Bệnh viện Tim Hà Nội

Bệnh viện Tim Hà Nội

Vi phạm về đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội: Thỏa thuận giá, tạo chứng thư thẩm định trái pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
Hôm nay (17/4), Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, cùng 11 đồng phạm.

Nhóm bị can này bị cáo buộc thông thầu tại 5 gói thầu mua sắm vật tư y tế, gây thiệt hại gần 54 tỷ đồng.

Thông thầu

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2015, Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư tại Bệnh viện để sử dụng trước, sau đó chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa, hoàn thiện các thủ tục cho doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán.

Do quen biết từ trước, nên sau khi biết được nhu cầu của Bệnh viện, Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga; Phan Tuấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Kim Hòa Phát đến gặp, đặt vấn đề và được Tuấn đồng ý cho bán các mặt hàng vật tư y tế, tiêu hao vào Bệnh viện, với đơn giá theo đề nghị của Đạt và Đảng.

Để đảm bảo 2 công ty trên được trúng thầu, khi lập danh mục mua sắm năm 2016 và dự toán các gói thầu, Nghiêm Tuấn Linh và Đoàn Trọng Bình (đều là Phó trưởng phòng Vật tư, thiết bị y tế Bệnh viện Tim Hà Nội, thành viên Hội đồng Mua sắm, thành viên Tổ Thẩm định đấu thầu) đã lấy 5 báo giá của các công ty của Đạt, Đảng, sau đó sử dụng các báo giá này để tổng hợp, lập danh sách mua sắm, lập dự toán trong danh mục mua sắm năm 2016. Các mặt hàng mà Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát dự thầu được xây dựng trên thông tin của báo giá do 2 công ty này cung cấp.

Để hợp thức danh mục, số lượng, đơn giá, chủng loại, tổng giá trị hàng hóa cần mua sắm, Bình đã lập biên bản họp Hội đồng Mua sắm và đưa cho các thành viên ký hợp thức, thống nhất danh mục mua sắm, gồm 5 gói thầu, 907 mặt hàng, tổng giá trị dự kiến hơn 400 tỷ đồng. Sau đó, Nguyễn Quang Tuấn ký phê duyệt danh mục mua 807 mặt hàng hóa chất, vật tư năm 2016, với tổng số tiền gần 397 tỷ đồng.

Trong quá trình lên kế hoạch lập hồ sơ mời thầu, Nguyễn Quang Tuấn đã chỉ đạo Hoàng Thị Ngọc Hưởng, Phó giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng Mua sắm và Đoàn Trọng Bình liên lạc với Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC Việt Nam, đề nghị thẩm định giá, theo đơn giá kế hoạch đã được Tuấn phê duyệt.

Từ các hồ sơ, đơn giá được phía Bệnh viện cung cấp, Công ty Định giá AIC Việt Nam đã không tiến hành thẩm định giá theo quy trình, không khảo sát thực tế, thu thập thông tin về tài sản so sánh, sau đó ban hành chứng thư thẩm định xác định danh mục vật tư, hóa chất không đúng giá thị trường, làm căn cứ để đưa vào hồ sơ mời thầu.

Khi Cơ quan điều tra vào làm việc, Trần Phú Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Định giá AIC Việt Nam mới chỉ đạo nhân viên lập sẵn báo giá và xin dấu, chữ ký của một số công ty, lấy lùi ngày để hợp thức hồ sơ và báo cáo thẩm định.

Hàng loạt vi phạm trong tổ chức chỉ định thầu rút gọn, mua sắm vật tư, hóa chất

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ, nếu có căn cứ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật đối với 7 nhà thầu trúng thầu mặt hàng Stent và một số mặt hàng khác với số lượng lớn, gồm Công ty cổ phần Thương mại Cổng Vàng, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1, Công ty TNHH Dược phẩm Hoàn Nguyên, Công ty TNHH Thanh Phương, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Quỳnh Anh, Chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha Hà Nội, Công ty cổ phần Dược phẩm Thống Nhất.

Quá trình điều tra xác định, năm 2016-2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu 16 gói thầu, trong đó, tổ chức riêng 5 gói thầu chuyên mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá gần 596 tỷ đồng.

Tại Gói thầu số 5 năm 2016, tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi, Công ty Hoàng Nga trúng thầu 14 mặt hàng, tổng trị giá 41,6 tỷ đồng, trong đó có 750 Stent mạch vành loại bọc thuốc Pronova, xuất xứ Ấn Độ. Trước khi trúng thầu, công ty này đã ký gửi 109 Stent Pronova tại Bệnh viện, do đó, sau khi trúng thầu đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng để trừ dần vào một phần tổng số lượng đã trúng thầu.

Trong khi đó, Công ty Kim Hòa Phát trúng thầu 10 mặt hàng, tổng giá trị 11,5 tỷ đồng, trong đó có 200 Stent.

Tại 4 gói thầu năm 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội đã áp dụng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn mua 538 mặt hàng, kết quả đã ký hợp đồng với 55 nhà thầu, tổng trị giá trị 348 tỷ đồng.

Trong các gói thầu trên, Công ty Hoàng Nga đã tham gia và trúng 4 gói thầu cung cấp 1.161 Stent và một số vật tư khác; Công ty Kim Hòa Phát trúng 3 gói thầu cung cấp 200 Stent. Sau khi có quyết định trúng thầu, ký hợp đồng kinh tế, các công ty trên đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng để trừ vào một phần số lượng Stent, vật tư tiêu hao đã ký gửi trước đó.

Cơ quan điều tra xác định, để hợp thức hóa việc thanh toán sử dụng tạm ứng hàng hóa và vật tư, thiết bị y tế trong khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội với Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát và một số công ty khác, Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm đã chỉ đạo xin chủ trương Sở Y tế Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội và UBND TP. Hà Nội với lý do “cấp bách”, “cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn”..., nhằm áp dụng trái pháp luật quy định của Luật Đấu thầu, chỉ định thầu rút gọn, sử dụng đơn giá trúng thầu của gói thầu năm 2016 đối với 4 gói thầu năm 2017.

Các bị can này đều biết, đơn giá vật tư y tế do các bị can thông đồng với các bị can tại Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát và Công ty Định giá AIC Việt Nam thỏa thuận, áp đặt từ năm 2016, nhưng vẫn tiếp tục đưa vào hồ sơ, quyết định chỉ định thầu, thanh toán cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát vào năm 2017.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ tiến hành định giá, qua đó xác định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu của nhóm bị can tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các bị can tại Công ty Định giá AIC Việt Nam đã gây thiệt hại cho Bệnh viện và Quỹ Bảo hiểm gần 54 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng với 4 gói thầu rút gọn năm 2017, Công ty Hoàng Nga đã trục lợi gần 27,3 tỷ đồng, Công ty Kim Hòa Phát trục lợi 3,5 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Tổ Chuyên gia đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội được thành lập chỉ nhằm hợp thức hóa các hồ sơ, thủ tục đấu thầu để thanh toán tiền cho các nhà thầu đã cho mượn vật tư để sử dụng.

Nhiều thành viên Hội đồng Mua sắm, Tổ Chuyên gia đấu thầu khi tham gia tổ chức đấu thầu, ký các thủ tục biên bản họp, tờ trình để hợp thức thủ tục liên quan kế hoạch, tổ chức, phê duyệt kết quả đấu thầu... đều không được trao đổi, bàn bạc trước về việc lập kế hoạch, danh mục mua sắm, xây dựng giá kế hoạch, xét thầu, chấm thầu, thẩm định hồ sơ thầu. Toàn bộ hồ sơ đều do Phòng Vật tư, thiết bị y tế lập, trình ký.

Tin bài liên quan