Viễn cảnh ảm đạm của các công ty sản xuất dược phẩm

Theo nhật báo phố Wall, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các công ty dược phẩm lớn sẽ có nguy cơ chựng lại.

Trong thời gian tới, rất nhiều loại biệt dược bán chạy nhất hiện nay sẽ hết hạn được bảo vệ bản quyền, tương đương một nửa doanh số thuốc bán ra của các công ty dược trong năm 2007. Điều này cho phép các các nhà sản xuất thuốc cùng dòng (có cùng thành phần và tác dụng như thuốc đặc trị, nhưng không được bảo vệ bản quyền) vào cuộc để chế ra những thứ thuốc bán rẻ hơn rất nhiều. Cuộc cạnh tranh của các công ty sản xuất thuốc theo dạng ăn sẵn này có thể tước mất của các công ty dược hàng đầu mỗi năm tới 67 tỉ USD doanh số trong giai đoạn 2007 - 2012, khi mà gần 40 công ty dược bị mất quyền bảo hộ bản quyền thuốc.

 

Trong khi đó, hoạt động của bộ máy nghiên cứu khoa học ngành công nghiệp dược đang có dấu hiệu chững lại. Trong suốt thế kỷ qua, cách tiếp cận của ngành công nghiệp dược là tìm ra những hoá chất có tác dụng điều trị bệnh, song bộ máy này đang ngày càng tạo ra được ít sản phẩm hơn. Trong một thời gian dài, người ta đã không tìm ra được các thuốc mới thay thế các loại thuốc hiện đang có bán trên thị trường như Lipitor, Plavix, Zyprexa.

 

Viễn cảnh doanh thu giảm sút trong ngành công nghiệp dược có thể là dấu hiệu cảnh báo về sự sa sút của một phương thức kinh doanh cũ. Sidney Taurel, Chủ tịch Công ty Eli Lly & Co. cho rằng, nếu không thay đổi ngành công nghiệp dược sẽ lâm vào bế tắc. Ngày 5/12, Công ty Bristol-Myer Squibb Co. đã công bố kế hoạch cắt giảm 10% lực lượng lao động (khoảng 4.300 công ăn việc làm), đồng thời đóng cửa, hoặc bán khoảng một nửa các nhà máy chế biến thuốc của mình vào năm 2010.

 

Công ty nghiên cứu và tư vấn Datamonitor cho biết, từ năm 2011đến 2012, doanh thu của ngành công nghiệp dược sẽ giảm, và đây là đợt sụt giảm đầu tiên ít nhất là trong vòng 4 thập kỷ qua.

 

Việc bảo vệ bản quyền bằng sáng chế thuốc hết hạn cũng là một vấn đề đau đầu. Các loại thuốc mới được bảo hộ bằng sáng chế trong 20 năm, mặc dù các công ty thường chỉ có khả năng tung ra thị trường sản phẩm của mình khi đã hết một nửa thời hạn bảo hộ. Tuy nhiên, một khi đã được lưu hành, các loại thuốc được bảo vệ bản quyền thường mang lại lợi nhuận rất cao, thường lên tới 90-95%. Khi thời hạn bảo hộ độc quyền chấm dứt, các công ty sản xuất thuốc gốc thường bán các sản phẩm này với giá gần như mức giá thành.

 

Plizer Inc. sẽ là công ty bị tác động nặng nề khi bằng phát minh thuốc Lipitor của họ hết thời hạn được bảo hộ vào năm 2010. Lipitor là loại thuốc giảm Cholesterol có tác dụng tốt nhất từ trước tới nay. Các nhà thuốc và các công ty dược đang ra sức cung cấp thuốc theo đơn với các loại thuốc gốc, làm cho doanh số thuốc bán ra chỉ còn bằng một phần so với con số 13 tỉ USD năm ngoái.

 

Đến năm 2012, ba loại thuốc bán chạy hàng đầu của Meck & Co. là: thuốc Fosamax điều trị bệnh loãng xương, Singulair trị hen suyễn và thuốc huyết áp Cozaar sẽ phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt. Riêng ba loại thuốc này đã chiếm 44% thu nhập hiện nay của công ty. Tiếp theo việc mất quyền bảo hộ bằng sáng chế độc quyền thuốc giảm Cholesterol Zocor hồi năm ngoái, doanh số bán ra của Meck trong năm nay dự kiến giảm 82% so với mức 4,38 tỉ USD năm 2005. Người phát ngôn của Meck cho biết, Công ty đang điều chế một số sản phẩm nhằm bù đắp khoản thiệt hại do mất quyền bảo hộ bằng sáng chế thuốc.

 

Sự phát triển của các công ty sản xuất thuốc gốc sẽ không gây nhiều tác động nếu như các phòng bào chế thuốc có khả năng tạo ra một loạt sản phẩm mới bán chạy. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Trong 5 năm, từ 2002 đến 2006, ngành công nghiệp dược tung ra thị trường số dược phẩm được điều chế bằng phương pháp hoá học giảm 43% so với 5 năm cuối của thập kỷ 90, mặc dù họ phải tăng hơn gấp đôi chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới. Tại Mỹ, do lợi nhuận có nguy cơ giảm sút, các nhà đầu tư cổ phiếu của các công ty dược đang có xu hướng chuyển sàn sang các sản phẩm khác.

 

Trong khi rất nhiều người bệnh được lợi nhờ giá thuốc gốc giảm, một số người khác lại chờ đợi một cách tuyệt vọng những phương thuốc mới có thể giúp giảm nhẹ hoặc chữa trị nỗi đau của họ. Nhiều chuyên gia tỏ ra thất vọng vì sự bế tắc của ngành được. Một giáo sư chuyên khoa tâm sinh lí học tại Đại học Duke phát biểu: Cách đây 10 năm, chúng tôi còn phát triển được 9- 10 loại thuốc chữa rối loạn tâm thần, song hiện nay chỉ còn một nửa. Trong số các khó khăn của ngành dược còn phải kể đến yêu cầu phải thử nghiệm rất lâu, thường phải thử từ 5.000 đến 10.000 lần trên người trước khi được phép lưu hành. Các qui định về an toàn của Cơ quan Quản lí thuốc Hoa Kỳ FDA cũng buộc các công ty phải nghiên cứu kĩ hơn các sản phẩm mới.