Tỷ giá cần được điều chỉnh linh hoạt để hỗ trợ xuất khẩu.

Tỷ giá cần được điều chỉnh linh hoạt để hỗ trợ xuất khẩu.

Tỷ giá sẽ bất động tới hết năm?

(ĐTCK) Hai tuần gần đây, thị trường ngoại hối khá trầm lắng và tỷ giá giữ ở mức ổn định. Trên thị trường tự do, giá mua - bán USD cũng về sát khung tỷ giá giao dịch của hệ thống ngân hàng. Có vẻ như tỷ giá VND/USD đang tiến về cuối năm 2008 mà không có nhiều biến động so với hiện nay. Hiện tại, tỷ giá được các ngân hàng thương mại (NHTM) giao dịch xấp xỉ 17.000 VND/USD, cao hơn tháng trước sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức nới lỏng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.

Cung - cầu cân bằng

Hiện tại, các NHTM vẫn đang đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp. Tất nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, các mặt hàng thiết yếu được ưu tiên nhằm chống nhập siêu. Một lãnh đạo NHTM nhà nước cho biết, hiện nay trạng thái ngoại hối của ngân hàng đang ở mức 0 hoặc -1% tới -2%, nhưng giao dịch mua - bán ngoại tệ là khá trầm lắng, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp cũng không còn cao như trước, do đó ngân hàng chưa cần sự hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ của NHNN.

Bản chất của việc đồng Việt Nam mất giá thêm một chút sau khi NHNN nới rộng biên độ tỷ giá là hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập siêu. Cầu ngoại tệ của các nhà nhập khẩu giảm đôi chút cũng là trong sự tính toán của cơ quan quản lý.

Trong 2 tháng vừa qua, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường đang đặt ra câu hỏi về nhu cầu ngoại tệ của khối này. Trả lời phỏng vấn Báo ĐTCK, ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, UBCK đang tổng hợp số liệu của tháng 11, tuy nhiên không phải nhà đầu tư nước ngoài bán ra bao nhiêu thì sẽ mua ngoại tệ bấy nhiêu. Đơn cử như trong tháng 10, lượng Việt Nam đồng thu được sau khi bán ra cổ phiếu và trái phiếu chỉ được chuyển đổi thành USD khoảng 20%. Rất có thể, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển lượng vốn đó sang các kênh đầu tư khác trong lãnh thổ Việt Nam.

Qua theo dõi của nhiều ngân hàng, nhu cầu mua ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài không có dấu hiệu tăng đột biến.

Trong khi đó, nguồn cung USD tiếp tục ổn định. Lượng kiều hối chuyển về nước đạt tới 6 tỷ USD và theo dự đoán của NHNN, sẽ đạt 8 tỷ USD vào thời điểm kết thúc năm 2008. Giải ngân của luồng vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ không thấp hơn mức của năm 2007.

Tỷ giá sẽ bất động?

Thực ra, tỷ giá hiện nay theo tính toán của nhiều chuyên gia ngân hàng là hợp lý trong việc hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt là sau khi các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có dấu hiệu khó khăn hơn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Động thái điều chỉnh tỷ giá thị trường liên ngân hàng của NHNN cũng cho thấy sự thay đổi không nhiều trong 2 tuần trở lại đây. Đương nhiên, khi tỷ giá đã ở mức hợp lý thì chẳng có lý do gì để thay đổi, nhất là trong trường hợp nguồn cung - cầu ngoại tệ tiếp tục ổn định, có thể tới hết năm 2008. Mặt khác, việc "cho phép" đồng USD lên giá sau động thái nới lỏng biên độ tỷ giá của NHNN tháng trước cũng thuận theo xu hướng thị trường thế giới, khi mà đồng USD liên tục lên giá so với các loại ngoại tệ khác (trừ đồng yên Nhật).

Trên thị trường, thông tin NHNN tiếp tục nới lỏng biên độ tỷ giá vẫn chưa có bất cứ một cơ sở nào để khẳng định tính xác thực. Một quan chức NHNN cho biết, việc điều hành tỷ giá phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường và hiện nay, cơ quan này chưa có kế hoạch nới lỏng thêm biên độ tỷ giá.

Hỗ trợ xuất khẩu qua điều hành chính sách tỷ giá luôn được NHNN thực hiện trong nhiều năm qua với mục tiêu "đồng Việt Nam mất giá một chút để hỗ trợ xuất khẩu". Có vẻ như trong năm 2008, mục tiêu này đã được hoàn tất và như vậy, có nhiều cơ sở để tin rằng, tỷ giá sẽ ổn định từ nay cho tới hết năm 2008.