Tương lai nào cho đô thị thông minh tại Việt Nam?

Tương lai nào cho đô thị thông minh tại Việt Nam?

(ĐTCK) Việc phát triển đô thị thông minh hiện nay không còn là dự báo, mà đã trở thành một xu hướng có khả năng giải quyết nhiều thách thức mà các đô thị phải đối mặt. Thế nhưng, phát triển như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế ở các thành phố lớn tại Việt Nam đang là bài toán khó.

Từ con đường đang sửa trước cửa hàng phở…

Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản trong một buổi sáng huyên náo, chị Hương, chủ quán phở liên tục than phiền về chuyện đường phố bị chặn để cải tạo và nâng cấp.

Sự bất tiện khi khách ghé quán và nhất là nạn tắc đường, bụi bặm mấy tháng nay đã “đuổi” phần lớn số khách khỏi quán của chị.

"Thành phố ngày càng đông đúc, đắt đỏ hơn xưa. Tụi trẻ lớn lên không biết có đủ tiền để mua nhà không khi giá nhà đất tăng chóng mặt", chị nói khi bưng bát phở bò ra cho khách.

Cửa hàng phở bò của chị nằm trên đường Trường Chinh, Hà Nội. Hai thùng nước dùng, với chiếc tủ đồ thực phẩm cùng mấy chiếc bàn nhỏ và vài chiếc ghế nhựa được xếp gọn gàng ngăn nắp là "cần câu cơm" của cả gia đình hai vợ chồng cùng hai đứa con nhỏ, một đứa lớp năm, một đứa lớp một.

Nước dùng ngon cùng giá cả vừa phải, nên công việc trong vài năm qua tỏ ra vô cùng thuận lợi khi quán trở thành điểm đến của cả trăm lượt khách hàng. Lượt vào, lượt ra, doanh thu vài triệu đồng mỗi ngày là bình thường.

Mặc dù luôn phải đối mặt với chuyện ô nhiễm và tắc đường triền miên ngay trước cửa quán, nhưng chí ít trong con mắt của một người nhà quê lên tỉnh kiếm ăn, chưa bao giờ chị nghĩ Hà Nội là một thành phố không đáng sống, nhất là so với vùng quê "chó ăn đá, gà ăn sỏi" như nhà chồng chị.

Dù đắt đỏ, nhưng ít nhất với thu nhập hiện tại, hai đứa con của vợ chồng anh chị được học hành tử tế. Không những vậy, Hà Nội còn có công viên to để chơi và thi thoảng có nhiều siêu thị hiện đại để đến.

Vì thế, chuyện bị chặn đường để phục vụ sửa chữa là một chuyện lớn, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế trước mắt của gia đình chị Hương.

Ấy thế nhưng, dù than thở về kinh doanh bị ảnh hưởng do dự án xây dựng đường, bà chủ quán vẫn tự tin cho rằng, đó chỉ là khó khăn tạm thời. Khi  tuyến đường mới được mở rộng to đẹp hơn, vỉa hè cũng rộng rãi hơn, quán của chị sẽ lại thu hút được nhiều khách. Ông chủ cửa hàng cũng không phải chạy đôn chạy đáo chỉnh lại xe mỗi khi có khác ghé vào.

Có thể thấy, mối quan tâm và là động lực để gia đình chị Hương trụ lại nơi phố thị là sự kết nối và những cơ hội mà đô thị hóa tạo ra.

Tạo thêm cơ hội cho mỗi người trong cộng đồng, cũng là mục tiêu của quá trình đô thị hóa, nhưng nó đang gặp phải những thách thức không hề nhỏ. 

…Đến nhu cầu phát triển thành phố thông minh

Hà Nội, cùng các thành phố lớn khác là Đà Nẵng, TP.HCM đang xây dựng, triển khai đề án "phát triển thành phố thông minh". Trong đó, cải thiện hạ tầng giao thông mới chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến lược thực thi nhằm hướng tới sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đã trở thành một trong số những siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số sau 10 năm mở rộng.

Cũng như các siêu đô thị khác, Hà Nội đang gặp phải nhiều thách thức liên quan tới tốc độ đô thị hóa nhanh, tốc độ tăng dân số cơ học nhanh khi nhiều người di cư về thành phố để sinh sống, học tập và làm việc.

Tình trạng xuống cấp về hạ tầng, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở và ô nhiễm môi trường đang trên đà báo động.

Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho biết, Việt Nam đang có mức độ gia tăng đô thị hóa đạt 3,4% mỗi năm, tập trung chủ yếu quanh khu vực Hà Nội và TP.HCM, đồng thời cũng đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ đô thị hóa.

Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu người, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến tăng lên mức 46% vào năm 2025.

Chỉ tính riêng Hà Nội, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội (2008 - 2017) cho biết, trong 10 năm vừa qua, đã có thêm hơn 1,5 triệu người về Thủ đô sinh sống, học tập và làm việc, tương đương khoảng 150.000 người mỗi năm.

Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian sắp tới, nhất là Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là một trong 2 đầu tàu phát triển kinh tế của Việt Nam.

Vì thế, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh, đảm bảo các yếu tố bền vững là một yêu cầu mang tính cấp thiết.

Bởi lẽ, không một nước nào có thể phát triển kinh tế với mức thu nhập cao nếu không phát triển đô thị trước và trong thực tế, hầu hết các nước đều phải đô thị hóa ít nhất là 50% trước khi đạt đến vị thế là nước có thu nhập trung bình đầy đủ.

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh như vậy gây áp lực lên đô thị, đặc biệt là về tầm nhìn quy hoạch, cũng như đội ngũ quản lý đô thị để đáp ứng kịp với sự phát triển này. Đồng thời, vận hành các đô thị phát triển kinh tế bền vững, cạnh tranh và các nguồn lực được quản lý một cách hợp lý.

Khi đó, quản lý và cải thiện chất lượng các thành phố đòi hỏi phải biết những gì xảy ra bên trong thành phố đó, điều này chỉ có thể nắm bắt được thông qua việc thay đổi phương thức điều hành của chính quyền, tham gia của người dân, cũng như sự tham gia của các bên liên quan chịu trách nhiệm quản lý.

Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới tại Việt Nam có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình.

Tốc độ đô thị hóa không chỉ khiến nhu cầu về nhà ở tăng, mà còn kích cầu bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng, nên đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp thiết để có thể cấu trúc phù hợp và hiệu quả trước áp lực mật độ dân cư tại các khu đô thị.

Chính vì thế, giải pháp hiệu quả cho các thách thức nói trên là phải phát triển các thành phố trở thành thành phố thông minh, hay nói cách khác là đô thị thông minh. Với sự xuất hiện của công nghệ số, Internet và công nghệ di động, sự chuyển đổi này trở nên khả thi hơn. 

Vậy Hà Nội sẽ phát triển đô thị thông minh theo hướng nào?

"Người dân muốn đô thị của mình như thế nào thì thành phố ấy sẽ trở nên như thế ấy", ông Mahmound Al Bruai, Giám đốc điều hành Viện Bất động sản Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) mở đầu bài phát biểu của mình tại Hội nghị Bất động sản quốc tế - IREC 2018 được VNREA tổ chức cuối tuần qua.

Theo ông Mahmound Al Bruai, định hướng phát triển đô thị thông minh góp phần tạo ra một ngành công nghiệp có giá trị hàng trăm tỷ USD khi các sản phẩm công nghệ thông minh được thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất để ứng dụng vào đời sống như giao thông, xây dựng và thậm chí quản lý hành chính.

Cụ thể, theo một nghiên cứu công bố gần đây, ngành công nghiệp xây dựng thành phố thông minh dự kiến sẽ là một thị trường 400 tỷ USD vào năm 2020, với 600 thành phố trên thế giới.

Theo TS.KTS. Ngô Lê Minh, Đại học Xây dựng Hà Nội, đô thị thông minh có khả năng đem lại nhiều lợi thế như hệ thống điều phối giao thông, vận chuyển năng lượng, giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng… Các công nghệ thông tin và truyền thông thông minh giúp kết nối mạng lưới, kiểm tra mọi lĩnh vực quan trọng như giao thông, quản lý hành chính, y tế, nhà ở, giáo dục và văn hóa.

Việt Nam với vị trí là một nước đang phát triển cũng không nằm ngoài xu thế phát triển mô hình đô thị thông minh. Tuy vậy, việc ứng dụng đô thị có thể mang lại lợi ích nhiều mặt, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu phát triển thiếu đồng bộ.

Cụ thể, mô hình phát triển đô thị thông minh không phải lúc nào cũng đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu; tham vọng xây dựng các đô thị mới, hiện đại, tích hợp công nghệ sẽ khiến chính quyền thành phố dễ dàng xem nhẹ, thậm chí bỏ rơi các khu đô thị hiện hữu; nguy cơ mất an ninh và các nguy cơ tiềm ẩn do lộ thông tin cá nhân và tin tặc xâm nhập phá vỡ hệ thống lưu trữ thông tin quản lý đô thị tập trung.

Đồng quan điểm, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, dù phát triển ra sao, phát triển như thế nào, thì mục tiêu của đô thị thông minh cũng là xoay quanh yếu tố con người.

Vì thế, phải có cư dân thông minh mới có được thành phố thông minh, nên phải phổ thông hoá những dữ kiện thông minh để người dân hiểu được. Điều này không dễ trong bối cảnh hiện tại, khi ngay cả những người tuyên truyền phát triển về đô thị thông minh cũng chưa hẳn đã hiểu rõ về khái niệm "thông minh".

Bên cạnh đó, theo ông Zoey Zhou, Phó chủ tịch Tập đoàn kiến trúc Arcplus, muốn phát triển đô thị thông minh, phải có một đội ngũ chuyên gia cực giỏi, bài toán của thành phố thông minh không phải là công nghệ, mà bài toán về xã hội.

Thành phố thông minh hoàn chỉnh cần tính đến khía cạnh nhân văn, xã hội và môi trường của các trung tâm đô thị, đồng thời đảm bảo rằng nó đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Do đó, khái niệm về thành phố thông minh cần phải kết hợp các khía cạnh liên quan đến quản trị, cơ sở hạ tầng, vốn con người và xã hội. Chỉ khi các yếu tố này được kết hợp, các thành phố mới trở nên thông minh và có khả năng thúc đẩy phát triển bền vững và tích hợp.

Chính những điều đó đặt câu hỏi vậy xu hướng đô thị thông minh là gì và làm thế nào để người dân thực sự hưởng lợi từ mô hình này chứ không nên hình dung đó là bài toán về lợi ích kinh tế. 

Hà Nội hướng tới hình thành đô thị bền vững và đáng sống với người dân

Trong những năm gần đây, Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Việt Nam. Cùng với đó, Hà Nội đã và đang xây dựng, phát triển đồng bộ không gian đô thị. Theo đó, có sự xuất hiện của hàng trăm khu đô thị mới khang trang cùng với hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, kết nối các khu vực đã làm diện mạo Thủ đô thay đổi mạnh mẽ, ngày càng văn minh hiện đại.

Đặc biệt, sự hiện diện của các khu đô thị mới, các tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại… tại Hà Nội không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tạo nên không gian sống tốt hơn, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân.

Chính vì vậy, để hướng đến một đô thị thông minh, hiện đại, ngoài việc phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông, hạ tầng, xây dựng nhiều thêm các khu đô thị mới, Hà Nội sẽ còn đẩy mạnh tái thiết, cải tạo, chỉnh trang khu vực nội đô và mở rộng các khu vực phát triển mới của Thủ đô, hướng tới hình thành đô thị bền vững nhằm trở thành thành phố đáng sống với các giá trị và tiêu chí như: Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội

Tận dụng cơ hội nhưng không quên lợi ích người dân

Định hướng phát triển thành phố thông minh là cơ hội cũng như thách thức cho cả doanh nghiệp. Ở đó, không chỉ là phục vụ cho lợi ích cộng đồng hiện tại, mà còn xây dựng tương lai cho nhiều thế hệ sau này.

Việc thúc đẩy phát triển các công nghệ mới trong xây dựng và sản xuất như các loại vật liệu không nung Viglacera đang thực hiện cũng là nằm trong định hướng đó hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng mới, vật liệu xanh. Việc này rất phù hợp cho việc xây dựng, phát triển các thành phố thông minh trong tương lai.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera

Cách mạng 4.0 đang thay đổi cơ bản ngành bất động sản Việt Nam

Là một trong những nhà đầu tư tiên phong ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, Sunshine Group nhận thấy rằng, đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là những định hướng quan trọng, tác động mạnh mẽ đến môi trường bất động sản thông minh đã trở thành xu thế nóng trong những năm vừa qua.

Vì vậy, đây là thời cơ để áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào bất động sản, là cơ hội để Việt Nam có thể hiện thực hoá phương châm “đi tắt đón đầu” trước các thành quả do khoa học công nghệ mang lại. Trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp bất động sản đưa ra những tham vọng và sự chuẩn bị sẵn sàng để bước lên con tàu 4.0 với việc áp dụng công nghệ vào quản lý và phát triển các dự án.

Tất nhiên, với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội và tiềm năng cũng song hành với những thách thức không hề nhỏ. Để vượt qua, chúng ta cần phải có một chiến lược mang tầm vóc quốc gia, có sự hợp lực theo một hướng đi chung, với cùng một quyết tâm và nỗ lực vượt bậc thì mới có thể đạt được sự thành công như mong đợi.

Ông Lê Nhỏ - Phó tổng giám đốc Sunshine Group

Một thành phố thông minh bền vững là một đô thị mà mọi người trong cộng đồng được trao quyền năng làm chủ thành phố của mình

Thành phố thông minh bền vững cần đề cao các không gian cho sinh hoạt cộng đồng. Sự gắn kết giữa người với người, với xã hội là nhân tố làm nên thành phố hạnh phúc.

Qua nghiên cứu, khi những người dân được kết nối với nhau sẽ hạnh phúc và sống lâu hơn. Những đô thị hạnh phúc là những đô thị có mức độ tin tưởng cao giữa các cư dân. Do vậy, cần có những thiết chế tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau.

"Những người xây dựng kế hoạch phát triển thành phố hạnh phúc phải dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị, nhưng cũng phải lưu ý đến môi trường và giữ gìn môi trường. Jan Gelh, tác giả cuốn sách "Cities for People" đã nói rằng: “Hãy xây dựng các thành phố cho con người, vì con người”. Tôi cho rằng, đó chính là cốt lõi của các đô thị hạnh phúc.

Một quốc gia phát triển không phải là nơi mà người nghèo có xe hơi, mà là nơi người giàu đi phương tiện công cộng. Nếu xây dựng các đô thị cho các phương tiện giao thông thì các thành phố trên thế giới sẽ chỉ ngày càng có nhiều ô tô hơn. Còn nếu tập trung xây dựng đô thị cho con người thì con người sẽ có nhiều hơn cơ hội được giao tiếp với nhau, kết nối với nhau.

Vì thế, điều quan trọng phải hiểu một đô thị thông minh thực sự là gì. Đó không phải là một thành phố với công nghệ cao, mà phải một đô thị giúp con người kết nối với nhau một cách dễ dàng, giúp con người cảm thấy rằng họ là người hạnh phúc khi sống ở đây, chứ không phải ở đâu khác.

Ông Mahmoud Al Burai  - Giám đốc điều hành Viện Bất động sản Dubai

Xây dựng đô thị thông minh cần giải pháp đồng bộ

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế chung của toàn cầu. Trong đó, đô thị thông minh đang là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia. Việc phát triển các đô thị thông minh sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, đây là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ trong khu vực quản lý nhà nước, mà còn cả ở các doanh nghiệp bất động sản.

Theo tôi, để có được các đô thị thông minh, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp: Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo vừa phù hợp với chủ trương chung, vừa đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của xã hội, thị trường bất động sản; Bổ sung hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh… để kiểm soát quá trình phát triển đô thị; Áp dụng khoa học công nghệ để quy hoạch và quản lý đô thị…

Mặt khác, cần nghiên cứu cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ các giải pháp mang tính đột phá cả về công nghệ và phi công nghệ; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thị trường bất động sản; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu các chính sách thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản trong nước tăng quy mô về cả tài chính và phạm vi hoạt động cũng đóng vai trò quan trọng.

TS. Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng

Tin bài liên quan