TTCK Việt Nam đang trong nhịp điều chỉnh để “tái định giá”

TTCK Việt Nam đang trong nhịp điều chỉnh để “tái định giá”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, CTCK VPBank (VPBankS) cho rằng, TTCK đang ở giai đoạn tích luỹ để bước vào giai đoạn “cất cánh”.

Chia sẻ tại hội thảo “Tích lũy vị thế - Sẵn sàng bùng nổ" do VPBankS tổ chức ngày 26/8/2023, ông Sơn cho rằng, thị trường đang trong nhịp điều chỉnh “tái định giá” mùa báo cáo KQKD đã qua đi và thời gian tới xu hướng thị trường sẽ được dẫn dắt bởi lợi nhuận kỳ vọng phục hồi dần vào 2 quý cuối năm 2023.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế của 1.030 công ty đại chúng đã giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 111.100 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2/3 tổng số doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm hoặc đi ngang. “Định giá theo P/E forward và P/B của Việt Nam vẫn đang ở mức hấp dẫn thấp hơn nhiều so với khu vực MSCI Emerging và một số quốc giá trong khu vực” chuyên gia VPBankS nhìn nhận.

Bên cạnh đó, ROE của Việt Nam cũng nằm trong những nước có ROE cao đồng thời P/E cũng ở mức hấp dẫn; thanh khoản cũng đã tăng tích cực trở lại, cùng với đó là lượng tài khoản mở mới.

Nhìn về bức tranh tăng trưởng vĩ mô trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023, theo VPBankS, dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng có nhiều tín hiệu cải thiện. Lạm phát có xu hướng giảm, nhưng lạm phát lõi vẫn đang là vấn đề nhức nhối với hầu hết các nền kinh tế. Xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục được duy trì cho đến hết năm nay. Hoạt động sản xuất toàn cầu suy giảm trong bối cảnh chi phí đi vay cao và thắt chặt tín dụng thị trường lao động vững chắc đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển, dập tắt nỗi lo suy thoái.

Ông Sơn chia sẻ, niềm tin của nhà đầu tư đang tăng trở lại, lạm phát giảm, lãi suất ngắn hạn giảm tác động vào pha tăng của thị trường trong giai đoạn vừa qua, giá bất động sản đang giảm về vùng đáy và có thể sẽ phục hồi trong một vài quý tới. Có thể thấy, thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn tích luỹ để bước vào giai đoạn “cất cánh”.

Nhìn vào các giai đoạn thị trường tạo đỉnh lớn như giai đoạn 2007 - 2008, 2018 - 2020 hay giai đoạn sau covid vừa qua, thị trường đã chạm đỉnh 1.500 điểm thì có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở sóng giảm lớn lần thứ 4 trong lịch sử với mức thấp nhất vào 16/11/2022, tương đương -42,8% kể từ đỉnh cao lịch sử. Nhìn lại về chu kỳ, quá trình từ đỉnh đến khi đáy thị trường được xác lập thường kéo dài trung bình 24 tháng.

Một biến số rất quan trọng để thị trường xác lập đáy và hồi phục trở lại đó là chính sách tiền tệ đảo ngược quay về trạng thái nới lỏng như lãi suất tạo đỉnh và đi xuống; các gói hỗ trợ/bơm tiền... Chỉ số VN-Index điều chỉnh tích lũy trước khi quay trở lại nhịp tăng mới.

“Trong khi nhiều quốc gia như Mỹ, các nước châu Âu sẵn sàng nâng lãi suất để đưa lạm phát về mục tiêu, thì các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đang theo chiến lược nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng khi liên tục hạ lãi suất. Đây là sự phân hoá chính sách tiền tệ giữa các khu vực kinh tế”, ông Sơn nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia cho biết, hiện đang có 3 khuynh hướng nhận định về triển vọng của nền kinh tế thế giới. Thứ nhất, theo Fitch Ratings, kinh tế thế giới đang đi xuống và năm 2024 sẽ khó tăng trưởng hơn năm 2023. Thứ hai, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới sẽ đi lên, năm 2024 sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2023. Thứ ba, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế đi ngang trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, xu hướng đi ngang và đi lên đang có phần thắng thế, mặc dù cần phải cảnh giác một số rủi ro.

“Tôi cũng đồng tình với xu hướng nền kinh tế thế giới đi ngang hay đi lên, và nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ, bởi theo thống kê trong 4 lần gần đây nhất, mỗi lần nền kinh tế thế giới khủng hoảng và đi lên, thì nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ hơn. Tôi ước tăng trưởng của Việt Nam có thể phục hồi và ước đạt 5,3-5,5% GDP năm 2023 và 6% trong năm 2024”, ông Nghĩa dự báo.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, theo TS. Lê Xuân Nghĩa do các yếu tố (1)FDI tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm; (2) Đầu tư công cũng là một động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ nay đến cuối năm; (3) Tiêu dùng nội địa khi nhu cầu du lịch đang tăng mạnh.

"Tại Việt Nam, chưa bao giờ, Chính phủ đặt sự quan tâm lớn khi cứu thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản và đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng hồi phục, ban hành hàng loạt các chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản trong thời gian qua…”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích tích ngành và cổ phiếu, VPBankS cũng cho biết, bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn 2 quý cuối năm 2023 sẽ có sự cải thiện so với 6 tháng đầu năm 2023, bởi một số yếu tố như tiêu dùng tăng, Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn cuối năm, hay đẩy mạnh xuất khẩu nên EPS của các doanh nghiệp niêm yết có thể tạo đáy trong quý 3.

Về nhóm cổ phiếu, theo đánh giá của chuyên gia VPBankS, ngân hàng, chứng khoán và bất động sản vẫn là nhóm cổ phiếu nhận được sự quan tâm lớn của thị trường. Đối với nhóm ngân hàng, VPBankS đánh giá cổ phiếu đáng chú ý dựa trên một số tiêu chuẩn để đánh giá khả năng phục hồi và tăng trưởng như: Chất lượng tài sản đã tốt sẵn và vẫn duy trì tích cực; Có triển vọng phục hồi NIM nhanh hơn trung bình ngành (casa, room tín dụng); Triển vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng đạt kế hoạch (NIM tích cực, hoặc có thu nhập ngoài lãi tích cực); Lợi thế của những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng 0 đồng (VCB-CBBank, MBB- Oceanbank, VPB-GPBank, HDB-DAB) sẽ có lợi thế hơn trong việc được cấp room tín dụng từ NHNN nhằm xử lý các ngân hàng yếu kém.

Những yếu tố được xem là “nền tảng nguồn lực” như bán vốn cho các cổ đông chiến lược (VPB, VCB, LPB, SHB,...); tái cơ cấu thành công (STB); hay được nâng room ngoại lên 49% sẽ là những chất xúc tác giúp giá cổ phiếu của các ngân hàng diễn biến tích cực trong ngắn hạn.

Trong khi với ngành bất động sản, theo VPBankS, các doanh nghiệp tiềm lực lớn, có thể tận dụng khó khăn trước mắt để vượt lên hay củng cố vị trí dẫn đầu; các doanh nghiệp định giá hấp dẫn trong dài hạn nhờ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ khi thị trường thuận lợi, các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, vị trí hấp dẫn, sản phẩm có cầu thực với tỷ lệ hấp thụ cao và đặc biệt là các doanh có sức khoẻ tài chính tốt.

Tin bài liên quan