Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải đáp ý kiến của đại biểu Quốc hội về con số chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hội trường Quốc hội chiều 8/6/2015. Ảnh Đức Thanh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải đáp ý kiến của đại biểu Quốc hội về con số chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hội trường Quốc hội chiều 8/6/2015. Ảnh Đức Thanh

Vì sao có sự chênh lệch lớn số liệu xuất nhập khẩu với Trung Quốc?

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, có hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại hàng Trung Quốc vào Việt Nam nhưng không thể suy luận chênh lệch số lượng thống kê lớn đến hàng chục tỷ USD như vậy.

Giải đáp thắc mắc của đại biểu Mai Hữu Tín (tỉnh Bình Dương) về con số xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bị tính thấp đi và con số thống kê hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, là do cách tính giá hàng hóa cũng có nhiều cách khác nhau; Không phải cứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc là hàng buôn lậu, hàng cấm, khoáng sản…

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, những con số của Đại biểu Mai Hữu Tín (tỉnh Bình Dương) đưa ra trong phiên thảo luận buổi sáng là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cách lý giải về vấn đề này chưa thống nhất, dù có nhiều phần đúng khi có chênh lệch số liệu do quản lý hải quan chưa tốt về buôn lậu và gian lận thương mại.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, có hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại hàng Trung Quốc vào Việt Nam nhưng không thể suy luận chênh lệch số lượng thống kê lớn như vậy. Số liệu xuất nhập khẩu hàng năm được Tổng cục Thống kê lấy từ số liệu của Tổng cục Hải quan thông qua tổ công tác hoạt động từ 20 năm nay, những số liệu này là tương đối chính xác.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hầu hết các số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước đều có hiện tượng chênh lệch như với Trung Quốc.

Hiện nay, các nước trên thế giới đều có sự chênh lệch này là do cách thống kê của các nước khác nhau. Thế giới quy định xuất khẩu theo giá FOB, nhập khẩu theo CIF. Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc nhưng nước này không tính số liệu xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch kể cả có hải quan làm thủ tục ví như mặt hàng gạo, nông sản..., cho nên con số xuất khẩu của Việt Nam có thể là lớn hơn.

Do đó, con số xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bị tính thấp đi và con số thống kê hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên cũng còn là do cách tính giá  hàng hóa cũng có nhiều khác nhau.

“Không phải những hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc là hàng buôn lậu, hàng cấm, khoáng sản…Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu qua hình thức này phía Trung Quốc đều biết nhưng không được nước này tính vào giá trị nhập khẩu dẫn đến chênh lệch số liệu”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 8/6/2015, Đại biểu Mai Hữu Tín (tỉnh Bình Dương) cho biết, số liệu năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỷ USD, cao hơn trên 30% so với số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố. Trong khi đó, Trung Quốc lại xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỷ USD, cao hơn đến 45% so với con số công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Như vậy, riêng trong năm 2014, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỷ USD mà Việt Nam công bố. Đây là một khoảng chênh lệch 15 tỷ USD và cũng có nghĩa là nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã chiếm tới gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, không chỉ là 30% theo con số của cơ quan thống kê Việt Nam.

“Việc khác biệt về số liệu xuất nhập khẩu theo số liệu thống kê các nước là việc bình thường, nhưng rủi ro bao gồm sự khác biệt về ghi nhận tỷ giá, chi phí vận chuyển, bảo hiểm… Theo tính toán của Việt Nam, chi phí bảo hiểm và chi phí chiếm khoảng 6,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Với hai quốc gia có chung đường biên giới, giữa Việt Nam và Trung Quốc, chi phí vận chuyển trên thực tế không thể lớn hơn tỷ lệ 6,6%”, ông Tín cho biết.

Áp dụng công thức tính này vào thực tế, ông Tín cho rằng, nếu Việt Nam ghi nhận việc xuất khẩu 14,9 tỷ USD xuất khẩu qua Trung Quốc thì con số do Trung Quốc ghi nhận chỉ ở trong khoảng 15,9 tỷ USD. Tuy nhiên, con số Trung Quốc ghi nhận khoảng là 19,9 USD, cao hơn khoảng 4 tỷ USD. Trong khi hai nước còn có vai trò xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch qua biên giới không được ghi nhận đầu đủ, chắc chắn sẽ chiếm một phần trong khoảng 4 tỷ USD này.

Ông Tín khẳng định: Chỉ có thế giải thích, phần lớn con số chênh lệch này đến từ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu lậu sang Trung Quốc. Đó có thể là các mặt hàng Việt Nam cấm xuất khẩu hoặc hạn chế xuất khẩu bao gồm tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam.

Tin bài liên quan