Các vấn đề chung của trái phiếu doanh nghiệp cũng là vấn đề của hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng

Các vấn đề chung của trái phiếu doanh nghiệp cũng là vấn đề của hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng

Trái phiếu doanh nghiệp: ngân hàng có nên buộc phải giám sát mục đích sử dụng vốn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nên giám sát, theo dõi, đánh giá mục đích sử dụng vốn của tổ chức phát hành. Đó là một trong những khuyến nghị của ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings.

Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra những vi phạm của các tổ chức tín dụng trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là thẩm định sơ sài, chưa chặt chẽ, chưa chính xác… Là đơn vị đã và đang thực hiện xếp hạng tín nhiệm các tổ chức phát hành trái phiếu, ông có nhận định gì?

Chúng tôi không có được thông tin cụ thể về những vi phạm của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên, nếu có thì theo chúng tôi, một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới hình thành và tăng trưởng mạnh trong 5 năm trở lại đây. Các vấn đề chung của trái phiếu doanh nghiệp cũng là vấn đề của hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, bởi ngân hàng là nhóm nhà đầu tư sở hữu lớn trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường.

Ngoài ra, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng mua bán trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 16/1/2022, nên các vấn đề phát sinh trong đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng có thể phát sinh từ trước đó.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings.

Chúng tôi cho rằng, với quy định mới tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN, hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có công tác thẩm định, đánh giá rủi ro của ngân hàng sẽ được thực hiện tốt hơn. Bên cạnh việc quy định các yêu cầu để tổ chức tín dụng có thể tham gia mua bán trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng được yêu cầu phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ đối với việc đánh giá rủi ro tín dụng trái phiếu doanh nghiệp. Hiện chúng tôi đang làm việc với một số tổ chức tín dụng để tư vấn và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ nhằm phục vụ công tác quản trị rủi ro trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với các hoạt động xếp hạng tín nhiệm độc lập thì xếp hạng tín nhiệm nội bộ sẽ là yếu tố quan trọng để hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng và quản trị rủi ro tín dụng được thực hiện tốt hơn. Thực tế, một doanh nghiệp không chỉ vay tín dụng ngân hàng mà có cả hoạt động phát hành trái phiếu mà bên mua không phải là ngân hàng. Do đó, việc kết hợp sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm nội bộ và độc lập bên ngoài sẽ giúp các tổ chức tín dụng quản trị rủi ro tốt hơn, đặc biệt là rủi ro vỡ nợ chéo, hoặc các hoạt động tái tài trợ, hoặc dịch chuyển vốn giữa hai kênh tín dụng ngân hàng và kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông, những lý do nào khiến các tổ chức tín dụng “lỏng lẻo” trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp?

Theo chúng tôi, lý do là khuôn khổ pháp lý về thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện và quy định hướng dẫn chi tiết hơn của Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư 16/2021/TT-NHNN mới đi vào hiệu lực. Bên cạnh đó, các quy định về phía tổ chức phát hành trái phiếu đang trong quá trình hoàn thiện và sửa đổi như Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Lý do cũng có thể xuất phát từ thực tế áp dụng và thông lệ quản trị rủi ro cũng như chính sách của mỗi tổ chức tín dụng. Chúng tôi ghi nhận một số ngân hàng có hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhưng ở quy mô thấp so với tổng dư nợ tín dụng và trái phiếu đó có chất lượng cao hơn so với danh mục trái phiếu của tổ chức tín dụng khác.

Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng vốn sai mục đích. Theo ông, tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu nên ứng xử như thế nào?

Ngân hàng là nhóm nhà đầu tư sở hữu lớn trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường.

Về bản chất, trái phiếu doanh nghiệp cũng là một phần của tín dụng ngân hàng, chịu sự điều chỉnh của các quy định liên quan đến quản trị rủi ro tín dụng, trong đó có hoạt động giám sát và theo dõi mục đích sử dụng vốn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước áp dụng cho các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, trái phiếu là một sản phẩm nợ thường có kỳ hạn dài hơn tín dụng cho vay của ngân hàng. Đáng lưu ý, có nhiều giao dịch trái phiếu doanh nghiệp nhưng bản chất lại là tín dụng cho vay.

Do đó, tổ chức tín dụng nên giám sát, theo dõi, đánh giá mục đích sử dụng vốn của tổ chức phát hành trái phiếu. Việc này là cần thiết trong bối cảnh nền tảng “cứng” và “mềm” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Khi các trái phiếu được giao dịch tập trung, công bố thông tin được thực hiện tốt hơn, đặc biệt là được xếp hạng tín nhiệm độc lập thì lúc đó Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc thay đổi các quy định về quản trị rủi ro tín dụng đối với trái phiếu doanh nghiệp cho hợp lý hơn.

Có ý kiến cho rằng, thị trường tiền tệ là nơi cung cấp vốn ngắn và trung hạn, còn thị trường trái phiếu là nơi cung cấp vốn dài hạn nên việc tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là không hợp lý. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Không nên cứng nhắc hiểu như thế, mặc dù vai trò của các tổ chức tín dụng là tập trung vào tín dụng ngắn và trung hạn. Cấp vốn ngắn và trung hạn là ưu tiên chính của tổ chức tín dụng, nhưng thông lệ quốc tế và thực tế yêu cầu hoạt động phân bổ tài sản và quản theo trị rủi ro thì các tổ chức tín dụng có thể tham gia mua bán hoặc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Với các tổ chức tín dụng hoạt động theo mô hình thiên về ngân hàng đầu tư thì việc mở rộng tỷ trọng đầu tư vào loại trái phiếu này là thông lệ quốc tế. Vấn đề đặt ra là các tổ chức tín dụng cần tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro trong việc phân bổ tài sản vào trái phiếu, đồng thời xây dựng tiêu chí đầu tư và quản trị rủi ro trái phiếu.

Thông tư 16/2021/TT-NHNN đã có những quy định chi tiết về việc các tổ chức tín dụng mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Ví dụ, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% (theo kỳ phân loại gần nhất) mới được tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các quy định khác như doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất.

Để giúp hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng không vướng vào các vi phạm, rủi ro, ông có gợi ý gì?

Các quy định hiện tại của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có Thông tư 16/2021/TT-NHNN là rất rõ ràng. Các tổ chức tín dụng thực hiện theo yêu cầu đó thì theo chúng tôi, nợ xấu phát sinh do đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, trong dài hạn, việc phân bổ tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp bởi các tổ chức tín dụng nên hướng tới các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Chẳng hạn, việc xác định tỷ lệ phân bổ tài sản, tiêu chí đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và quản trị rủi ro dựa trên xếp hạng tín nhiệm nội bộ hoặc độc lập. Nói cách khác là dựa vào chất lượng tín dụng của doanh nghiệp, thay vì tập trung vào chất lượng tài sản thế chấp. Một trong các ứng dụng đó là dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập và áp dụng theo phương pháp chuẩn hóa (standardized approach) trong quản trị rủi ro tín dụng của Basel II. Dĩ nhiên, điều này chỉ thực hiện được khi có nhiều doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm độc lập hơn được công bố ra thị trường bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa.

Có tình trạng trái phiếu doanh nghiệp dồn vào một số tập đoàn sân sau của các ngân hàng. Trong bối cảnh cần lành mạnh hóa “sân chơi”, theo ông, giải pháp riêng cho vấn đề này là gì?

Giải pháp căn cơ cho vấn đề này là câu chuyên minh bạch thông tin về đơn vị phát hành, bao gồm cả quan hệ sở hữu liên quan trực tiếp và gián tiếp. Bởi thực tế, có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng sau đó đầu tư hoặc cho vay hoặc tạm ứng dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị khác có liên quan.

Hiện tại, quy định về kê khai thông tin khi thực hiện phát hành và trong quá trình sử dụng vốn trái phiếu đang được hoàn thiện, ví dụ dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về trái phiếu phát hành riêng lẻ. Khi đó, không chỉ các tổ chức tín dụng mà các nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng như công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ trái phiếu, nhà đầu tư chuyên nghiệp và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể biết được. Qua đó, họ có thể tự tin hơn và có đủ thông tin để quyết định đầu tư, hoặc mua bán trái phiếu sau đó với mức lãi suất phù hợp với rủi ro của trái phiếu, trong đó có rủi ro sử dụng vốn nội bộ tập đoàn hoặc các đơn vị hay dự án liên quan đến tổ chức phát hành hoặc cổ đông của chính ngân hàng tham gia đầu tư đó.

Tin bài liên quan