Trái phiếu doanh nghiệp vẫn có dư địa lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu vốn trung dài hạn của các doanh nghiệp là rất lớn nên khi khắc phục được những “vấp váp” ban đầu, chắc chắc thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh.
Ông Trần Minh Giang, Trưởng ban Chiến lược và Phát triển, Sở GDCK Việt Nam (VNX)

Ông Trần Minh Giang, Trưởng ban Chiến lược và Phát triển, Sở GDCK Việt Nam (VNX)

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 1,25 triệu tỷ đồng, tương đương với 13,2% GDP; trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chiếm khoảng 96,3%, phát hành ra công chúng chỉ chiếm khoảng 3,7%. Trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu được phát hành qua kênh phát hành riêng lẻ, với tổng khối lượng phát hành trong cả giai đoạn (tính từ 01/01/2019 đến 31/12/2022) đạt gần 1,68 triệu tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nguồn cung hàng hóa chủ yếu đến từ hoạt động phát hành riêng lẻ, đây cũng là cơ cấu thị trường cần phải có giải pháp để điều chỉnh mạnh mẽ.

Tuy nhiên đến nay, việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vẫn được thực hiện theo hình thức phi tập trung, theo đó, nhà đầu tư chuyên nghiệp muốn giao dịch sẽ phải đăng ký qua công ty chứng khoán. Điều này khiến cho hoạt động này không có thanh khoản cao, nhưng quan trọng hơn là tiềm ẩn các rủi ro khác như thiếu tính minh bạch, thông tin bất cân xứng, tạo điều kiện cho các thủ thuật lách luật, từ đó gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh việc nâng cấp chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp, việc đưa vào vận hành thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ từ 19/7 cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý nói chung và các Sở GDCK nói riêng trong việc tăng cường tính hiệu quả và minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía VNX, chúng tôi đã ban hành các Quy chế để đưa thị trường vào vận hành, bao gồm Quy chế giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Quy chế thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động là nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán triển khai xây dựng hệ thống giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Việc triển khai xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở GDCK Hà Nội, hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam được lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo sát sao cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bao gồm các Nghị định, Thông tư..., góp phần giúp thành viên thị trường, công chúng đầu tư có thêm thông tin về thị trường từ sơ cấp đến thứ cấp, tăng tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp, qua đó cũng giúp cơ quan quản lý đưa ra các chính sách quản lý và phát triển thị trường hiệu quả, minh bạch.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đi vào hoạt động sẽ giúp nâng cao thanh khoản cho sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp và mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia. Về phía doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ là một kênh huy động vốn ngoài các kênh truyền thống như tín dụng ngân hàng, huy động vốn qua thị trường cổ phiếu. Về phía cơ quan quản lý, việc quản lý tập trung thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ giúp cơ quan quản lý có thông tin đầy đủ và cái nhìn tổng thể hơn về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Tiềm năng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam còn rất lớn. Theo báo cáo của ADB vào tháng 6/2023, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp so với GDP của Việt Nam còn khá thấp so với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và thị trường đang phát triển ở Đông Á (lần lượt là 26,1%, 36,3%, 53,6%, 87,7%, 47,7% và 36,7%).

Bên cạnh đó, sau những vụ việc vừa xảy ra, Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đưa vào khuôn khổ, từ đó phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách an toàn, công khai, minh bạch. Vì vậy, trong tương lai, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ còn nhiều dư địa phát triển.

Tin bài liên quan