UAE sẽ kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết, sẽ kêu gọi các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) thúc đẩy sản lượng dầu nhanh hơn.
UAE sẽ kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng

Đây được xem như một bước ngoặt có thể khiến nước này chống lại các thành viên của liên minh do Ả Rập Xê Út và Nga dẫn đầu.

“Chúng tôi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản xuất cao hơn”, Yousef al-Otaiba, đại sứ của UAE tại Washington cho biết.

Theo một người quen thuộc với tình hình, UAE đã không hỏi ý kiến ​​các thành viên OPEC+ khác trước khi đại sứ UAE đưa ra tuyên bố của mình.

Bộ Năng lượng của Ả Rập Xê Út không có phản ứng ngay lập tức. Tuy nhiên, tuyên bố này có vẻ sẽ làm hồi sinh căng thẳng giữa hai quốc gia vùng Vịnh, những đồng minh truyền thống đã rơi vào tranh chấp gay gắt vào năm ngoái.

Giá dầu đã lao dốc trước thông tin này và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hoan nghênh với động thái này và nói rằng, hỗ trợ cho sản lượng cao hơn "là một điều quan trọng để ổn định thị trường năng lượng toàn cầu. Điều quan trọng là đảm bảo rằng vẫn có một nguồn cung cấp năng lượng dồi dào trên khắp thế giới”.

OPEC+ cho đến nay vẫn phản đối lời kêu gọi từ Nhà Trắng và các nước tiêu thụ dầu lớn khác để tăng sản lượng nhanh hơn, cho rằng việc tăng giá gần đây lên gần 140 USD/thùng là do căng thẳng địa chính trị hơn là sự thiếu hụt nguồn cung cấp từ OPEC+.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar Ismaael vẫn giữ quan điểm đó vào hôm thứ Tư (9/3) sau nhận xét từ đại sứ UAE và nói rằng không cần phải thay đổi hướng đi.

“Chúng tôi nghĩ rằng mức tăng mà OPEC+ có là đủ để đáp ứng nhu cầu. Việc phát hành bổ sung thực sự có thể gây hại cho thị trường”, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar Ismaael cho biết.

Bất kỳ đề xuất nào nhằm tăng sản lượng, đặc biệt nếu được xem là giúp các quốc gia phương Tây trong nỗ lực loại bỏ dầu thô của Nga, đều có khả năng gây ra căng thẳng trong OPEC+. Trong cuộc điện đàm tuần trước với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, Tổng thống Vladimir Putin đã lên án bất kỳ động thái nào nhằm “chính trị hóa nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu”.

Lần cuối cùng UAE kêu gọi thay đổi chính sách sản lượng của OPEC+ là vào tháng 7/2021 khi nước này đang thúc đẩy hạn ngạch sản xuất riêng lẻ cao hơn.

Cuối cùng, một thỏa hiệp đã đạt được và mang lại cho UAE giới hạn sản lượng nhiều hơn và dẫn đến kế hoạch hiện tại của OPEC+ là tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày vào thị trường mỗi tháng. Ngay cả trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang khiến thị trường hàng hóa rơi vào tình trạng hỗn loạn, điều đó đã bị Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích là quá ít.

Theo Bjornar Tonhaugen, chuyên gia tư vấn ngành Rystad Energy AS, giá dầu Brent có thể tăng lên 240 USD/thùng vào mùa Hè này nếu các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt rộng rãi hơn đối với nhập khẩu dầu của Nga. Sự sụt giảm nguồn cung sẽ là sự thiếu hụt nguồn cung dầu tiềm năng lớn nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990.

Tin bài liên quan