Việt Nam có nhiều nguồn cung USD, sẽ giúp kiềm chế đà tăng của tỷ giá.

Việt Nam có nhiều nguồn cung USD, sẽ giúp kiềm chế đà tăng của tỷ giá.

USD lên giá, doanh nghiệp xuất khẩu "mừng thầm"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá USD/VND tăng là cơ hội đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp nhập khẩu hoặc có dư nợ bằng USD bị thiệt hại.

Giá USD lập đỉnh 20 năm

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD (hiện ở mức 1,5 - 1,75%/năm) nhanh hơn các ngân hàng trung ương khác và giá năng lượng tăng cao được xem là nguyên nhân chính khiến giá USD lập đỉnh trong vòng 20 năm qua. USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có Việt Nam đồng (VND), tức các đồng tiền khác bị mất giá.

Thời gian tới, đồng bạc xanh có thể sẽ mở rộng biên độ tăng do kinh tế thế giới có khả năng suy giảm, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tháng 6/2022 của Mỹ vừa công bố là 9,1% so với tháng 6/2021, cao hơn mức 8,6% của tháng 5 và cao hơn mức dự báo 8,8% trước đó.

Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) nhận định, các đồng tiền mới nổi ở châu Á, bao gồm VND, sẽ đối mặt với áp lực giảm giá thêm khi Fed nhiều khả năng tiếp tục nâng lãi suất trong nửa cuối năm 2022.

Tổ chức này dự báo, tỷ giá sẽ đạt 23.400 VND/USD trong quý III/2022, 23.500 VND/USD trong quý IV/2022, 23.550 VND/USD trong quý I/2023 và 23.600 VND/USD trong quý II/2023.

Sức ép tỷ giá chưa đáng lo ngại

Tỷ giá USD/VND tăng 1,7% trong quý II/2022, nhưng mức độ mất giá của VND vẫn thấp hơn nhiều các đồng tiền khác trong khu vực.

Theo UOB, tỷ giá USD/VND đã tăng 1,7% trong quý II/2022, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, mức giảm giá của VND là khiêm tốn nếu so sánh với mức giảm hơn 4% của chỉ số các đồng tiền châu Á (ADXY). UOB cho rằng, tỷ giá được hỗ trợ bởi Việt Nam có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, lạm phát trong nước được kiểm soát.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, giá USD tăng khoảng 8 - 9%, tiền đồng mất giá gần 2% so với USD, là mức tương đối thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Ông Lực và nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) dự báo, từ nay đến cuối năm 2022, áp lực tỷ giá tăng là có, nhưng sẽ không tăng nhiều (cả năm tăng khoảng 2,5%) và không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Bởi lẽ, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay, khoảng 110 tỷ USD. Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối, giải ngân FDI được dự báo tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư… Đây sẽ là những nguồn cung USD giúp kiềm chế đà tăng của tỷ giá.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách điều hành linh hoạt, chủ động, bám sát diễn biến thị trường để can thiệp khi cần thiết. Báo cáo vĩ mô tháng 7/2022 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 12 - 13 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối nhằm kiềm chế lạm phát và giảm áp lực tỷ giá. Đồng thời, cơ quan này cũng hút ròng gần 175.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

VDSC duy trì quan điểm trong các báo cáo trước đây rằng, tiền đồng chỉ mất giá 2,0 - 2,5% trong cả năm 2022.

Một số tác động từ tỷ giá tăng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, tỷ giá USD/VND tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu (giá trị USD thu về từ xuất khẩu quy đổi ra VND được nhiều hơn), nhưng bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu thì không chịu tác động nhiều.

Tuy xuất khẩu được hưởng lợi, nhưng theo ông Lực, lạm phát và mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, vì chi phí đi vay của doanh nghiệp và người dân tăng lên, nhu cầu hàng hóa - dịch vụ giảm, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thực tế hoạt động xuất khẩu của một số ngành cho thấy nhu cầu có dấu hiệu chững lại. Chẳng hạn, tháng 6/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ chính nhưng chỉ đạt 826 triệu USD, giảm 19,2% so với cùng kỳ. Tính chung nửa đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ đi Mỹ là 5,08 tỷ USD, giảm 2,5%.

Với ngành may mặc, trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kim ngạch xuất khẩu 22,3 tỷ USD, tăng 23% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng hoạt động xuất khẩu gần đây có dấu hiệu chững lại, dự báo khó có thể đạt được kế hoạch 43 tỷ USD xuất khẩu cả năm.

Đối với nhập khẩu, tỷ giá tăng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bất lợi này khiến doanh nghiệp phải tìm cách tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu, gia tăng mua nguyên liệu trong nước, tìm kiếm kênh cung cấp từ các thị trường có tỷ giá so với VND ổn định hơn như Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu nhiều các mặt hàng như điện tử, ô tô từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Bên cạnh đó, đồng bạc xanh mạnh lên gây áp lực đối với các doanh nghiệp vay nợ bằng USD mà không có biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Nguy cơ doanh nghiệp lỗ tỷ giá

Trên sàn chứng khoán, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhiệt điện than, doanh nghiệp thuộc tập đoàn dầu khí… thường sử dụng nhiều nợ vay có gốc ngoại tệ bằng USD như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PVPower, mã chứng khoán POW), Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR), Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND), Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán QTP)…

Tính đến cuối quý I/2022, PVPower có tổng vay dài hạn bằng USD là 2.991,7 tỷ đồng. Tương tự, BSR có khoản nợ dài hạn đến hạn trả bằng USD trị giá 2.958,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ vay tài chính ngắn hạn với hơn 39%. HND có hơn 1.959 tỷ đồng nợ vay tài chính, trong đó 95% là vay bằng USD (1.859,4 tỷ đồng) - khoản vay này có lãi suất 6,07%/năm, sẽ đáo hạn vào năm 2024. Tại QTP, doanh nghiệp có 2.158,3 tỷ đồng nợ vay tài chính, phần lớn dư nợ vay bằng USD, lãi suất 5,2532%/năm, sẽ đáo hạn vào năm 2024.

Trong quý đầu năm 2022, tỷ giá USD/VND tăng nhẹ, nhưng xu hướng USD mạnh lên trong quý II dần trở thành gánh nặng với các doanh nghiệp vì sẽ phải ghi nhận chi phí lỗ tỷ giá ở mức cao.

Dưới góc độ đầu tư, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, doanh nghiệp thuỷ sản, dầu khí, may mặc… vẫn có câu chuyện tăng trưởng, lại được hưởng lợi về tỷ giá, đặc biệt nhóm dầu khí hưởng lợi do nhận doanh thu bằng USD, trong khi phần lớn chi phí tính theo VND.

Thời gian qua, không ít cổ phiếu trong các nhóm này giảm giá sâu nên đây là cơ hội để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu, kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ so với thị trường chung khi VN-Index ổn định trở lại và phục hồi.

Tin bài liên quan