Ukraine cần tiền, không cần súng ống

Ukraine cần tiền, không cần súng ống

(ĐTCK) Đó là nhận định của Eugene Rumer, Giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu của Tổ chức Hành động Carnegie vì hòa bình quốc tế, ở Washington, trong một bài viết đăng trên Financial Times ngày hôm qua.

Theo tác giả của bài viết, chuyến thăm Washington của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lần này chắc chắn là nhằm kêu gọi viện trợ vũ khí, để nước ông tự bảo vệ mình trước sự “xâm lược” của Nga. Nhưng đó là một sai lầm. Ukraine không cần thêm quân lực để chiến đấu trong một cuộc chiến mà nước này không thể thắng và điều đó chỉ kéo dài sự đau đớn. Thứ mà Ukraine cần là viện trợ kinh tế.

Nếu không có sự hiện diện can thiệp quân sự của Nato, Ukraine không thể đương đầu với quân đội Nga. Hơn nữa, các lãnh đạo Nato đã tuyên bố rõ ràng rằng, liên minh quân sự này sẽ không can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Quân đội Ukraine, là nạn nhân của cả nạn tham nhũng và yếu kém trong quản lý, khi phần còn lại của khu vực công không phải là đối thủ của cỗ máy quân sự Nga. Thêm vũ khí sẽ chẳng giúp được gì. Nước này cần xây dựng một quân đội mới - chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, trang bị tốt, với cơ chế ra lệnh và kiểm soát hợp lý, tình báo và hậu cần hiện đại. Việc đó cần đến tiền, sự hỗ trợ quốc tế, cũng như thời gian hàng năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ. Và việc ném thêm vũ khí vào mớ hỗn độn hiện tại, gồm một quân đội thiếu đào tạo, các lính tình nguyện và lính đánh thuê, sẽ chi kéo dài thêm sự bi thảm.

Ngược lại, sự giúp đỡ về kinh tế là sống còn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng, nền kinh tế Ukraine sẽ co lại hơn 6% trong năm nay. Lạm phát được dự báo sẽ đạt mức 19%. Tỷ lệ thất nghiệp, hiện khoảng 9%, đang tăng lên. Xuất khẩu suy giảm gần 10%. Tất cả là số liệu chính thức và được coi là hậu quả của cuộc xung đột.

Những người đến thăm Kiev, thủ đô của Ukraine, cho biết, điện ở đây bị cắt hai lần mỗi ngày. IMF cảnh báo, Ukraine có thể cần thêm 19 tỷ USD tài trợ hoặc nhiều hơn thế cho đến cuối năm 2015 nếu xung đột ở miền Đông vẫn tiếp diễn. Chi phí cho chiến tranh chưa xác định được nhưng chắc chắn là rất cao.

Không ai nghi ngờ gánh nặng này đang đè lên Poroshenko khi ông này miêu tả “thỏa thuận ngừng bắn ở Đông Ukraine” như một “chiến thắng của hòa bình”. Ukraine cần hòa bình để xây dựng lại đất nước, một nhiệm vụ còn khẩn cấp hơn nhiều so với việc trả thù Nga.

Ukraine cũng cần thêm nhiều sự hỗ trợ so với những gì mà nước này đã nhận được từ phương Tây. Gói hỗ trợ 17 tỷ USD được đưa ra bởi IMF hồi tháng 5 được gắn với những cải cách kinh tế khắc nghiệt. “Sự hỗ trợ” của Mỹ kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu trong năm ngoái chẳng khác gì một cách nói tu từ khi nó chỉ có giá trị chưa đến 250 triệu USD, bao gồm việc hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động cải cách, một cuộc họp báo quốc tế về cách tìm ra các tài sản quốc gia bị đánh cắp và sự giám sát bầu cử.

Trên giấy, EU tỏ ra hào phóng hơn, với gói viện trợ 14 tỷ USD, nhưng con số tổng này dường như lớn hơn các gói thành phần. Nó gồm 2 tỷ USD tiền cho vay hoạt động và “đến” 10 tỷ USD cho vay tái thiết. Dĩ nhiên, nó cũng bao gồm cả việc hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy Ukraine thực hiện cải cách.

Kinh nghiệm từ các nước khác, như Nga trong thập niên 1990 và Hy Lạp năm 2010, cho thấy, những yêu cầu cải cách mà IMF đưa ra kèm gói hỗ trợ luôn bóp nghẹt tăng trưởng. Về lý thuyết thì những khó khăn kinh tế bước đầu đó là để mang lại lợi ích lâu dài, nhưng nếu một nước thiếu đi những nền tảng để tạo ra tăng trưởng - thể chế chính trị, quyền tài sản và các cơ sở pháp lý khác - thì lợi ích dài hạn đó khó mà trở thành hiện thực.

Ukraine không có lựa chọn ngoài việc chấp nhận một thức tế buồn: nước này không thể đẩy lùi được Nga. Việc cho phép hai tỉnh Donetsk và Lugansk, cả hai được kiểm soát bởi các tay súng nổi dậy có sự hậu thuẫn của Nga, được quyền tự trị đặc biệt và tập trung vào việc tái thiết và cải cách là chọn lựa duy nhất mở ra cho ông Poroshenko.

Bạn bè của Ukraine có thể giúp đỡ nước này. Họ cần thúc ép Liên Hợp quốc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào miền Đông Ukraine để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn được duy trì. Và họ cũng cần mang đến cho Ukraine các gói hỗ trợ kinh tế dày dặn hơn để giúp nước này vượt qua khủng hoảng kinh tế và chống đỡ cho chính phủ.

Nếu, như nhiều người đã nói, số mệnh về sự tự do và toàn vẹn của châu Âu phụ thuộc vào điều đó, thì cái giá phải trả như vậy là xứng đáng.

Tin bài liên quan