Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét 13 dự án luật quan trọng

Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét 13 dự án luật quan trọng

(ĐTCK) Phiên họp thường kỳ lần thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài trong 5 ngày, từ 11 - 15/8/2014 sẽ cho ý kiến liên quan 13 dự án luật; trong đó có 9 dự án luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
 

Trong phiên khai mạc ngày 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Liên quan Luật Đầu tư sửa đổi, tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh việc thực hiện và bảo đảm nguyên tắc công dân được quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, tinh thần của Hiến pháp trong việc bảo đảm công dân có quyền kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm, vì thế cần có quy định mở để phù hợp tình hình kinh tế - xã hội đang biến đổi nhanh chóng.

Về vấn đề cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, quy định cụ thể các lĩnh vực cấm đầu tư, chi tiết danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện vào dự án Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật liện quan, nhất là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Liên quan đến danh mục cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, hiện mới chỉ có danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện hiện hành, song đến nay vẫn chưa có được danh mục các lĩnh vực cần loại bỏ do các bộ ngành đề xuất. Bộ trưởng Vinh khẳng định, Bộ chỉ mới nhận được phản hồi từ 3 bộ là Thanh tra Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp, song toàn là những bộ ngành ít có ngành nghề. Trước động thái chậm trễ này, Bộ đã tự rà soát sơ lược được 51 ngành nghề cấm kinh doanh, 368 ngành nghề có điều kiện và phát hiện có rất nhiều trùng lắp. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trong tháng 9, tại kỳ họp Thường vụ Quốc hội 31 sẽ trình danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Cùng với Luật Đầu tư sửa đổi, các đại biểu đã cho ý kiến đối với hai dự án Luật Đấu thầu sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là hai dự án luật có ý nghĩa rất quan trọng, cần hướng đến việc mở rộng dân chủ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh trên cơ sở tôn trọng kỷ cương, pháp luật.

Cũng trong hai ngày 11-12/8, các đại biểu tiếp tục cho cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhà ở sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật thi hành án dân sự và cho ý kiến về khung chương trình kênh truyền hình Quốc hội. 

Tin bài liên quan