai tại các tỉnh lân cận.

“Doanh nghiệp mở tờ khai tại Đồng Nai và các tỉnh phải đóng phí cao gấp đôi so với doanh nghiệp mở tờ khai tại TP.HCM, trong khi dịch vụ sử dụng tại cảng như nhau...”, UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện tại, khi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, gia công xuất khẩu đang nỗ lực vượt khó để duy trì sản xuất, việc thu phí đã thêm gánh nặng, thì việc bất bình đẳng trong mức thu còn làm mọi việc trở nên khó khăn hơn. Đã có lo ngại các doanh nghiệp sẽ dồn về TP.HCM để mở tờ khai, gây ách tắc, quá tải trong khâu thông quan tại các cảng của Thành phố.

Cùng thời điểm, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, kiến nghị Hội đồng Nhân dân TP.HCM xem xét, cân nhắc quyết định để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu các doanh nghiệp đổ dồn về TP.HCM mở tờ khai, thì việc thu thuế xuất nhập khẩu của Đồng Nai sẽ giảm một lượng lớn.

Các đề xuất này cho đến nay vẫn đang trong quá trình đợi trả lời.

Tin bài liên quan