Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh: "Tránh rủi ro cạn kiệt không gian chính sách"

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra khuyến nghị này tại Hội thảo chuyên đề "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam" diễn ra sáng 22/4 tại Hà Nội.

Khuyến nghị được đưa ra trong bối cảnh dù Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong kiểm soát dịch Covid-19, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn. Đại diện CIEM cho rằng, nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết, và/hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Những thành công nhất định trong chỉ đạo và điều hành của Chính phủ từ năm 2020 đến nay thể hiện ở những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, những phản ứng chính sách kịp thời và hướng nhiều hơn tới chủ động quản trị bất định, đã góp phần vào thành công của kiểm soát dịch Covid-19. Do đó, việc đảm bảo các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế có sự song hành và hài hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong bối cảnh Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 2,91% trong năm 2020 và phục hồi ở mức 4,48% trong quý I/2021. Dù còn thấp hơn so với trước Covid-19, những kết quả tăng trưởng này của Việt Nam vẫn cao hơn so với kết quả báo cáo của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả khu vực Đông Á.

Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới nhiều ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là du lịch. Tuy vậy, năm 2020 cũng ghi nhận một số ngành sản xuất có tăng trưởng nổi bật như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, cùng với sự phát triển một số ngành nghề mới như dịch vụ số, thương mại điện tử, sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu của CIEM nhận định, nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam có thể đạt tới 6,76% trong giai đoạn 2021 - 2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược 2021 - 2030 với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mới. Dù phải cân nhắc những kịch bản diễn biến dịch bệnh, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khi Covid-19 kết thúc. Việc đảm bảo các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế song hành và hài hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng cũng là một yêu cầu thách thức.

Đối với lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021 - 2023, các chuyên gia khuyến nghị tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021; kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế trong năm 2022; rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023.

Tin bài liên quan