Truyền thông doanh nghiệp có thể giúp cổ đông tránh được những cú rớt giá khi thị trường vào giai đoạn dowtrend.

Truyền thông doanh nghiệp có thể giúp cổ đông tránh được những cú rớt giá khi thị trường vào giai đoạn dowtrend.

Truyền thông và giá cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cổ phiếu biến động do động thái mua bán của nhà đầu tư. Cơ chế ra quyết định của họ chủ yếu là dựa trên thông tin, mà nguồn gốc hầu hết là từ doanh nghiệp.

Truyền thông tốt, định giá cổ phiếu tốt hơn

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Hà Đô (mã HDG), ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trải lòng: “Giá cổ phiếu HDG trên thị trường chưa tương xứng với năng lực và những thành quả mà Công ty mang lại, xuất phát từ khâu truyền thông”.

Đây không phải là lần đầu tiên Chủ tịch HDG nhắc đến câu chuyện này. Theo ông, giá cổ phiếu HDG có thể đạt mức cao hơn nhiều so với hiện tại nếu Công ty thực hiện tốt hơn công việc truyền thông, quảng bá doanh nghiệp ra bên ngoài.

Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp trong ngành thép cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hài hòa giữa việc phát triển kinh doanh với việc chia sẻ thông tin để cổ đông, nhà đầu tư hiểu rõ hơn về doanh nghiệp. Theo ông, “doanh nghiệp nói mà không làm là dở, nhưng làm mà không nói cũng không phải là tốt”.

“Trên sàn chứng khoán, có rất nhiều doanh nghiệp làm hình ảnh rất tốt, đưa ra các kế hoạch, các dự án, các chiến lược hợp tác trong và ngoài nước hoành tráng, nhưng thực tế tại doanh nghiệp thì rất nhiều tồn tại, khó khăn. Ngược lại, một số doanh nghiệp chỉ biết làm và làm, chỉ công bố những thông tin theo quy định của pháp luật, thậm chí còn cố gắng “giấu lãi”, vị này nhìn nhận.

Mối tương quan giữa truyền thông doanh nghiệp và biến động giá cổ phiếu thực chất rất chặt chẽ. Bởi lẽ, giá cổ phiếu dựa trên cung - cầu thị trường, trong khi cơ chế mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư lại dựa vào thông tin, trong đó chủ yếu vẫn dựa trên thông tin về nội tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, những doanh nghiệp chú ý tới quan hệ nhà đầu tư (IR), thường xuyên công bố thông tin về các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp luôn thu hút sự chú ý của cộng đồng đầu tư và các doanh nghiệp này cũng thường thuận lợi hơn trong việc gọi vốn.

Các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát (mã HPG), Vinamilk (mã VNM), Masan (mã MSN), Vĩnh Hoàn (mã VHC)… luôn được đánh giá cao về hoạt động truyền thông, ở cả khía cạnh PR (quan hệ công chúng) lẫn IR (quan hệ nhà đầu tư). Những công ty này thường thực hiện công bố thông tin khá thường xuyên. Một số doanh nghiệp bán lẻ như Thế giới Di động, FPT Retail… hàng tháng đều có các báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như doanh thu trên mỗi cửa hàng, các chuỗi cửa hàng liên quan, số cửa hàng mở mới, hiệu quả kinh doanh...

Còn nhớ, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Tập đoàn Hòa Phát, việc lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo về nhiều khó khăn của Công ty trong năm (khi vừa báo lãi kỷ lục trong năm 2021 và tiếp tục ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý đầu năm 2022) đã khiến một bộ phận nhà đầu tư không hài lòng. Tuy nhiên, với những gì diễn ra trên thị trường thép năm 2022 đã cho thấy tầm nhìn cũng như sự thẳng thắn, minh bạch của lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó tạo thêm niềm tin cho cổ đông vào “cổ phiếu quốc dân”.

Ngược lại, vẫn còn tồn tại hiện tượng doanh nghiệp chỉ truyền thông cho nhà đầu tư ở mức tối thiểu theo luật định, mà chưa chủ động tạo điều kiện để cổ đông hiểu hơn về doanh nghiệp. Công tác quan hệ cổ đông cần được nâng cao hơn nữa để cổ đông nhận thấy họ đang có cả một doanh nghiệp nỗ lực đầu tư số tiền mà họ gửi gắm.

Từ góc nhìn của chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân, truyền thông và giá cổ phiếu có mối liên hệ tích cực. Truyền thông là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn, gần gũi hơn đối với nhà đầu tư.

Đặc biệt, khi có những yếu tố tích cực, mang tính “thiên thời, địa lợi” đối với hoạt động của doanh nghiệp, truyền thông kịp thời còn giúp đẩy giá cổ phiếu. Bởi nhà đầu tư, kể cả các tổ chức chuyên nghiệp sẽ nâng kỳ vọng của mình lên trong các mô hình định giá. Thực tế thị trường chứng khoán trong nước cho thấy, truyền thông doanh nghiệp có thể giúp cổ đông tránh được những cú “rớt giá” khi thị trường vào giai đoạn downtrend.

Hiểu nhà đầu tư để làm tốt công tác truyền thông

Nhà đầu tư Nguyễn Minh nhận xét, nếu doanh nghiệp làm tốt công tác công bố thông tin, truyền thông, nhà đầu tư sẽ có cảm giác có nhiều dữ liệu để phân tích, từ đó yên tâm nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp hơn. Ngược lại, nhà đầu tư sẽ có cảm giác bị bỏ rơi nếu doanh nghiệp thờ ơ với việc cung cấp thông tin.

“Khi tiếp cận một cổ phiếu, tôi sẽ quan tâm đến triển vọng ngắn và dài hạn của doanh nghiệp. Tôi đặt yếu tố tăng trưởng và minh bạch của doanh nghiệp lên hàng đầu. Tôi cũng quan tâm đến những gì lãnh đạo nói và làm được”, ông Minh cho biết.

Nhà đầu tư này cũng kỳ vọng các công ty niêm yết công bố nhiều hơn thông tin cho nhà đầu tư, ngoài những thông tin theo luật định.

“Hiện nhiều doanh nghiệp mới chỉ “làm cho có”, thậm chí khi cổ đông cần các thông tin giải đáp thì không liên lạc được với người có trách nhiệm…”, ông phản ánh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập Finpeace chia sẻ, dưới góc độ của một nhà đầu tư thì thông tin cần quan tâm chia làm hai nhóm lớn, gồm định hướng phát triển dài hạn của doanh nghiệp và kết quả hoạt động ngắn hạn. Nhiều công ty niêm yết đã có bước tiến lớn trong công tác truyền thông về chiến lược dài hạn của doanh nghiệp tới cổ đông, nhà đầu tư. Chẳng hạn, thông qua báo cáo phát triển bền vững, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Vinamilk, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, Công ty cổ phần Thành Thành Công, Tập đoàn Petrolimex, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Tập đoàn PAN, Công ty cổ phần Everpia… đã giúp cổ đông hiểu rõ hơn về giá trị hiện tại cũng như triển vọng trong tương lai của doanh nghiệp mà mình tham gia sở hữu. Từ đó, cổ đông, nhà đầu tư có thêm niềm tin nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp này trong dài hạn cũng như chung vai góp vốn khi cần thiết.

Nhóm thông tin về kết quả kinh doanh ngắn hạn cũng hết sức quan trọng. Hiện tại, tốc độ cập nhật và chất lượng thông tin của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp. Nhà đầu tư cần có thông tin nhanh hơn đối với những thông tin chính như dòng doanh thu, bao gồm khách hàng quan trọng, hợp đồng lớn, doanh thu cập nhật, chi phí, lợi nhuận…

Khi tiếp cận thông tin doanh nghiệp, nhà đầu tư thường quan tâm đến các yếu tố liên quan đến tài chính doanh nghiệp, tức báo cáo tài chính gần nhất. Nhưng thực tế, báo cáo tài chính doanh nghiệp chỉ cung cấp những thông tin quá khứ của doanh nghiệp, trong khi đầu tư cổ phiếu dựa trên kỳ vọng tương lai.

Thêm vào đó, báo cáo tài chính cũng không cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ví dụ như tình hình thực hiện các dự án, triển vọng của các dự án này ra sao… Cho nên, với những nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ngoài việc tiếp cận báo cáo tài chính, họ sẽ tìm hiểu thêm thông tin từ chính doanh nghiệp.

Khuyến nghị được ông Hoàng Thạch Lân đưa ra, khi tiếp cận doanh nghiệp, trọng tâm của việc hỏi đáp nên là những thông tin về các dự án trong phạm vi 2 năm tới. Vì thông tin này cho biết triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như quan điểm, tầm nhìn của chủ doanh nghiệp về môi trường kinh doanh.

“Lý thuyết là thế, nhưng ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp thích “nổ” và hay đưa ra các dự án hết sức hoành tráng, tham vọng. Những thông tin này cần được so sánh với hiện trạng tài chính và năng lực của doanh nghiệp”, vị chuyên gia nói.

Tin bài liên quan