Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Trung Quốc “tô xanh” chứng khoán Âu, Mỹ

(ĐTCK) Thông tin Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc giúp chứng khoán Âu, Mỹ hồi phục mạnh trong phiên đầu tuần, trong khi không cứu được chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải tránh khỏi phiên giảm mạnh. Đồng USD tăng mạnh đã ép giá vàng đảo chiều giảm trở lại.

Gần 76% số doanh nghiệp trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh có lợi nhuận vượt dự đoán của các chuyên gia, cao hơn mức 70% của trung bình 4 quý gần nhất. Tuy nhiên, chỉ có 47% số doanh nghiệp vượt kỳ vọng doanh thu, thấp hơn mức 58% trung bình 4 quý.

Các kết quả kinh doanh quý này của cáccông ty đa quốc Mỹ đã bị tổn thương bởi sức mạnh bất thường của đồng USD, trong đó đồng bạc xanh tăng 0,44% so với rổ tiền tệ chủ chốt vào thứ Hai và nếu tính từ đầu năm, đồng USD đã tăng 8%.

Mặc dù kết quả kinh doanh thận trọng, nhưng với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại để kích thích nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, giúp giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ hứng khởi, qua đó giúp phố Wall hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần, lấy lại gần hết những gì đã đánh mất trong phiên cuối tuần trước.

Nhóm cổ phiếu công nghệ như Apple, IBM, những cổ phiếu dẫn dắt thị trường cũng có mức tăng tốt đầu tuần. Trong tuần này, nhiều đại gia công nghệ khác sẽ công bố kết quả kinh doanh và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới phố Wall như Facebook, Microsoft, Amazon.com, Google, Qualcomm.

Kết thúc phiên 20/4, chỉ số Dow Jones tăng 208,63 điểm (+1,17%), lên 18.034,93 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,22 điểm (+0,92%), lên 2.100,40 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 62,79 điểm (+1,27%), lên 4.994,60 điểm.

Tương tự phố Wall, thông tin Trung Quốc nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế cũng giúp chứng khoán châu Âu phục hồi mạnh trong phiên đầu tuần. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là thị trường nhập khẩu lớn của các doanh nghiệp châu Âu, vì vậy, những thông tin kinh tế từ quốc gia này có tác động lớn tới chứng khoán châu Âu. Ngoài thông tin từ Trung Quốc, thì thông tin M&A trong lĩnh vực viễn thông cũng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán khu vực tăng mạnh phiên đầu tuần, bất chấp những lo ngại về vấn đề nợ của Hy Lạp.

Kết thúc phiên 20/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 57,5 điểm (+0,82%), lên 7.052,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 203,21 điểm (+1,74%), lên 11.891,91 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 44,33 điểm (+0,86%), lên 5.187,59 điểm.

Không khả quan như chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á lại chủ yếu chìm trong sắc đỏ trong phiên đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầy biến động, nhưng đà giảm được hãm bớt nhờ thông tin từ Trung Quốc. Trong khi đó, cả thị trường chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đều giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất 4 tháng do ảnh hưởng của sự sụt giảm mạnh nửa cuối phiên chiều của thị trường chứng khoán đại lục, bất chấp thông tin PBOC nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 20/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 18,39 điểm (-0,09%), xuống 19.634,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 558,19 điểm (-2,02%), xuống 27.094,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 70,22 điểm (-1,64%), xuống 4.217,08 điểm.

Trong khi dầu và chứng khoán hồi phục, thì giá vàng lại đi theo chiều ngược lại. Việc đồng USD tăng mạnh tới 0,44% trong phiên đầu tuần chính là sức ép đối với giá vàng. Ngoài ra, chứng khoán tăng mạnh cũng khiến sức hấp dẫn của vàng cũng giảm đi. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn giữ nhận định lạc quan về xu hướng của giá vàng khi Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế, cũng như lo ngại về bất ổn địa chính trị tại châu Âu.

Kết thúc phiên 20/4, giá vàng giao ngay giảm 7,5 USD (-0,62%), xuống 1.195,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 9,6 USD/ounce (-0,8%), xuống 1.193,7 USD/ounce.

Giá dầu cũng hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần khi sản lượng trong kho dự trữ của Mỹ giảm trong tuần trước, che lấp nỗi lo về sản lượng gia tăng của Ả Rập Saudi.

Kết thúc phiên 20/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,64 USD/thùng (+1,14%), lên 56,38 USD/thùng. Giá dầu thô Brent đứng yên ở mức 63,45 USD/thùng.

Tin bài liên quan