Trái ngược với sự ảm đạm trên toàn cầu, thị trường IPO của Trung Quốc bùng nổ kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ châu Á đến châu Âu và Mỹ, các thương vụ IPO đã cạn kiệt trên khắp các trung tâm tài chính lớn của thế giới trong năm nay, ngoại trừ tại Trung Quốc đại lục.
Trái ngược với sự ảm đạm trên toàn cầu, thị trường IPO của Trung Quốc bùng nổ kỷ lục

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các đợt chào bán công khai lần đầu trên các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc đại lục đã tăng lên 57,8 tỷ USD trong năm 2022, mức lớn nhất từ ​​trước đến nay trong cùng khoảng thời gian. Đã có 5 thương vụ IPO quy mô trên 1 tỷ USD kể từ tháng 1 và 1 thương vụ đang được tiến hành. Trong khi ở New York (Mỹ) và Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ có 1 thương vụ với quy mô này, còn ở London (Anh) thì không.

Tổng giá trị các thương vụ IPO trong năm nay của các nền kinh tế lớn

Tổng giá trị các thương vụ IPO trong năm nay của các nền kinh tế lớn

Thị trường IPO của Trung Quốc đã bất chấp những khó khăn chung trên toàn cầu như lãi suất tăng và lo ngại về cuộc suy thoái của Mỹ, những điều này đã khiến hoạt động huy động vốn cổ phần lớn ở những nền kinh tế lớn khác rơi vào bế tắc. Trong đó, các khoản IPO của Trung Quốc chủ yếu hướng đến các nhà đầu tư trong nước.

Theo một số nhà quan sát thị trường, sự gia tăng các thương vụ IPO tại Trung Quốc cũng do lo ngại rằng điều kiện kinh tế có thể xấu đi vào cuối năm khi việc bùng phát các ca nhiễm Covid có thể khiến Bắc Kinh phải tuân theo chiến lược Zero Covid nghiêm ngặt. Các nhà chức trách cũng đã báo hiệu việc giảm nhẹ mục tiêu tăng trưởng chính thức của năm nay là khoảng 5,5%, làm giảm sự lạc quan về sự phục hồi kinh tế nói chung.

Shen Meng, Giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co. cho biết: “Các công ty sẵn sàng IPO hơn vì họ xem nửa đầu năm là khoảng thời gian tốt hơn để niêm yết so với thời gian sắp tới, vì các yếu tố bao gồm sự không chắc chắn về lợi nhuận có thể khiến việc niêm yết trong tương lai khó hơn so với hiện tại”.

Thị trường thứ cấp

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp , với việc các công ty đang gấp rút niêm yết, thị phần của Trung Quốc trong số tiền huy động được thông qua hoạt động IPO trên toàn cầu đã tăng hơn gấp ba lần lên 44% trong năm nay từ 13% vào cuối năm 2021.

Hiệu suất tốt hơn của các cổ phiếu mới giao dịch cũng là một yếu tố thu hút nhà đầu tư mua cổ phiếu IPO. Cổ phiếu của các đợt IPO ở Trung Quốc đã tăng trung bình 43% trong năm nay so với giá niêm yết, so với mức giảm 13% ở Hồng Kông.

Trong khi đó, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã giảm khoảng 16% kể từ ngày 31/12/2021 - một trong những chỉ số hoạt động kém nhất trong số các chỉ số cổ phiếu lớn trên toàn cầu - khi các nhà đầu tư phải đối mặt với các hạn chế nghiêm ngặt của Covid, một cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc và các quy định kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn.

Mặc dù vậy, việc mua các cổ phiếu mới IPO mang tính hấp dẫn do việc định giá trong đợt IPO bị giới hạn bởi các quy tắc ở thị trường địa phương. Điều đó giúp đem lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư, và việc thua lỗ từ mua cổ phiếu IPO hiếm khi xảy ra.

“Trung Quốc là một thị trường tách biệt với phần còn lại của thế giới. Một yếu tố khác biệt trong số các nhà đầu tư Trung Quốc là những giao dịch thể hiện tính yêu nước. Mua cổ phiếu giúp Trung Quốc độc lập hơn với phần còn lại của thế giới là điều khá bình thường”, Ke Yan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của DZT Research ở Singapore cho biết.

Mặc dù vậy, lĩnh vực công nghệ nhìn chung là một trong những lĩnh vực nhộn nhịp nhất đối với hoạt động IPO ở Trung Quốc.

Nhu cầu đối với đợt IPO trị giá 10,8 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) của nhà sản xuất linh kiện máy tính Hygon Information Technology Co. đã vượt quá số lượng chào bán 2.000 lần.

Cổ phiếu của một nhà sản xuất chất bán dẫn, một nhà sản xuất các sản phẩm lưu trữ kỹ thuật số và một nhà sản xuất chip đã tăng mạnh sau khi ra niêm yết vào ngày 5/8. Các đợt IPO của các công ty công nghệ này đã huy động được tổng cộng 1,1 tỷ USD.

Brian Freitas, nhà phân tích của nền tảng nghiên cứu độc lập Smartkarma ở Auckland cho biết, rất nhiều cổ phiếu hiện đang được tung ra thị trường ở Trung Quốc “là từ lĩnh vực công nghệ, mà các nhà đầu tư có vẻ háo hức mua vì điều này thể hiện sự tập trung vào việc xây dựng khả năng tự phát triển của quốc gia”.

Tin bài liên quan