Phun diệt khuẩn ngừa Covid-19 ở thành phố Tây An, Trung Quốc. Ảnh: VCG.

Phun diệt khuẩn ngừa Covid-19 ở thành phố Tây An, Trung Quốc. Ảnh: VCG.

Trung Quốc kiên định “zero Covid”, chờ đợi các loại thuốc và vaccine mới hiệu quả hơn

0:00 / 0:00
0:00
Cách tiếp cận “không ca mắc Covid-19” của Trung Quốc có khả năng sẽ khiến cho biến thể Omicron không bùng nổ bên trong lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cảnh báo Trung Quốc cần một chiến lược dài hơi trong bối cảnh Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu.

Điểm nóng Tây An

Trung Quốc hiện đang phải vật lộn với sự lây lan của Covid-19 ở thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Sơn Tây nằm ở tây bắc quốc gia này. Tại đây, có gần 1.700 người mắc bệnh Covid-19 chỉ trong 2 tuần trong đợt bùng phát SARS-CoV-2 tệ hại nhất kể từ khi đại dịch này bắt đầu cách đây 2 năm.

Cho tới nay, các ca bệnh mới có triệu chứng đã giảm xuống dưới 100 ca (vào hôm 3/1/2022) – lần đầu tiên kể từ ngày 24/12/2021. Tuy nhiên cái giá phải trả là rất lớn – cả thành phố đông tới 13 triệu dân này đã phải phong tỏa trong gần 2 tuần, khiến người dân ít nhiều bức xúc về vấn đề lương thực và tình trạng khan hiếm các mặt hàng khác.

Trung Quốc là thành trì cuối cùng của thế giới vẫn thực hiện cách tiếp cận không khoan nhượng đối với Covid-19. Hầu hết các nước khác sẵn sàng đối đầu với biến thể Omicron có mức biến chủng cao, còn nhiều nước giàu trông chờ vào việc tiêm chủng nói chung và tiêm chủng tăng cường nói riêng để giảm mức độ nhập viện.

Mỹ ghi nhận 2 triệu ca mắc mới trong tuần qua, vượt xa mức kỷ lục trước đó là 1,7 triệu ca trong thời gian từ 3-9/1/2021, theo USA Today. Omicron chiếm khoảng 59% tất cả các ca mắc mới ở Mỹ trong tuần kéo dài đến ngày 25/12/2022, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.

Bất chấp số ca bệnh gia tăng, các nước như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Ireland, và Hy Lạp đã rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhiễm bệnh nhằm giảm thiểu tác động lên xã hội và kinh tế.

Các nước này đặt hy vọng vào tỷ lệ tiêm chủng cao và triệu chứng nhẹ do Omicron mặc dù các chuyên gia y tế hàng đầu như Anthony Fauci (chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm) đã cảnh báo rằng các bệnh viện có thể bị quá tải do số ca nhiễm tăng vọt.

Khoảng 85% dân số Trung Quốc đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, loại vaccine bất hoạt sử dụng phổ biến ở Trung Quốc có vẻ ít tác dụng bảo vệ trước biến thể mới của SARS-CoV-2.

Một số nghiên cứu sơ bộ ở Trung Quốc chỉ ra rằng tác dụng bảo vệ của vaccine bất hoạt Trung Quốc được cải thiện bằng mũi tiêm thứ 3. Mặc dù vậy, Huang Yanzhong – Giám đốc Trung tâm Y tế toàn cầu tại Đại học Seton Hall ở New Jersey (Mỹ) cho biết, ngay cả khi tiêm mũi tăng cường, mức kháng thể trung hòa của vaccine bất hoạt này vẫn thấp hơn mức kháng thể do các vaccine hiện đại theo công nghệ mRNA tạo ra.

Mặt khác, ông Huang cho biết, Trung Quốc vẫn có vẻ tự tin với sách lược chống Covid-19 của họ hiện nay, và bất cứ sự phản đối nào ở ngắn hạn cũng sẽ không làm dao động chính sách hiện nay.

“Họ thực hiện chiến lược đó lên tới giới hạn cao, dựa vào các biện pháp phong tỏa, thực hiện nhiều vòng xét nghiệm để xác định tất cả các ca nhiễm và cách ly những người nhiễm”.

Chính phủ Trung Quốc sau đó sẽ tuyên bố chiến thắng khi họ dập được các ổ dịch, ca ngợi các nỗ lực dũng cảm của đội ngũ y tế.

Trung Quốc đang cố gắng giữ vững thế trận ít nhất ở ngắn hạn

Cho tới nay, Trung Quốc mới báo cáo có một số lượng nhỏ ca mắc Omicron, đa phần là ca nhập cảnh. Thành phố Thiên Tân ghi nhận ca nhập cảnh đầu tiên vào tháng 12/2021, tiếp theo là một ca nữa ở Quảng Châu, và 2 ca nữa ở thành phố Trường Sa – thủ phủ tỉnh Hồ Nam ở miền trung Trung Quốc.

David Heymann – một giáo sư về dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm ở Trường Vệ sinh và Bệnh nhiệt đới London, cho biết, dù Omicron có mức độ lây lan cao, cách xử lý gắt gao của Trung Quốc có khả năng sẽ ngăn chặn biến thể này lây lan trong lãnh thổ Trung Quốc.

Nhưng đồng thời, Heymann cho rằng Trung Quốc vẫn cần đến một chiến lược dài hạn.

Heymann phân tích thêm: “Về ngắn hạn, Trung Quốc đã chứng tỏ họ làm được điều này bằng cách huy động thật nhiều, thật nhiều lực lượng để truy vết và ngăn ngừa virus xâm nhập. Nhưng về dài hạn, tôi không rõ chiến lược của Trung Quốc là gì”.

Ông Huang cho rằng chính phủ Trung Quốc phải tính toán các chi phí dài hạn và ngắn hạn cho việc duy trì lối tiếp cận zero ca mắc. “Chúng ta không biết liệu đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài thêm 2 hoặc 3 năm nữa hay không, điều này có thể khiến Trung Quốc bị cô lập trên trường quốc tế”.

Trước mắt, Trung Quốc sẽ phải bảo đảm không có sự cố bất ngờ nào khi đăng cai Thế vận hội mùa Đông vào tháng 2/2022. Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc sắp tới cũng được xem là một yếu tố khiến Trung Quốc kiên định với chiến lược Covid-19 hiện nay.

Theo nhận định của ông Huang, Trung Quốc có thể đang cố gắng tạo thêm thời gian an toàn trước khi có các loại thuốc và vaccine hiệu quả mới được phát triển.

Tin bài liên quan