Tuổi 20, sẽ đa dạng và nâng cấp hàng hóa trên thị trường chứng khoán

Tuổi 20, sẽ đa dạng và nâng cấp hàng hóa trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TTCK Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển.

Trong thập kỷ phát triển tiếp theo của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung vào việc tăng lượng cung hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng các loại sản phẩm trên cả 3 khu vực thị trường. 

Cơ hội lớn để phát triển

TTCK Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển.

Thứ nhất, Luật Chứng khoán mới đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2021, kèm theo đó là hệ thống văn bản dưới Luật đang được xây dựng mới, thay thế cho hệ thống văn bản pháp lý trước đây, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của TTCK.

Thứ hai, hệ thống hạ tầng công nghệ mới (gói thầu công nghệ thông tin mua của Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc - KRX) cho TTCK Việt Nam chuẩn bị được đưa vào vận hành (hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán, hệ thống giám sát...) với nền tảng công nghệ đồng bộ, hiện đại hơn và cho phép triển khai nhiều nghiệp vụ mới.

Thứ ba, việc tái cấu trúc TTCK với việc hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán thành một Sở giao dịch chứng khoán có quy mô và chuyên nghiệp hơn, gắn với việc phân mảng các thị trường đang được tập trung triển khai.

Đây là những tiền đề quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy TTCK phát triển đa dạng các sản phẩm, nghiệp vụ kinh doanh mới ngày càng tiến gần hơn với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm

Tăng lượng cung hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng các loại sản phẩm trên cả 3 khu vực thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh là một trong những mục tiêu quan trọng trong nhóm giải pháp nhằm phát triển TTCK Việt Nam.

Đối với thị trường cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK tập trung; triển khai hoạt động chào bán, phát hành cổ phiếu theo phương pháp dựng sổ (book building); tăng cường kiểm tra, đặc biệt là giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi đăng ký giao dịch và niêm yết; giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty để nâng cao chất lượng cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch.

Tuổi 20, sẽ đa dạng và nâng cấp hàng hóa trên thị trường chứng khoán ảnh 1

Trong quá trình tái cấu trúc TTCK, thiết lập một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất với phân bảng niêm yết cổ phiếu cho phép doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư lựa chọn theo các cấp độ khác nhau.

Luật Chứng khoán số 54/2019/QH11 được Quốc hội thông qua trong năm 2019 và có hiệu lực từ đầu năm 2020 đã nâng tiêu chuẩn về vốn đối với công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng.

Quy định tình hình tài chính của doanh nghiệp niêm yết cũng theo hướng ngày càng thắt chặt và đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn hiện nay.

Tuổi 20, sẽ đa dạng và nâng cấp hàng hóa trên thị trường chứng khoán ảnh 2

Giá trị vốn hóa thị trường/GDP các năm 2000 - 2019.

Mô hình thị trường niêm yết trong tương lai sẽ có các bảng giao dịch khác nhau, trong đó cấp độ 1 dành cho các doanh nghiệp lớn (quy mô vốn) với điều kiện tài chính cao hơn và cấp độ 2 dành cho các doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn và điều kiện tài chính thấp hơn.

Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu sẽ có thêm các sản phẩm mới như chứng quyền mua, chứng quyền bán trên các tài sản cơ sở khác nhau (chỉ số, chứng chỉ quỹ); các chứng chỉ quỹ đầu tư mới (chứng chỉ quỹ đòn bẩy/chứng chỉ quỹ đòn bẩy nghịch đảo), sản phẩm chứng chỉ lưu ký, các bộ chỉ số mới...

Đối với thị trường trái phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đẩy mạnh sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ, đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu; phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp.

Bên cạnh đó, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế; nghiên cứu triển khai mô hình, cơ chế và hạ tầng công nghệ, kỹ thuật cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, làm cơ sở cho việc phát triển các tổ chức định mức tín nhiệm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa, tạo thêm kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, thập kỷ tới cũng là kỷ nguyên phát triển của các sản phẩm trái phiếu xanh (trái phiếu chính phủ xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh) cho mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đối với TTCK phái sinh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng lộ trình và dự kiến sẽ sớm đưa thêm nhiều sản phẩm phái sinh vào giao dịch, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư và phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư.

Bên cạnh các sản phẩm hợp đồng tương lai trên các chỉ số mới (ngoài chỉ số VN30) sẽ có thêm các sản phẩm hợp đồng quyền chọn chỉ số, hợp đồng tương lai/hợp đồng quyền chọn cổ phiếu đơn lẻ, quyền chọn trên hợp đồng tương lai...

Xa hơn nữa, có thể nghiên cứu và xin phép Chính phủ được tổ chức giao dịch các sản phẩm hợp đồng tương lai/hợp đồng quyền chọn niêm yết trên các tài sản cơ sở khác ngoài chứng khoán như tỷ giá, lãi suất, hàng hóa...

Sau 20 năm phát triển, số lượng cũng như chủng loại hàng hóa trên TTCK Việt Nam đã khá đa dạng và phong phú. Đến nay, TTCK đã thiết lập được: 1 thị trường cổ phiếu niêm yết có quy mô vốn lớn từ 120 tỷ đồng trở lên; 1 thị trường cổ phiếu niêm yết có quy mô vốn vừa và nhỏ từ 30 tỷ đồng trở lên; 1 thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết với vốn từ 10 tỷ đồng trở lên; 1 thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vay nợ bên cạnh thị trường của các tổ chức tín dụng; 1 thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt tập trung hóa hoạt động phát hành và giao dịch thứ cấp các trái phiếu chính phủ; 1 thị trường chứng khoán phái sinh giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư phòng ngừa và phân tán rủi ro. 

Cấu trúc của TTCK đã tương đối hoàn chỉnh bao gồm thị trường huy động vốn (thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu) và thị trường phân tán rủi ro (thị trường phái sinh), với những sản phẩm cơ bản đã phong phú hơn rất nhiều so với hai thập kỷ trước. 

Tin bài liên quan