Chính sách tiền tệ chỉ đạt mục tiêu nếu được truyền thông rộng rãi khiến công chúng thấu hiểu.

Chính sách tiền tệ chỉ đạt mục tiêu nếu được truyền thông rộng rãi khiến công chúng thấu hiểu.

Truyền thông chủ động giúp “chi phí” điều hành… rẻ hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương trong cuộc trò chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán. 

Thị trường tài chính là thị trường nhạy cảm với thông tin, đặc biệt là thông tin về chính sách tiền tệ. Theo ông, điều quan trọng nhất khi truyền thông về chính sách tiền tệ là gì?

Đó là mức độ tín nhiệm, tin cậy của thông tin và được “đo” bằng các điều kiện sau: Thứ nhất, thông tin đưa ra phải chính xác; thứ hai, thông tin đưa ra không quá mơ hồ; thứ ba, thông tin đưa ra một cách công bằng, đại chúng.

Do không ai có thể chắc chắn về những gì sẽ diễn ra trong tương lai, đặc biệt là trên thị trường tài chính nên các ngân hàng trung ương thường ít khi đưa ra các cam kết cụ thể về những gì họ sẽ làm trong tương lai.

Ngược lại, nếu ngân hàng trung ương đưa ra các thông tin chung chung, không rõ xu hướng thì thông tin đó không sai nhưng cũng không có giá trị trong ra quyết định. Vì vậy, truyền thông trong điều hành thị trường tài chính là một nghệ thuật.

Thông tin phải có giá trị, giúp định hình kỳ vọng của thị trường, nhưng cũng không quá cụ thể để tạo dư địa cho cơ quan điều hành điều chỉnh kịp thời với những diễn biến thực tế của thị trường.

Theo đó, các thông tin của ngân hàng trung ương thường sẽ được thị trường tiếp nhận và định giá vào trong giá tài sản và quá trình định giá này lại cho phép ngân hàng trung ương theo dõi, đánh giá được tác động của chính sách dự kiến đưa ra.

Nếu tác động đúng theo kỳ vọng của cơ quan quản lý thì quyết định chính sách cuối cùng sẽ được đưa ra và lúc đó tác động của chính sách đã được thị trường hấp thụ từ trước nên không gây cú sốc đáng kể trên thị trường.

Như vậy, có thể hiểu rằng, ngân hàng trung ương cần phải sử dụng truyền thông như một công cụ điều hành chính sách tiền tệ?

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương.
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương.

Đúng vậy. Tác động của chính sách tiền tệ không trực tiếp lên mục tiêu điều hành, mà phải thông qua một số mục tiêu trung gian.

Ví dụ, để giảm tác động của lạm phát, ngân hàng trung ương không thể tác động trực tiếp lên giá cả hàng hóa, mà sẽ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để làm cho giá vốn của các ngân hàng thương mại đắt lên, qua đó sẽ giảm tín dụng, giảm cung tiền và điều này sẽ có tác động làm giảm áp lực lạm phát.

Vì vậy, hiệu quả chính sách tiền tệ phụ thuộc vào cơ chế truyền tải từ công cụ đến các mục tiêu trung gian và từ trung gian đến mục tiêu cuối cùng. Hiệu quả truyền tải chỉ có thể đạt được khi hầu hết thị trường phản ứng cùng chiều với mong muốn của cơ quan điều hành. Nếu thị trường không hiểu rõ định hướng chính sách, mỗi người phản ứng theo những cách khác nhau thì sẽ vô hiệu hóa tác động của chính sách.

Ví dụ, nếu không hiểu rõ đánh giá của ngân hàng trung ương về áp lực lạm phát hiện tại, có người sẽ cho rằng áp lực lạm phát đang cao và ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất nên sẽ tích cực huy động vốn.

Ngược lại, có người lại cho rằng lạm phát không đáng ngại nên ngân hàng trung ương có thể sẽ nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, do đó, họ sẽ hạn chế huy động mà tăng cho vay hiện tại. Những phản ứng trái chiều này sẽ vô hiệu hóa chính sách tiền tệ cả trong chống lạm phát và hỗ trợ tổng cầu.

Thêm vào đó, các chính sách trước khi được ngân hàng trung ương ban hành cần thăm dò tác động đến thị trường như thế nào, để điều chỉnh mức độ tác động của chính sách.

Theo ông, làm thế nào để truyền được thông tin chân thực và không gây cú sốc đối với thị trường?

Ngân hàng trung ương thường đưa ra những nhận định, đánh giá định kỳ về tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường, đặc biệt là những biến số mà ngân hàng trung ương phải kiểm soát như lạm phát, việc làm, tăng trưởng…

Những báo cáo của ngân hàng trung ương phải phản ánh trung thực những nhận định, đánh giá này, qua đó giúp thị trường hình thành kỳ vọng về xu hướng chính sách tiền tệ.

Ví dụ, ngân hàng trung ương đánh giá rằng lạm phát sắp tới có thể tăng mạnh, cơ quan này sẽ điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt. Nếu tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy giảm thì có thể hiểu rằng, sắp tới, chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng. Ngân hàng trung ương càng đưa ra nhiều đánh giá, thị trường càng có thêm những cơ sở để định giá dự báo này vào giá tài sản.

Cần chú ý, ngân hàng trung ương không nên gây bất ngờ cho thị trường thông qua việc điều hành chính sách không theo kỳ vọng. Ngân hàng trung ương cần cố gắng định hướng và nắn dần kỳ vọng của thị trường.

Có nhận định rằng “trong hệ thống tài chính, thông tin là tài sản, là một dạng giá trị”, ông có bình luận gì?

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, nếu ai nắm bắt được thông tin trước, đặc biệt là thông tin có tính quyết định thì người đó sẽ dễ dàng kiếm lợi từ những thông tin này. Những người nắm bắt thông tin sau sẽ bị thiệt hại. Để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, những quyết định chính sách quan trọng do một tập thể (ví dụ hội đồng) đưa ra, chứ một cá nhân đơn lẻ sẽ không thể tự quyết định. Điều này nhằm đảm bảo tính công khai, tính giải trình và chắc chắn rằng không ai có thể thao túng được quyết định đó.

Để đảm bảo mọi người đều được tiếp cận thông tin ngang nhau, không ai có thể trục lợi từ độc quyền thông tin thì cơ chế quyết định của hội đồng và sự tham gia tích cực của giới truyền thông đóng vai trò quyết định.

Thực tế cho thấy, sau khi quyết định điều hành của ngân hàng trung ương đưa ra, thường có cụm từ “độ trễ chính sách”. Ông có nhận định gì?

Tác động của chính sách có độ trễ, tức là thị trường chỉ phản ứng khi chính sách được ban hành. Tức là thị trường hầu như không có thông tin gì về xu hướng chính sách hoặc các thông tin có được không đáng tin cậy.

Điều này ngược với xu thế điều hành chính sách thông qua kỳ vọng và truyền thông. Nếu điều hành theo quản lý kỳ vọng thì khi chính sách chưa ban hành, thị trường đã phản ứng và tác động của chính sách đã có trước khi chính sách ban hành.

Ví dụ, ngân hàng trung ương nhận định là lạm phát đang cao, có lẽ cần phải siết chặt tiền tệ. Mặc dù ngân hàng trung ương chưa siết chặt tiền tệ nhưng thị trường dự kiến sắp tới lãi suất sẽ tăng, giá tài sản sẽ giảm; các ngân hàng thương mại sẽ tăng huy động, giảm cho vay khi lãi suất còn rẻ. Điều này làm cho cung tiền giảm và giảm áp lực lạm phát ngay cả khi ngân hàng trung ương chưa làm gì.

Ông từng đề cập đến việc truyền thông giúp chi phí điều hành rẻ hơn. Ông có thể giải thích thêm về nhận định này?

Khi thị trường có kỳ vọng sẽ có hành động sớm, theo đó tác động sẽ đến sớm như ví dụ trên. Hay như trong điều kiện kinh tế bất lợi, thị trường có những kỳ vọng khác nhau, càng cần thông tin để ổn định kỳ vọng của thị trường. Nhà điều hành cần đưa ra các cam kết để đảm bảo những lo lắng của thị trường sẽ không xảy ra.

Ví dụ ở Mỹ, khi nền kinh tế suy thoái trong bối cảnh Covid-19, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra tuyên bố: “Chấp nhận lạm phát vượt quá mức mục tiêu 2%, kể cả trong thời gian dài để đẩy tiền ra bằng mọi giá”. Như vậy, Fed đã làm cho thị trường hiểu động thái quyết liệt là lãi suất sẽ giảm sâu, theo đó, doanh nghiệp sẵn sàng cho những dự án đầu tư để đón làn sóng tiền rẻ. Như vậy có nghĩa, chính sách được kích hoạt từ sớm, chứ không đợi đến khi chính thức được ban hành.

Ngược lại, khi đối diện với lạm phát phi mã, Fed đã đưa ra các tuyên bố về việc tăng lãi suất, thậm chí là những thông điệp rất “diều hâu” để thị trường biết rằng lãi suất sẽ tăng rất nhanh. Thị trường thẩm thấu được thông tin lãi suất gia tăng giá tài sản sẽ giảm và phải có những biện pháp phòng ngừa, điều chỉnh để không phải chịu những cú sốc.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, mặc dù Fed nâng lãi suất rất nhanh và biên độ lớn nhưng hầu hết các ngân hàng thương mại đều kịp điều chỉnh để giảm thiểu tác động của sự sụt giảm giá tài sản khi lãi suất tăng cao. Trường hợp SVB bị phá sản vì không kịp điều chỉnh nhưng cũng không gây ra đổ vỡ hệ thống khi thị trường đã chủ động ứng phó với rủi ro này. Hay nói cách khác, nếu để các ngân hàng bị bất ngờ bởi truyền thông không đầy đủ thì có thể dẫn tới sự đổ vỡ của cả hệ thống.

Ông Nguyễn Tú Anh từng là Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Ông lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Kinh tế Paris 1 (Pháp).

Tin bài liên quan