VAFI đề xuất không nên đưa phương án xác định thuế thu nhập đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp vào dự thảo luật

VAFI đề xuất không nên đưa phương án xác định thuế thu nhập đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp vào dự thảo luật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa mới kiến nghị tới gửi Thủ tướng và các bộ liên quan đến vấn đề góp ý dự Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó hiệp hội này đề xuất không nên đưa phương án xác định thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bằng phương pháp hỗn hợp vào dự thảo luật để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp.

Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Cơ quan soạn thảo cho rằng việc tiêu thụ, sử dụng các mặt hàng nhất là rượu, bia tăng nhanh nên cần tăng thuế để kiểm soát.

Luật TTĐB hiện áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất bia có một số quan điểm cho rằng “còn có hạn chế bất cập về phương pháp tính TTĐB (áp dụng phương pháp tính thuế theo % trên giá bán sản phẩm, còn gọi là phương pháp tương đối). Chưa hội nhập với thế giới khi các quốc gia phát triển, hay một vài nước trong khu vực đang áp dụng phương pháp thuế tuyệt đối hay phương pháp hỗn hợp".

Tuy nhiên theo VAFI, với phương pháp tính thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp, các doanh nghiệp không thắc mắc phần tính thuế TTĐB theo tỷ lệ % vì nó đảm bảo công bằng với mọi doanh nghiệp, nhưng họ không thể chấp nhận mức thuế tuyệt đối được tính như nhau trên 1 đơn vị sản phẩm tiêu thụ dù bia có giá trị cao hay thấp, khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ nhanh chóng phá sản vì phải chịu mức thuế tuyệt đối quá cao so với giá bán.

Hiệp hội này đề xuất không nên đưa phương án xác định thuế TTĐB bằng phương pháp hỗn hợp vào dự thảo luật để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp.

Cần rõ căn cứ khoa học

Hiện nay, có một số ý kiến đề xuất Việt Nam nên nghiên cứu, áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp đối với các sản phẩm rượu bia như một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thị trường rượu bia của Việt Nam có những đặc điểm rất khác biệt so với các quốc gia trên thế giới, vì vậy việc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế nào phải được các nhà làm chính sách nghiên cứu, tính toán cẩn trọng và đánh giá kỹ lưỡng để ít gây ảnh hưởng nhất đến các doanh nghiệp nhưng đạt được mục tiêu chính sách.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu sâu về sự phù hợp về mức thuế và phương pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu ở Việt Nam.

Trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nên giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối như hiện nay và chưa điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu cho đến năm 2025. Thời điểm xem xét tăng thuế có thể là năm 2026 với mức tăng khoảng 5-10%.

“Trong mọi trường hợp, việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách khác như: hỗ trợ đào tạo, chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm giải trình… có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội, nguồn thu ngân sách và giảm thiểu hệ lụy tiêu cực của bia rượu đối với đời sống”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Tin bài liên quan