Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD)

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD)

“Từ khóa” để sống khỏe

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp chọn cách hoạt động cầm chừng, hoặc ngủ đông chờ thời. Dưới góc nhìn của chuyên gia quản trị và nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhiều năm, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) đã chia sẻ “từ khóa” để doanh nghiệp có sức sống.

Thị trường chứng kiến sự đổ vỡ của không ít doanh nghiệp trong thời gian qua, có vẻ như quản trị công ty vẫn là điều gì đó khá xa vời với nhiều doanh nghiệp?

Có thể nói, sự phát triển của doanh nghiệp chưa bao giờ ngừng đối mặt với thách thức. Thách thức do điều kiện khách quan là bất ổn kinh tế toàn cầu, lĩnh vực ngành nghề hoạt động khó khăn hơn, còn yếu tố chủ quan là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu.

Chúng tôi đánh giá, chưa bao giờ doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay, thậm chí là còn nhiều hơn thời kỳ dịch Covid-19. Bởi vì, những nguồn lực mà doanh nghiệp có được để vượt qua biến cố “thiên nga đen” đã sử dụng hết. Giờ đây, doanh nghiệp phải lấy lại sức khỏe để trở lại đường đua thì họ phải đối mặt với các tác động lớn.

Cụ thể, tác động của biến cố địa chính trị trên thế giới do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine, cuộc đua ngôi vị số 1 toàn cầu về kinh tế của Mỹ và Trung Quốc... Trung Quốc tuyên bố sẽ trở thành nền kinh tế số 1 toàn cầu vào năm 2030, thực ra nước này không chỉ tuyên bố mà đã chuẩn bị cho điều đó. Trong khi đó, Mỹ đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới, mối quan tâm của họ về chính trị, cuộc chiến Nga - Ukraine, làm thế nào cản Trung Quốc trên đường đến ngôi vương kinh tế đã làm giảm các mối quan tâm khác.

Tác động lớn khác là chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đứt gãy, trong khi những rào cản kỹ thuật về môi trường của châu Âu và Mỹ làm cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Môi trường là điểm kết nối trung tâm và thách thức thị trường lớn nhất, bởi nhiều doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, hoạt động sản xuất không gắn với yếu tố xanh như điện tái tạo, nước thải giảm thiểu, người lao động và môi trường làm việc được bảo vệ. Đó là những thách thức khi áp dụng tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị (ESG), vốn đang được các nhà đầu tư, ngân hàng đánh giá cao.

Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động ESG tốt sẽ có hình ảnh tích cực và được coi là đáng tin cậy trong mắt khách hàng, đối tác kinh doanh và cộng đồng. Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp, muốn gia tăng nguồn vốn, gọi nhà đầu tư thì ESG ở đâu? Làm việc với ngân hàng để có hạn mức tín dụng và lãi suất ưu đãi thì ESG ở đâu?

Phải chăng, ESG như một trào lưu khiến nhiều doanh nghiệp chạy theo một cách hình thức?

Tài chính xanh gắn với điều kiện ESG như câu chuyện quả trứng và con gà. Chúng ta đang đứng trước vấn đề như vậy.

Đơn cử, logistics gắn với cước vận chuyển. Doanh nghiệp của ta đi vào Singapore và châu Âu phải trả phí cao do lượng phát thải lớn, đến năm 2025 có nguy cơ không được chở hàng hóa vào các thị trường đó.

Thách thức lớn là quản trị doanh nghiệp, khi hiện nay còn mang tính đối phó. Ở Thụy Sĩ 20 năm trước, các doanh nghiệp cũng thực hiện quản trị doanh nghiệp một cách đối phó, nhưng khi một số tập đoàn lớn nhất đổ vỡ, họ mới thấy yếu tố quản trị là quan trọng.

Việt Nam cũng như các quốc gia phát triển 20 năm trước là đang dừng ở câu chuyện quản trị để đối phó với các yêu cầu, thay vì phải thay đổi nhận thức quản trị là một năng lực cạnh tranh, quản trị là một nguồn lực để hút vốn, quản trị là một yếu tố để phát triển bền vững.

Tăng trưởng kinh doanh là bao nhiêu, đó là mục tiêu quan trọng, nhưng việc quản trị, quản trị bền vững mới là mục tiêu sống còn. Không nên chờ đến khi đứng trước nguy cơ đổ vỡ, các chủ doanh nghiệp, từ doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp tư nhân, công ty niêm yết mới thay đổi tư duy về ESG. Đặc biệt, cần coi quản trị là nguồn lực để tồn tại, năng lực để cạnh tranh, yếu tố để hút vốn.

Hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài chính nỗ lực sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và và 2 thông tư hướng dẫn Nghị định, nhằm hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Một trong những mục đích của nâng hạng thị trường nhằm mở ra cánh cửa để vốn nước ngoài chảy vào, nhưng câu hỏi là họ vào rồi thì vào đâu? Vốn ngoại không chảy vào Sở giao dịch chứng khoán, mà vào doanh nghiệp, nhưng đó là doanh nghiệp nào? Doanh nghiệp phải trả lời: “Tôi có nền quản trị minh bạch, chiến lược quản trị gắn với giảm thiểu các tác động đến môi trường và kiến tạo giá trị xã hội đó”. Đó là ESG, yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đánh giá cao.

Nhưng trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp quan tâm đến việc làm sao để cầm cự, chứ nguồn lực đâu mà đầu tư vào ESG?

Chuyển đổi xanh cộng với chuyển đổi số là yếu tố để doanh nghiệp sống một cách sung sức, thay vì sống sót.

Cơ thể con người cũng thế, làm thế nào để sống, tôi muốn cứu sự sống đã, đó là bản năng, nhưng anh phải trả lời được câu thứ hai là anh sống được bao lâu, có khỏe hay sống ốm yếu trên giường bệnh và sống để làm gì?

Đã lập ra doanh nghiệp phải để doanh nghiệp sống, nhưng sống có khỏe và có giá trị cho cộng đồng hay không, hay chỉ sống một cách tạm thời, rồi cứ mãi là tạm thời?

Lúc này đã là năm 2024, việc chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, nếu không theo xu thế này thì anh có sống sót năm nay cũng khó có thể sống trong năm tới, cuộc chơi khắc nghiệt sẽ cho anh văng ra ngoài.

Chuyển đổi xanh cộng với chuyển đổi số là yếu tố để doanh nghiệp sống một cách sung sức, thay vì sống sót. Muốn sống sung sức thì ngay cả với nguồn lực thấp cũng có thể thực hành ESG.

Tôi hoàn toàn hiểu các doanh nghiệp phải lo sống sót trước đã, nhưng phải nghĩ ngay đến chiến lược mà ở đó duy trì cái cũ đồng thời với lập ra cái mới. Lập cái mới thì mới có nguồn lực mới. Ví như cơ thể sống sót trên cái cũ để rồi đổ thêm thuốc bổ vào thì cơ thể không những không tiêu hóa được mà còn bị dị ứng thuốc và có thể “ra đi” nhanh hơn.

Chiến lược lập ra cái mới trên nền cái cũ, lãnh đạo các doanh nghiệp cả nhỏ, vừa và lớn phải nghĩ đến điều ấy. Nếu không làm thì chỉ loay hoay với sống sót mà thôi và câu chuyện ESG sẽ vượt ra khỏi đầu, đi ra chỗ khác.

Là một chuyên gia về quản trị doanh nghiệp và có nhiều năm kinh nghiệm lãnh đạo doanh nghiệp lớn, bà có chia sẻ gì với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn?

Có thực tế là lúc nào cũng khó, là doanh nghiệp chưa bao giờ không đối mặt với cái khó và cái khó năm sau nhiều hơn năm trước, cái khó năm sau khác năm trước. Vậy thì ứng phó với cái khó ấy như thế nào? Chia sẻ của tôi với lãnh đạo các doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị, những người góp vốn là phải thay đổi tư duy. Khi tư duy thay đổi ta mới có nguồn lực. Khó khăn nhiều hơn so với năm trước mà ta vẫn tư duy ấy thì không bao giờ chèo lái được con tàu.

Chẳng hạn, với tàu liên vận từ Hải Dương (Việt Nam) sang Trung Quốc, người ta dùng tàu 1,5 m, mà ta vẫn dùng tàu 1,2 m thì chỉ loanh quanh Hải Dương thôi. Tại sao ta không nâng cấp tàu lên 1,5 m để gia nhập cuộc chơi tàu liên vận?

Tôi cho rằng, khi môi trường kinh doanh thay đổi, doanh nghiệp không thể dùng tư duy cũ được. VOID không chỉ hỗ trợ đào tạo quản trị công ty cho doanh nghiệp niêm yết, mà tới đây còn hỗ trợ các doanh nghiệp gia đình, các gia tộc kinh doanh. Chúng ta đang trong chương trình thực hiện Nghị quyết 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, kinh doanh không vì mục tiêu làm giàu cá nhân mà kiến tạo giá trị cho xã hội thì phải minh bạch. Doanh nghiệp gia đình còn phải minh bạch thì doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng sao không minh bạch?

Vì thế, doanh nghiệp nên thay đổi tư duy và minh bạch. Tất cả doanh nghiệp không được kể khó, không được kêu khổ và phải đối mặt với nó.

Tin bài liên quan