Vì sao có tới 5.000 vụ đình công trái luật?

Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế đình công trái luật, thì điều tối quan trọng là phải nâng cao chất lượng thoả ước tập thể cũng như nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn.
Vì sao có tới 5.000 vụ đình công trái luật?

“Tất cả hơn 5.000 cuộc đình công xảy ra trên cả nước từ năm 2006 đến nay không có cuộc nào diễn ra theo đúng trình tự quy định của pháp luật”. Đó là thông tin khá sốc được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đưa ra tại Hội thảo Xây dựng và triển khai Đề án Phát triển quan hệ lao động tại một số tỉnh/thành phố, tổ chức tại Hà Nội ngày 31/3.

Đình công cũng chính là vấn đề nóng nhất của quan hệ lao động trong thời gian qua và sẽ còn tiếp tục kéo dài, khi Việt Nam vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, số lượng doanh nghiệp cũng như người lao động ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó, các điều khoản điều chỉnh quan hệ lao động trong luật vẫn còn khoảng cách khá xa so với thực tiễn triển khai.

“Vai trò hòa giải, thương lượng khi xảy ra tranh chấp của tổ chức công đoàn và hòa giải viên lao động quá kém, không hiệu quả, nên việc người lao động chọn đường tắt là đình công trái luật để đấu tranh, nhằm đạt được quyền lợi với giới chủ là điều dễ hiểu”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động lý giải.

Để làm rõ hơn nguyên nhân của những cuộc đình công trái luật, cũng như những tồn tại trong quan hệ lao động hiện nay, ông Cường đưa ra 5 lý do. Đó là, cơ quan nhà nước và các thiết chế quan hệ lao động chưa phát huy được hiệu quả trong việc điều chỉnh, dẫn dắt, quản lý và thúc đẩy quan hệ lao động; tổ chức công đoàn cơ sở chưa phát huy được vai trò đại diện cho người lao động trong việc tương tác trong quan hệ lao động với giới chủ (thương lượng, đối thoại thoả ước và đình công); chưa có giải pháp triệt để về chủ động phòng ngừa và giải quyết đình công hiệu quả; hoạt động đối thoại, thương lượng và ký thoả ước lao động tập thể mang nặng tính hình thức, đối phó, làm mất đi vai trò là hình thức tương tác căn bản của quan hệ lao động; đời sống vật chất và tinh thần của người lao động chưa hỗ trợ cho quan hệ lao động lành mạnh.

“Nói một cách thẳng thắn là, nhiều điều khoản luật điều chỉnh quan hệ lao động chỉ mang giải pháp tình thế, mang nặng tính hình thức, nên cần sớm được thay thế hoặc loại bỏ”, ông Cường nhấn mạnh.

Chính vì thực trạng đó, nên Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, cần sớm hoàn thành xây dựng và thực hiện thí điểm Đề án Phát triển quan hệ lao động tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai và  Bình Dương nhằm rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.

Theo đó, phấn đấu đến ngày 30/6/2014, sẽ hoàn thành việc ký thông qua Đề án tại 5 tỉnh, thành phố nói trên, với mục tiêu tạo được mối quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh trong vòng 6 năm (2014-2020).

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Cường, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mục tiêu đó là bất khả thi. “Đề án nên đặt mục tiêu chính là tìm ra các biện pháp thực hiện, thay vì đặt mục tiêu bao giờ Đề án được thông qua, cũng như đưa ra những con số mục tiêu tuyệt đối”, ông Cường kiến nghị và cho rằng, không nước nào có thể tạo ra được một quan hệ lao động hài hòa trong 6 năm, bởi việc đó giống như xây một cao ốc. Muốn có nhà cao, trước hết phải có nền móng tốt, mà ở đây là, các biện pháp thực hiện làm sao để nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn, đại diện cho quyền lợi của người lao động, chứ không phải công đoàn cho chính giới chủ dựng lên; hay nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo quyền lợi công bằng cho cả người lao động và giới chủ.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận xét, thực tế triển khai thí điểm ở Bình Dương cho thấy, để xuống tận nơi, hỗ trợ người lao động trong từng doanh nghiệp bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở, không có sự can thiệp của giới chủ; nâng cao năng lực công đoàn cơ sở để xây dựng thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi xảy ra tranh chấp rất mất thời gian. Cả năm chỉ làm được được chục đơn vị là nhiều.

“Vì vậy, mục đích chính của Đề án nên là từ việc thí điểm từng mô-đun công việc cụ thể, tìm ra cách làm hiệu quả nhất để nhân rộng. Trong đó, thay vì các cơ quan quản lý Trung ương chỉ đưa ra văn bản chỉ đạo mục tiêu nên lấy kinh nghiệm từ thí điểm, chỉ rõ cụ thể công việc, trách nhiệm của từng cơ quan cấp địa phương trong tham vấn, đối thoại ba bên cấp khu công nghiệp hoặc cấp ngành địa phương mới có thể thay đổi được quan hệ lao động trên diện rộng”, ông Sơn nói.

Tin bài liên quan