Việt Nam mong muốn xây dựng khung khổ hợp tác mới với khu vực Mỹ La Tinh

Việt Nam mong muốn xây dựng khung khổ hợp tác mới với khu vực Mỹ La Tinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần 30 đoàn doanh nghiệp Mỹ Latinh đã đến Việt Nam tham dự Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam 2023 và tham dự phiên kết nối B2B trực tiếp giữa doanh nghiệp hai bên.

Thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ Latinh đang có dấu hiệu phục hồi

Chia sẻ tại “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2023” tổ chức sáng ngày 14/9 tại TP. HCM, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh đạt 13,4 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù vậy, một tín hiệu tích cực là đà giảm xuất nhập khẩu đang được thu hẹp dần so với những tháng đầu năm và vẫn có một số thị trường có kim ngạch 8 tháng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2022 , cho thấy thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ Latinh đang có dấu hiệu phục hồi.

Cụ thể, một số thị trường có kim ngạch tăng trưởng dương 8 tháng năm 2023: Panama đạt 273,3 triệu USD, tăng 2,3%; Puerto Rico đạt 54,7 triệu USD, tăng 60%; Honduras đạt 39,2 triệu USD, tăng 7,2%; Nicaragua 24,7 triệu USD, tăng 38,3%, Bolivia đạt 16,8 triệu USD, tăng 106,5%.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, từ nhiều năm nay, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng được phát triển và mở rộng, bất chấp nhiều giai đoạn khó khăn của thị trường. Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018 (cũng là năm đầu tiên Diễn đàn thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh được tổ chức) lên mức 23 tỷ USD năm 2022.

Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.

Xét về quan hệ thương mại của Việt Nam, Mỹ Latinh vẫn luôn nằm trong số các thị trường quan trọng nhất. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…, Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi… Việt Nam và Mỹ Latinh là những nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới, với nhiều lợi thế có thể bổ sung cho nhau. Hai bên đều có khả năng nhất định trong tham gia xử lý các thách thức về an ninh lương thực, năng lượng, tham gia các chuỗi cung ứng đang được tái cơ cấu mạnh mẽ trên toàn cầu...

Tuy nhiên, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khu vực Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hoá và hành khách trực tiếp, chi phí logistics cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường…

Tiềm năng rất lớn, nhưng doanh nghiệp cần có những bước đi bài bản

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Mario Schuff, chuyên gia kinh tế, ngoại giao, Giám đốc phụ trách quan hệ Việt Nam – Argentina của Phòng Thương mại châu Á cũng đã cập nhật tình hình thị trường Mỹ Latinh trong bối cảnh hiện nay cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ, đồng thời phân tích cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, trong đó nhấn mạnh tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên doanh nghiệp cần có những bước đi bài bản, chuyên nghiệp.

Theo ông Federico Bucher, Giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Cencosud Chile, trong năm 2022, một nửa doanh thu của Tập đoàn đến từ thị trường Chile, 20% từ Argentina, 16% từ Brazil… Ở mỗi quốc gia, Tập đoàn sẽ cung cấp các sản phẩm theo chiến lược theo hướng nội địa hóa và bản địa hóa. Quan điểm của Cencosud Chile là tìm ra các nguồn cung tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam và khoanh vùng vào những ngành hàng mang tính cạnh tranh tốt hơn so với các quốc gia khác như: Trung Quốc, Ấn Độ… Vì vậy, Cencosud Chile muốn hiểu biết sâu rộng hơn về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, từ đó, thực hiện công tác đối sánh để lựa chọn nguồn cung phù hợp.

“Chúng tôi đưa ra 3 tiêu chí để doanh nghiệp Việt xem xét về tính cạnh tranh với Trung Quốc, gồm: Chất lượng, giá cả, thương mại. Đặc biệt, thách thức cạnh tranh của Việt Nam sang thị trường Chile là Trung Quốc, đặc biệt là ngành dệt may. Vì vậy, với việc Trung Quốc đang mất dần lợi thế vì giá nhân công cao thì Việt Nam nên đón đầu xu thế này để tận dụng cơ hội xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giày sang Chile hay một vài quốc gia của Mỹ Latinh”, ông Federico Bucher nhấn mạnh.

Đối với Tập đoàn may mặc Brazil Renner, bà Roberta Guttler Difini, đại diện Tập đoàn này cho biết, hiện tại, Tập đoàn có hơn 650 cửa hàng tại Brazil, Uruguay, Argentina… Năm 2022, Tập đoàn đã mở một văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm tìm kiếm đối tác kinh doanh.

“Khoảng 35-40% nguồn cung của Tập đoàn là đến từ châu Á, vì vậy, doanh nghiệp cũng mong muốn tìm kiếm các nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn hàng từ Bangladesh, Việt Nam…”, bà Roberta Guttler Difini nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh ở những thị trường này, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc kinh doanh Công ty Napoli Coffee cho biết, điều đầu tiên doanh nghiệp phải tìm hiểu tập quán tiêu dùng, kênh phân phối và điều kiện địa lý bởi nếu không quan tâm sẽ ảnh hưởng tới lô hàng xuất đi.

Ngoài ra về thanh toán, doanh nghiệp Việt Nam nên mở L/C để hỗ trợ cả 2 phía đầu nhập và đầu xuất. Bên cạnh đó, do đây là thị trường xa, thời gian giao hàng lâu nên phải chọn bao bì đóng gói phù hợp với cách thức tiêu dùng và kênh phân phối ở Mỹ Latinh; đồng thời phải có thời gian sử dụng phải lâu hơn. Đặc biệt, nên chọn đơn vị vận chuyển hiểu thị trường và có những chứng nhận phù hợp từng nước trong khu vực…

... và mong muốn xây dựng những khung khổ hợp tác mới

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Việt Nam mong muốn xây dựng những khung khổ hợp tác mới với khu vực Mỹ La Tinh.

Về phía Việt Nam, hiện đã hoàn tất việc rà soát nội bộ liên quan đến việc đàm phán FTA với Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay); và mong muốn hai bên sớm khởi động đàm phán để đi đến ký kết hiệp định này, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên khối.

"Nếu hai bên không hành động nhanh trong vấn đề này chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai phía", ông Linh nói và nhấn mạnh thêm: “Tôi mong rằng, Brazil - đang đảm nhận vai trò là Chủ tịch luân phiên của Khối thị trường chung Nam Mỹ MERCOSUR, với tư cách là thành viên có tiếng nói quan trọng Khối MERCOSUR, tiếp tục thúc đẩy việc khởi động đàm phán FTA hơn nữa trong thời gian tới. Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp với Brazil cũng như các nước thành viên khác trong Khối MERCOSUR để khởi động và kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất như mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp hai bên”.

Tin bài liên quan