Thông tin về vàng bị trộn volfram đã làm rúng động thị trường vàng trong nước

Thông tin về vàng bị trộn volfram đã làm rúng động thị trường vàng trong nước

Trị lạm phát bằng “đòn” tâm lý: Bài học từ... volfram

Giá như thông tin về vàng độn volfram và một số kim loại nặng khác đến với dư luận vào thời điểm sớm hơn, như vào thời kỳ tháng 11/2009 chẳng hạn, thì có thể đã không xảy ra những vũ điệu “điên loạn” của giá vàng.

Bởi, chẳng ai dại gì vì lo lạm phát mà đổ xô đi mua vàng về tích trữ, trong khi chưa biết chắc được thứ của cải dành dụm ấy có hoàn toàn là thật hay không.

 

Và trong khi Ngân hàng Nhà nước vất vả chống đỡ với những phản ứng từ dư luận khi xây dựng Nghị định về quản lý kinh doanh vàng miếng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần phải trần tình về việc Nhà nước không cấm quyền tích trữ vàng của dân, chủ trương siết kinh doanh vàng miếng của Chính phủ cũng chỉ được tiến hành rất thận trọng để không gây sốc cho thị trường... thì, chỉ một thông tin về vàng bị trộn volfram, đã có hiệu ứng ngay tức thời.

 

Thông tin này khiến thị trường vàng miếng trong nước, như nhận định của ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, “lâm vào thời điểm khủng hoảng. Doanh số mua bán vàng miếng tại nhiều doanh nghiệp giảm một nửa so với trước, thậm chí có đơn vị chỉ còn 30-40%, đứng trước nguy cơ đóng cửa, hoặc chuyển nghề”.

 

Thái độ của người dân cũng tương tự như vậy. Ông Châu còn cho rằng, kinh doanh vàng rơi vào tình trạng “khủng hoảng” chính là do tâm lý của khách hàng.

 

Mới đây, Vụ  trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng khi trao đổi với báo chí  đã cho hay “hiện cũng có ý kiến cho rằng, dù  tiền rút về thì lạm phát Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của vàng và USD. Một lượng lớn ngoại tệ và vàng đang giao dịch trên thị trường và đó cũng là phương tiện thanh toán. Rút tiền về, kỳ thực vẫn còn những phương tiện thanh toán kia. Người ta nói thế cũng phần nào có lý. Hiện nay, ngoài các nguyên nhân lạm phát cầu kéo, chi phí đẩy thì nước ta vẫn bị lạm phát “tâm lý”, chưa hết được”.

 

Chính vì thế, khi thị trường vàng miếng đột ngột lâm vào thời kỳ khủng hoảng, thì gánh nặng về lạm phát, trong đó có lạm phát tâm lý, cũng sẽ được trút bớt.

 

Thông tin về vàng tạp chất có thể xem là một bài học “vàng” trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tâm lý. Dù rằng, có vẻ như để kiềm chế loại lạm phát này, cần phải có thêm rất nhiều “sáng kiến”, chứ không thể chỉ trông chờ vào những sự việc tình cờ như phát hiện ra volfram.

 

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói rằng trong việc kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh bị tác động của yếu tố tâm lý, Chính phủ cần phải nỗ lực trong việc tạo niềm tin cho dân chúng qua hệ thống thông tin tuyên truyền: “Có những thời điểm, khi mà hàng loạt tờ báo “ùa” vào đưa tin giá cả đồng loạt tăng, thì đó chính là tạo ra áp lực tâm lý. Trong trường hợp ngược lại, thì hiệu quả của việc giảm áp lực tâm lý cũng là rất lớn”.

 

Ông Thiên cho rằng để tạo được niềm tin này, Chính phủ luôn phải chú ý đến sự công khai, minh bạch trong trong điều hành chinh sách cũng như giải trình chính sách: “Kinh nghiệm cho thấy, lúc nào Chính phủ thực thi điều này tốt thì có tác dụng tốt. Ví dụ, lần đầu tiên chúng ta công khai dự trữ ngoại tệ, lập tức kỳ vọng tỷ giá thay đổi, hoặc sau lần tuyên bố gói kích cầu 1 tỷ USD rồi 6 tỷ USD, 8 tỷ USD, lòng tin doanh nghiệp tăng lên”.

 

Bình luận về giá  điện tăng lên hồi đầu tháng 3 vừa qua, một vị Thứ trưởng Bộ Công Thương đã tỏ ra bất bình khi “một bát phở trước đây giá 15.000 đồng, khi giá điện tăng thì cũng tăng giá lên 20.000-25.000 đồng trong khi tỷ trọng điện trong chi phí để làm ra bát phở rất nhỏ” và nhận định rằng “trên thực tế, có sự tăng giá theo tâm lý, một yếu tố rất khó dự đoán và tính toán, không như kiểu thẳng tuột giá điện tăng trung bình 6,8% thì giá các mặt hàng công nghiệp tăng trung bình không quá 1%...”.

 

Trong khi, Bộ Công Thương có thể thừa sức tiến hành một khảo sát, đánh giá để xem những mặt hàng tương tự như bát phở mà vị Thứ trưởng kia phải phàn nàn, có tỷ trọng bao nhiêu điện phải tiêu tốn vào đó để giá phải tăng từ 15.000 lên 20.000 - 25.000 đồng như vậy...

 

Hồi đầu tháng 4, với mong muốn giúp cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo vợi bớt nỗi ám ảnh về lạm phát, Chính phủ đưa ra “gói” hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng thu nhập thấp, đời sống khó khăn 3.100 tỷ đồng. Số tiền không nhiều, nhưng có thể xem như một sáng kiến có tác dụng gián tiếp trong giảm áp lực lạm phát, nhất là yếu tố lạm phát tâm lý là rất lớn.

 

Nhưng hẳn rằng ngân sách Nhà nước có hạn, Chính phủ không thể nào một mình giảm nhiệt lạm phát tâm lý cho dân. Tình cờ hay không tình cờ, thì rõ ràng thị trường vẫn cần nhiều hơn nữa những thông tin tương tự như thông tin vàng trộn tạp chất.