Việt Nam tăng nhập dầu thô, xăng dầu thành phẩm

Việt Nam tăng nhập dầu thô, xăng dầu thành phẩm

0:00 / 0:00
0:00
2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã "tiêu" 2,8 tỷ USD để nhập khẩu 1,92 triệu tấn xăng dầu thành phẩm và 1,8 triệu tấn dầu thô về phục vụ các nhà máy lọc dầu trong nước.

Xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam trong 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh cả về khối lượng và trị giá. Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, 2 tháng vừa qua, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 1,92 triệu tấn xăng dầu, với tổng giá trị 1,7 tỷ USD, tăng 43,1% về lượng và tăng 56,3% về trị giá.

Nếu tính cả lượng ngoại tệ để nhập dầu thô, tổng kim ngạch đã lên tới 2,8 tỷ USD. Cụ thể, nhập dầu thô 2 tháng tăng kỷ lục cả về lượng lẫn trị giá, với 1,8 triệu tấn dầu thô, trị giá hơn 1,1 tỷ USD, tăng lần lượt 129% và 110% so với cùng kỳ năm trước.

Hàn Quốc, Singapore và Malaysia vẫn là những thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết từ ngày 20/1 đến 21/2, đơn vị này đã nhập khẩu 168.596 m3 xăng, 162.308 m3 diesel và 24.931 m3 dầu mazut để cung ứng ra thị trường.

Trong khi đó, lượng nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước đối với xăng là 284.369 m3, dầu diesel là 245.619 m3 và dầu hỏa là 1.651 m3.

Lượng xuất bán nội địa của Petrolimex trong thời gian trên đối với xăng là 435.800 m3; Dầu diesel là 344.935 m3; Dầu hỏa là 1.961 m3 và Dầu mazut là 18.171 m3.

Cả năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 10,6 triệu tấn dầu thô về phục vụ các nhà máy lọc dầu trong nước, trị giá gần 8,2 tỷ USD, tăng lần lượt 6% và 57% so với 2021. Về xăng dầu thành phẩm, cả nước nhập 8,87 triệu tấn, trị giá 8,97 tỷ USD, tăng mạnh 27,7% về lượng và tăng 118,5% (tương ứng tăng 4,86 tỷ USD) về số tuyệt đối so với năm 2021.

Như vậy, tổng chi nhập xăng dầu thành phẩm và dầu thô năm 2022 đã vượt 17 tỷ USD.

Năm 2022, tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).

Trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, năm 2023, Bộ Công thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao, bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Tin bài liên quan