Trong sóng cả vẫn vững tay chèo

Trong sóng cả vẫn vững tay chèo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp sức ép từ thị trường quốc tế và những bất ổn địa – chính trị hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cho tới thời điểm này vẫn giữ được sự ổn định và hứa hẹn sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong năm nay và các năm tiếp theo, nhờ những quyết sách kịp thời của giới điều hành chính sách.

Sức ép từ thị trường quốc tế

Theo số liệu thống kê sơ bộ vừa được công bố bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu, trong tháng 5, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục 8,1%, từ mức 7,4% của tháng 4 và cao hơn mức dự báo 7,8%.

Theo đó, lạm phát tại một số nền kinh tế chủ chốt của khu vực cũng đã tăng ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Chẳng hạn như Đức chứng kiến tỷ lệ lạm phát ở mức 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó ở Pháp là 5,8%, tăng so với mức 5,4% của tháng 4; ở Tây Ban Nha là 8,5%.

Nguyên nhân chủ yếu là do giá năng lượng tăng tới 39,2% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 37,5% hồi tháng 4; giá lương thực tăng 7,5%.

Nếu loại bỏ sự tăng giá của nhóm năng lượng và lương thực thì tỷ lệ lạm phát của khu vực này vẫn đứng ở mức 3,5-3,8%. Giá cả hàng hóa leo thang trong những tháng gần đây có nguyên nhân chủ yếu từ cuộc xung đột Nga - Unkraine, đặc biệt là giá năng lượng và lương thực, do các quốc gia phương Tây thực thi lệnh phong tỏa kinh tế đối với Nga, đẩy giá dầu và khí đốt trên thị trường thế giới tăng cao.

Việc Trung Quốc nới lỏng lệnh phong tỏa do đã phần nào khống chế được sự lây lan của dịch Covid-19 tại một số địa phương cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu và khí đốt của quốc gia này, từ đó gây sức ép lên giá cả của mặt hàng chiến lược này.

Trên thị trường quốc tế, thời điểm 14h30 ngày 31/5 theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,24%, lên 118,69 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng tăng 1,32%, lên 123,36 USD/thùng. Như vậy là giá dầu thế giới đã về lại đỉnh 14 năm đạt được hồi tháng 3.

Lạm phát cao xảy ra không chỉ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu mà còn ở cả Mỹ và Anh, gây đau đầu cho ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế lớn này.

Trong một cuộc họp hồi đầu tháng 5, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde, cho biết tổ chức này đang cân nhắc tới việc nâng lãi suất điều hành tại cuộc họp vào tháng 7 tới.

“Dựa vào triển vọng kinh tế hiện nay, chúng ta có thể phải từ bỏ chính sách lãi suất âm vào cuối quý III”, bà Lagarde cho biết.

Kinh tế trưởng của Goldman Sachs tại khu vực châu Âu, ông Jari Stehn, hôm thứ Ba tuần này cho rằng, ECB sẽ nâng lãi suất tiền gửi lên 25 điểm sau mỗi lần họp trong năm tới, đồng nghĩa với việc lãi suất tại khu vực này sẽ tăng từ mức âm 0,5%/năm hiện nay lên 1,5%/năm vào năm 2023.

Trước đó, hồi đầu tháng 5 Cục dự trữ liên bang Mỹ cũng đã lần đầu tiên trong nhiều năm nâng lãi suất điều hành thêm 50 điểm và dự báo sẽ áp dụng mức tăng này thêm nhiều lần nữa nếu lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này chưa được kéo xuống mức 2%.

Các chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định rằng, lạm phát cao xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã, đang và sẽ gây ra những khó khăn cho việc điều hành chính sách tài chính và tiền tệ của các chính phủ. Bởi nếu không điều hành một cách đúng đắn, kịp thời, nó sẽ xóa đi mọi thành quả phát triển mà các chính phủ đã đạt được trong nhiều năm qua.

Vượt qua bão tố

Tại diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính" diễn ra vào ngày 12/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhận định, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng qua 4 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam về cơ bản tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, kết thúc quý I/2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, từ đầu năm đến nay, các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và các năm tiếp theo.

Theo đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. IMF dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P mới đây nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định. Triển vọng ổn định Việt Nam thể hiện trong 12 đến 24 tháng tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn thách thức sau đại dịch. S&P cũng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam vào khoảng 6,9%, trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng bước vào giai đoạn phục hồi hậu quá trình thanh lọc, phát triển ngày càng minh bạch và đi vào chiều sâu hơn.

Tin bài liên quan