TS. Cấn Văn Lực: Năm nay, không quá lo về lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
TS. Cấn Văn Lực dự báo lạm phát năm 2023 chỉ trong ngưỡng 3,5 - 4% và có thể yên tâm để tập trung cho phục hồi và kích thích tăng trưởng.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/7, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, có nhiều ý kiến lo ngại việc nới lỏng chính sách tiền tệ sớm dẫn tới lạm phát, bất ổn.

Tuy nhiên, ông Lực khẳng định, “chúng ta năm nay không quá lo về lạm phát”.

Dẫn chứng 3 số liệu để củng cố niềm tin, TS. Cấn Văn Lực cho biết, theo tính toán số liệu đến ngày 30/6 thì cung tiền M2 của Việt Nam mới là 2,7%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức từ 4-5%, thậm chí là 7% của năm 2019.

“Tức là hiện nay việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp”, ông Lực nói.

Thứ hai là vòng quay tiền 6 tháng đầu năm chỉ là 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ tốt là trên 1 thì rõ ràng vòng quay tiền chậm nên cũng không lo lạm phát. Mặc dù từ nay đến cuối năm, lượng cung tiền được tung ra, vòng quay tiền nhanh hơn một chút, nhưng ông Lực khẳng định là không quá quan ngại.

Cuối cùng, theo TS. Cấn Văn Lực, mặt bằng giá cả của thế giới và Việt Nam năm nay về cơ bản tương đối ổn định. Bên cạnh đó, lạm phát của thế giới đang giảm, dẫn đến hiện tượng "nhập khẩu lạm phát" của Việt Nam từ bên ngoài và việc này cũng không đáng ngại.

“Lạm phát của chúng ta có lẽ chỉ ở mức độ khoảng 3,5 - 4% là cùng. Hết sức yên tâm câu chuyện lạm phát, để chúng ta yên tâm phục hồi và kích thích tăng trưởng”, ông Lực khẳng định.

Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới".

Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới".

Có chung quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, có 3 rủi ro khi nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng lạm phát không phải vấn đề quá lớn, mà là hai vấn đề: Dòng tiền đi vào đâu và tỷ giá.

“Cách đây 1-2 tuần, có thời điểm tỷ giá đồng Việt Nam tăng mạnh. Như vậy giới hạn của giảm lãi suất không phải chỉ vấn đề huy động tiền gửi mà còn là vấn đề tỷ giá và đằng sau đó là câu chuyện dịch chuyển vốn”, ông Thành nói.

TS. Võ Trí Thành phân tích, nếu đồng tiền trở nên “dễ dãi” thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà “đi chơi tài sản tài chính”.

“Điều này nếu diễn ra quá mức thì sẽ trở thành vấn đề, cho nên đây là một thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước”, ông Thành lưu ý.

Vì vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn, triển khai các gói hỗ trợ tín dụng mà không ảnh hưởng lớn đến tổng cung tiền, hướng đến các lĩnh vực như nhà ở xã hội, lâm thủy sản…

Tin bài liên quan